Long An khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là dấu son đầy tự hào và kiêu hãnh, nhắc nhớ mọi người luôn biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để có được ngày hôm nay...

Phát huy tinh thần 30/4, Long An khát vọng vững bước đi lên (Trong ảnh: Một góc đô thị Tân An nhìn từ trên cao)
Tự hào vùng đất “trung dũng, kiên cường”
Tháng tư về, trên khắp các nẻo đường không chỉ là hình ảnh cờ hoa rực rỡ, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mà còn vang lên trên các phương tiện truyền thông những giai điệu hào hùng. Cảm xúc về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những giờ phút “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam” như dâng trào trong lòng mỗi con dân đất Việt.
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000) có ghi: Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Cùng với các mũi nhọn của Sư đoàn 5, chủ lực miền, quân dân Long An - Kiến Tường được 2 Tỉnh ủy chỉ đạo chính thức bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong tỉnh với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.
Ở Kiến Tường, Tiểu đoàn 504 bám mục tiêu Kinh Quận được lệnh theo lộ Bắc Hòa đánh về tỉnh lỵ Mộc Hóa. Phong trào dân công hỏa tuyến, tải đạn, tải thương, làm binh vận lên cao chưa từng có ở khắp các huyện, nhất là Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước,...
Sáng 26/4, quân ta bắt đầu tiến công vào sư đoàn 25 ngụy đang cố thủ ở Bến Lức và thị xã Tân An. Địch chống trả quyết liệt đến chiều nhưng sau đó chúng bắt đầu phải co cụm và tháo chạy hoảng loạn. Một bộ phận lực lượng vũ trang Long An phối hợp lực lượng cấp trên tiến vào Sài Gòn tham gia đánh chiếm quận 8, lộ 5, Tổng nha cảnh sát, Bến cảng Nhà Rồng...
Ngày 28/4/1975, Sư đoàn 3 của Binh đoàn 232 tiến công giải phóng chi khu Hậu Nghĩa, tiếp đó giải phóng hoàn toàn huyện Đức Hòa và các huyện phía Nam. Đêm 29/4/1975, ta chặn đánh lữ đoàn 4 kỵ binh thiết giáp ngụy đóng ở Mộc Hóa. Trưa ngày 30/4/1975 ở tỉnh Long An và sáng ngày 01/5/1975 ở tỉnh Kiến Tường, quân và dân ta bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, đã buộc toàn bộ chính quyền địch đầu hàng vô điều kiện.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Long An là địa bàn chiến lược của ta lẫn của địch. Được xem là chiến trường hết sức ác liệt, diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa 2 bên trong sự không cân sức giữa ta và địch. Nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Long An tạo thế và lực mới, làm nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, góp phần giành toàn thắng cùng miền Nam và cả nước.
Cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Long An là vùng đất có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử với địa thế tự nhiên tiếp giáp TP.HCM, có đường biên giới giáp Campuchia, có cửa sông ra biển, có hệ thống giao thông thủy, bộ huyết mạch nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển nông nghiệp.
Nhân dân Long An bao đời nay giàu truyền thống yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh. Khi kẻ thù xâm lấn, sẵn sàng vùng lên, bất khuất, hiên ngang, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Đường phố được trang trí chào đón sự kiện chính trị quan trọng
Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 50 năm giải phóng, Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đó là xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thực hiện chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, triển khai các chương trình trọng điểm về KT-XH, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp,...

Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Là người lính trinh sát, lập không ít chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) dặn dò thế hệ trẻ phải trân trọng và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ông nói: “Quê hương mình giờ nhiều đổi mới, địa phương tôi ở cũng có sự chuyển mình vượt bậc.
Mảnh đất miền hạ hoang hóa, nhiễm mặn, kinh tế kém phát triển năm nào giờ đây đã phủ lên màu xanh no ấm. Trong khi vùng thượng của huyện, nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, vùng hạ lại tập trung phát triển công nghiệp, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, khi Cảng Quốc tế Long An đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có hơn 13.300 doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng vốn đăng ký hơn 398.900 tỉ đồng. Tỉnh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu, cụm công nghiệp mạnh trong cả nước,... thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần phát triển KT-XH. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, tỉnh không còn xã nghèo.
Theo Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết, từ sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, phát huy hào khí ngày 30/4 lịch sử và truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được những thành tựu vẻ vang trong việc xây dựng chính quyền; đồng thời, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định cuộc sống; vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Từ sau năm 1986, Tỉnh ủy Long An đã lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, cải tiến cơ cấu kinh tế, phát triển giao thông, xây dựng nông thôn, đô thị, đời sống văn hóa mới cho các thành phần dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, đưa Long An phát triển mạnh mẽ, vươn lên dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tỉnh quan tâm đào tạo nhân lực ngành Y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân
Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi toàn Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và quân, dân tỉnh nhà, những người con của Long An đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập ở trong và ngoài nước: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức rèn luyện bản lĩnh cách mạng, nêu cao tính tự lực, tự cường, sáng tạo, linh hoạt, đem tất cả công sức, tâm huyết, tài năng và trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Song song đó, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2025, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, vì mục tiêu đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân tỉnh nhà.
Đồng thời, với sự đồng thuận cao, tinh thần khẩn trương, cấp bách, “quyết không để lỡ thời cơ thêm một lần nào nữa”, toàn tỉnh cùng quyết tâm triển khai, thực hiện thắng lợi “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt là việc hợp nhất tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh thành một tỉnh mới, mở ra không gian, dư địa to lớn hơn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Long An và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta vui với niềm vui chung của muôn triệu người dân nước Việt, tự hào với nhiều thành tựu đã đạt. Tinh thần bất diệt của chiến thắng lịch sử ngày 30/4 cũng chính là động lực, khơi dậy khát vọng để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Long An nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển - hội nhập, đồng hành cùng đất nước vững tin bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”./.