Dốc toàn lực cho chiến dịch toàn thắng

Năm 1975, với sức tiến công 'thần tốc' của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước đã sạch bóng quân thù xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Trong mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc, Thanh Hóa tự hào là địa phương đóng góp to lớn sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng.

Cầu Hàm Rồng - một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam được quân và dân ta bảo vệ an toàn.

Cầu Hàm Rồng - một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam được quân và dân ta bảo vệ an toàn.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Tại hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Thực hiện chủ trương của Đảng và lời kêu gọi của Bác Hồ, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giao thông vận tải từ thời bình sang thời chiến, đồng thời ban hành nghị quyết về tuyển quân, xây dựng lực lượng chi viện cho chiến trường và xem đó “là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là nghĩa vụ dân tộc thiêng liêng, là trách nhiệm chính trị, là tình cảm hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".

Với khí thế sục sôi cùng cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các cấp, các ngành. Tiêu biểu như thanh niên với phong trào “3 sẵn sàng”, phụ nữ với phong trào “3 đảm đang”, phụ lão với phong trào “3 giỏi”... Ngành nông nghiệp có phong trào “5 tấn thắng Mỹ”, ngành giáo dục với phong trào “2 tốt”, ngành văn hóa - thông tin với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”... Các phong trào thi đua yêu nước nhanh chóng lan tỏa khắp các vùng miền, tạo nên khí thế sôi nổi trong từng xưởng máy, công trường, đồng ruộng, trường học...

Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nên Thanh Hóa đã tập trung phát triển toàn diện để vừa đáp ứng yêu cầu thiết yếu của Nhân dân vừa chi viện cho chiến trường. Ở những vùng địch đánh phá ác liệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, HTX tổ chức lực lượng đào đắp hầm hào, tổ chức các trạm báo động phòng không, bố trí các đơn vị dân quân trực chiến đánh địch để bảo vệ sản xuất. Đầu tháng 4/1965, trong không khí hừng hực chuẩn bị cho “trận thử lửa đầu tiên” với không lực Hoa Kỳ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi nông dân toàn tỉnh thi đua chống Mỹ cứu nước. Thực hiện phong trào “3 đảm đang”, phụ nữ Đông Phương Hồng mở đầu cho phong trào “Cấy giăng dây, cây lúa thẳng hàng”; phụ nữ huyện Vĩnh Lộc mở hội thi “cày tài, cấy giỏi”; phụ nữ các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Nông Cống mở rộng phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn trên một ha gieo trồng”... Các huyện tăng cường biện pháp kỹ thuật, thủy lợi, phân bón, gieo cấy giống lúa mới để nâng cao năng suất cây trồng. Mặc cho bom đạn của giặc Mỹ tàn phá, người dân vẫn chắc tay cày để tạo nên những cánh đồng “5 tấn thắng Mỹ”.

Với quyết tâm vừa đánh Mỹ, thắng Mỹ, vừa hợp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ở các vùng nông thôn trong tỉnh dấy lên phong trào “Giỏi tay cày, hay tay súng”; ở vùng biển thực hiện phong trào “Thanh niên bám biển, giữ làng, bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến địch”; trong các công, nông, lâm trường, xí nghiệp tổ chức các phong trào “2 mũi giáp công thắng Mỹ”... Vì vậy, năm 1964, toàn tỉnh mới chỉ có 3 HTX là Thắng Lợi, Đông Phương Hồng và Yên Trường, đến năm 1972 đã có 412 HTX, trong đó có 80 HTX đạt 5 tấn/ha.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, công cuộc trồng luồng cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế miền núi. Từ năm 1970 - 1973, các huyện miền núi đã bán cho Nhà nước 9.236 triệu cây luồng, đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình ở miền Tây xứ Thanh và phục vụ tích cực cho việc làm cầu phao luồng chống Mỹ cứu nước.

Trên mặt trận giao thông vận tải nóng bỏng và ác liệt, các cô gái xứ Thanh đã đảm nhận các nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Hàng nghìn chị em đã xung phong gia nhập các đơn vị vận tải thuyền nan. Toàn tỉnh có 22 đại đội thuyền nan thì có 13 đại đội là nữ. Trong 10 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (1965 - 1975), công ty vận tải thuyền nan, đoàn vận tải Lam Sơn, các đoàn vận tải cơ giới đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Không chỉ huy động một lượng lớn của cải, vật chất, hậu phương Thanh Hóa đã động viên nguồn nhân lực lớn phục vụ cuộc kháng chiến. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào tình nguyện tòng quân, nhập ngũ đã diễn ra sôi nổi. Tháng 4/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự thời chiến. Năm đầu tiên thực hiện sắc lệnh này, Thanh Hóa tiến hành 5 đợt tuyển quân và đã tuyển được 21.519 người, hoàn thành 101% chỉ tiêu được giao.

Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, từ năm 1965 - 1968, Thanh Hóa đã tuyển quân 16 đợt, với 84.390 thanh niên nhập ngũ, bằng 4,43% dân số. Tính đến tháng 12/1968, toàn tỉnh có 43% gia đình có người đi bộ đội, trong đó có 18.889 gia đình có từ 2 đến 3 con đang tại ngũ, 400 gia đình có từ 4 đến 7 người đi bộ đội. Đặc biệt, thực hiện phong trào “3 sẵn sàng”, toàn tỉnh có 17 vạn lá đơn tình nguyện xung phong tòng quân giết giặc, trong đó có nhiều lá đơn được viết bằng máu; trên 7.000 quân nhân phục viên đã đăng ký sẵn sàng tái ngũ trở lại quân đội, ra chiến trường đánh Mỹ. Trong phong trào “3 đảm đang” đã có 32 vạn lá đơn đăng ký phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến, nuôi dưỡng bộ đội, chăm sóc thương binh...

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh xâm lược, tức thừa nhận thất bại của “chiến tranh cục bộ” và chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Do đó, nhu cầu tuyển quân phục vụ các chiến trường ngày càng lớn. Để không làng bản nào không có người đi bộ đội, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ra thông tri “xuất của nhà đi trước” với tinh thần “đảng viên ai trúng tuyển là đi, con đảng viên không phải để quần chúng bình cử”. Vì vậy, trong 4 năm 1969 - 1972, 11 đơn vị tuyển quân của Thanh Hóa đều hoàn thành từ 102% đến 116,8% kế hoạch.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ đã “cút” nhưng Ngụy chưa “nhào”. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, quân và dân Thanh Hóa đã làm hết sức mình, chi viện tối đa sức người, sức của cho chiến trường. Năm 1973, Thanh Hóa tuyển quân 2 đợt được 14.599 người, đạt 106% kế hoạch. Đặc biệt, sau chiến thắng vang dội của các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Trung ương Đảng nhận định “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” trước mùa mưa và đi đến quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên chiến trường miền Nam đã đưa phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sôi động khắp các huyện, thị. Ngày tuyển quân trở thành ngày hội của mọi người, mọi nhà, có gia đình động viên đến người con thứ 8 ra mặt trận. Riêng tháng 2/1975, Thanh Hóa giao quân đợt 1 đạt 17.959 tân binh, vượt 20% chỉ tiêu của cả năm. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam” được giăng khắp mọi nẻo đường. Với tinh thần “thần tốc”, “thần tốc hơn nữa”, gần 20 tiểu đoàn của Trung đoàn 14 vừa đi, vừa huấn luyện bổ sung kịp thời cho các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc một chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ Việt Nam và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Máu xương, mồ hôi và nước mắt của nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân Thanh Hóa đã đổ xuống nơi tuyến lửa nóng bỏng để xây đắp nên tượng đài chiến thắng. Vùng đất xứ Thanh anh hùng vinh dự, tự hào đã góp phần tô thắm trang sử vàng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Tố Phương

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) - những dấu ấn và thành tựu nổi bật”).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doc-toan-luc-cho-chien-dich-toan-thang-247213.htm
Zalo