Nepal thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và an toàn khi leo núi Everest

Chính phủ Nepal trong những năm gần đây đã liên tục thúc đẩy nỗ lực phát triển du lịch hiệu quả thông qua thu phí leo núi, đưa máy bay không người lái hỗ trợ người leo núi và hiện tại là dự thảo quy định an toàn cho du khách.

Một người leo núi đang bám vào sợi dây thừng tại Trại Everest Base Camp ở Nepal. Ảnh: Reuters

Một người leo núi đang bám vào sợi dây thừng tại Trại Everest Base Camp ở Nepal. Ảnh: Reuters

Theo Dự thảo luật mới nhằm mục đích giảm tình trạng quá tải và cải thiện an toàn, Nepal sẽ chỉ cấp giấy phép chinh phục Đỉnh Everest cho những người đã có kinh nghiệm leo ít nhất một trong những đỉnh núi cao 7.000 mét của quốc gia Himalaya này.

Nepal, quốc gia tập trung khai thác hoạt động leo núi, đi bộ đường dài để phát triển du lịch, hiện đang phải đối mặt với một số chỉ trích vì cho phép quá nhiều người leo núi lên đỉnh Everest.

Thậm chí, cả những người chưa có kinh nghiệm leo núi vẫn cố gắng leo lên đỉnh núi cao 8.849m.

Điều này thường dẫn đến tình trạng xếp hàng dài những người leo núi ở 'Khu vực tử thần', một khu vực bên dưới đỉnh núi không đủ oxy tự nhiên để sinh tồn.

Tình trạng quá tải được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người tử vong cao trên núi.

Ít nhất 12 người leo núi đã tử vong và 5 người khác mất tích trên các sườn núi Everest vào năm 2023. Tám người leo núi đã tử vong vào năm ngoái.

Theo luật đề xuất mới, giấy phép leo núi Everest sẽ chỉ được cấp sau khi người leo núi cung cấp chứng nhận đã leo ít nhất một ngọn núi cao 7.000 mét ở Nepal.

Đồng thời, hướng dẫn viên đi cùng người leo núi bắt buộc phải là công dân Nepal.

Đảm bảo an toàn

Một số ý kiến cho rằng quy định này đang tạo ra một số khó khăn nhất định.

Lukas Furtenbach, hiện đang dẫn đầu một đoàn thám hiểm trên đỉnh Everest bày tỏ lo ngại về quy định này vì không có đủ hướng dẫn viên leo núi người Nepal đáp ứng tiêu chuẩn.

“Điều quan trọng là hướng dẫn viên leo núi phải có chứng nhận của IFMGA (Liên đoàn quốc tế các hiệp hội hướng dẫn viên leo núi), bất kể họ là người quốc tịch nào. Chúng tôi cũng hoan nghênh hướng dẫn viên có IFMGA người Nepal làm việc tại dãy Alps ở châu Âu,” ông Furtenbach cho biết.

Trong khi đó, ông Garrett Madison của Madison Mountaineering có trụ sở tại Mỹ gợi ý người leo núi có thể chọn đỉnh núi cao 6.500m ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trước khi chinh phục Everest sẽ là một ý tưởng hay và linh hoạt hơn, thay vì bắt buộc phải đến Nepal.

Có hơn 400 đỉnh núi ở Nepal mở cửa cho các chuyến thám hiểm, trong số đó, 74 đỉnh cao hơn 7.000m, theo dữ liệu của sở du lịch nước này. Tuy nhiên, những du khách đi bộ đường dài không hứng thú với những đỉnh núi này.

“Chỉ số ít trong số những ngọn núi cao 7.000m thu hút được những người leo núi,” Tashi Lhakpa Sherpa từ 14 Peaks Expedition, một công ty tổ chức thám hiểm lớn ở Nepal cho biết.

Ông Tashi đã leo Đỉnh Everest 8 lần.

Nằm trong khối núi Mahalangur Himal thuộc dãy núi Himalaya, biên giới giữa Tây Tạng và Nepal, đỉnh Everest có chiều cao 8.849m trên mực nước biển. Đây là đỉnh núi cao nhất trên thế giới.

Nepal thúc đẩy du lịch bền vững

Mới đây, Nepal đã đưa máy bay không người lái lên đỉnh Everest nhằm hỗ trợ công việc hậu cần quan trọng cho những người làm việc ở đây và giúp khách du lịch có cơ hội tốt để tiếp cận đỉnh núi cao nhất thế giới.

Việc sử dụng máy bay không người lái đưa vật tư lên đỉnh và mang rác xuống, bảo đảm an toàn cho các đoàn leo núi được nhận định có thể làm thay đổi trải nghiệm leo đỉnh Everest.

Trong đợt thử nghiệm đầu tiên, chỉ với một chiếc máy bay không người lái hoạt động chính, nhóm đã vận chuyển được 500 kg rác từ Camp One xuống Base Camp qua hơn 40 chuyến bay.

Mỗi chuyến chỉ mang khoảng 20 kg để đảm bảo an toàn. Đây là lần đầu tiên công nghệ bay không người lái tham gia một cách chủ động vào việc "giải cứu" Everest khỏi khủng hoảng rác thải leo núi.

Sự ra đời máy bay không người lái trên đỉnh Everest không chỉ đơn thuần là cải tiến kỹ thuật mà còn là xu hướng tất yếu để con người có thể chinh phục đỉnh núi an toàn và bền vững hơn.

Nepal là nơi có 8 trong số 14 đỉnh núi của thế giới cao hơn 8.000 mét và đón hàng nghìn người leo núi mỗi năm.

Người leo núi nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD trong nỗ lực leo lên đỉnh Everest. Năm 2024, hơn 400 người đã mua giấy phép leo núi, đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 4 triệu USD.

Khoản thu này được dùng để để dọn dẹp chất thải, rác mà người leo núi để lại trên núi cũng như cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Chính phủ Nepal trong những năm gần đây đã liên tục thúc đẩy nỗ lực phát triển du lịch hiệu quả thông qua thu phí leo núi, đưa máy bay không người lái hỗ trợ người leo núi và hiện tại là dự thảo quy định an toàn cho du khách.

Với những cách tiếp cận, Nepal được cho là đi đúng hướng trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững vào thời gian tới.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/nepal-thuc-day-phat-trien-du-lich-ben-vung-va-an-toan-khi-leo-nui-everest-130084.html
Zalo