Văn hóa không đứng ngoài chiến lược phát triển quốc gia
Trong một cuộc hội thảo về Sức mạnh mềm văn hóa diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) cho rằng: Sức mạnh mềm được xem là yếu tố cốt lõi trong quan hệ quốc tế hiện đại, góp phần định hình hình ảnh và vị thế của một quốc gia trên toàn cầu.

MV Bắc Bling gây sốt góp phần tạo sức hút cho du lịch Bắc Ninh. (Ảnh minh họa)
Khi sức mạnh mềm không phải là sự đối đầu mà là cách thức tạo ra giá trị từ văn hóa
Quan điểm này được ông Frédéric Martel, nhà văn và giảng viên tại Đại học ZHdK (Pháp) chia sẻ. Ông Frédéric Martel đã đề cập đến cách xây dựng và phát huy sức mạnh mềm thông qua văn hóa – một trong những công cụ chiến lược quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện đại. Đặc biệt thú vị khi Frédéric Martel cho rằng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào để phát triển sức mạnh mềm, từ các tác phẩm văn học mang tính biểu tượng như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh) đến những hiện tượng đại chúng như ca khúc “Bắc Bling” (Hòa Minzy). Ông đánh giá cao sự phát triển của hệ thống rạp chiếu phim, nghệ thuật thị giác cho thấy ảnh hưởng ngày càng rõ nét của văn hóa đại chúng Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn tài nguyên văn hóa không phải ngay từ đầu đã là sức mạnh mềm của một quốc gia, mà chúng chỉ có thể phát huy thành sức mạnh mềm văn hóa khi nằm trong chiến lược phát triển của một chiến lược và sử dụng nó như một nguồn lực
(PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương)
Ông Martel dẫn chứng chính sách thuế điện ảnh tại Pháp – áp thêm 13% trên mỗi vé xem phim, sau đó tái đầu tư toàn bộ vào sản xuất nội địa. Nhờ chính sách này, Pháp không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu châu Âu về số lượng phim sản xuất mà còn tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ Mỹ nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của văn hóa Pháp. “Sức mạnh mềm không phải là sự đối đầu, mà là cách thức tạo ra giá trị từ văn hóa – một sản phẩm đặc thù cần được nhà nước bảo vệ khỏi những quy luật thị trường.” - Frédéric Martel chia sẻ.
Theo ông, thành công của các nền văn hóa như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản không chỉ nhờ vào sản phẩm chất lượng, mà còn dựa trên cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, thị trường và các tổ chức phi lợi nhuận. Do đó, ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng một chính sách văn hóa tổng thể, trong đó Nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội cùng tham gia tạo lập nền tảng hỗn hợp để phát triển văn hóa một cách bền vững.
Phát huy tài nguyên sức mạnh mềm văn hóa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, sức mạnh mềm văn hóa tại Việt Nam nên được nhìn nhận từ góc độ của một quốc gia đồng thời xem xét trong các mối quan hệ quốc tế phong phú và đa dạng của Việt Nam. Đặc biệt, bà nhấn mạnh các nguồn tài nguyên văn hóa không phải ngay từ đầu đã là sức mạnh mềm của một quốc gia, mà chúng chỉ có thể phát huy thành sức mạnh mềm văn hóa khi nằm trong chiến lược phát triển của một chiến lược và sử dụng nó như một nguồn lực.
Chúng ta đều có vai trò trong việc định hình bản sắc văn hóa quốc gia trên môi trường số. Trong đó, vai trò điều tiết – hài hòa giữa tự do sáng tạo và định hướng quản lý – là yếu tố then chốt trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách hành chính hiện nay.”
(Ông Frédéric Martel)
Nhận định về tiềm năng chuyển hóa các nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của nước ta, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đã chỉ ra những lợi thế lớn của Việt Nam như đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, hay là một quốc gia giàu bản sắc văn hóa có thể được truyền tải qua các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa… Bên cạnh đó, từ sau thời kỳ Đổi mới 1986, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng và đề cao văn hóa trong quá trình phát triển bền vững, thể hiện qua các chủ trương, chính sách hay hệ thống luật pháp. Dù vậy, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình về sức mạnh mềm văn hóa trên bản đồ thế giới.
Lý giải vì sao Việt Nam chưa lọt top các quốc gia có sức mạnh mềm hàng đầu dù sở hữu nguồn lực văn hóa phong phú, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng nguyên nhân chính là do cơ chế đầu tư cho các kênh truyền dẫn như truyền thông, ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ và chưa phát huy hết tiềm năng. Chẳng hạn, dù Việt Nam có quan hệ sâu rộng với rất nhiều quốc gia, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ có hai trung tâm văn hóa ở nước ngoài, chưa kể các trung tâm còn phải đối mặt với bài toán làm thế nào để duy trì hoạt động và phát triển.
Qua đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ lo ngại nếu phát triển ngành công nghiệp văn hóa chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển chung của đất nước. Bà cho rằng việc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam cần được thực hiện một cách linh hoạt, tương tự lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – kim chỉ nam cho mọi đường lối, chủ trương của Việt Nam từ xưa đến nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất giải pháp để Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng sức mạnh mềm văn hóa của mình trong thời gian tới cần tăng cường trao đổi chuyên gia hay gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO... Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng hy vọng chiến lược phát triển văn hóa hay các sửa đổi về pháp lý sẽ sớm được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể phát huy tối đa sức mạnh mềm văn hóa của mình trong môi trường quốc tế.