Thiệt hại vật chất từ tai nạn lao động lên tới 42.565 tỉ đồng

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, thiệt hại vật chất do tai nạn lao động trong năm 2024 đã lên tới 42.565 tỉ đồng, tăng 61,5% so với năm 2023

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều biến động toàn cầu, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tinh gọn bộ máy. Điều này kéo theo nhiều thách thức đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025, diễn ra từ ngày 1-5 đến 31-5, là dịp để cả nước nâng cao nhận thức và siết chặt tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Chủ đề năm nay là: "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc."

Tai nạn lao động có xu hướng gia tăng

Năm 2024 ghi nhận 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 12,1% so với năm trước. Số người bị thương nặng là 1.690 người, giảm nhẹ 1,74%. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn vượt 154.759 ngày, tăng 4.989 ngày so với năm 2023. Thiệt hại tài sản ước tính hơn 492 tỉ đồng.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2024 (như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...) là trên 42.565 tỉ đồng (tăng khoảng 26.208 tỉ đồng so với năm 2023).

Đáng chú ý, theo bà Chu Thị Hạnh – Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), 50% nguyên nhân tai nạn lao động đến từ phía người sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng máy móc cũ kỹ, công tác huấn luyện an toàn giảm sút, thậm chí mang tính chất hình thức, đối phó. Việc thiếu kiểm soát rủi ro và không chủ động đánh giá môi trường lao động đang tạo ra nguy cơ lớn.

"Chủ sử dụng lao động phải là người đi đầu trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không thể phó mặc trách nhiệm này cho người lao động," bà Hạnh nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng máy móc cũ kỹ, công tác huấn luyện an toàn giảm sút, thậm chí mang tính chất hình thức, đối phó

Nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng máy móc cũ kỹ, công tác huấn luyện an toàn giảm sút, thậm chí mang tính chất hình thức, đối phó

ATVSLĐ cần là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh

Sự gia tăng thiệt hại vật chất và số vụ tai nạn lao động trong năm 2024 là lời cảnh báo rõ ràng về việc cần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, tăng cường huấn luyện, đánh giá rủi ro và cải thiện điều kiện làm việc.

Việc thực hiện nghiêm túc Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi và thúc đẩy sự phát triển bền vững, an toàn cho người lao động tại mọi ngành nghề.

Mục tiêu trọng tâm trong Tháng hành động ATVSLĐ 2025

Tại Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh: Toàn xã hội – đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động – cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động đánh giá, nhận diện các nguy cơ tại nơi làm việc, đầu tư vào thiết bị và công nghệ an toàn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về ATVSLĐ.

Người lao động cũng được kêu gọi chủ động tuân thủ quy trình làm việc, tích cực tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ nhằm bảo vệ chính mình và đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương được yêu cầu: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; Chú trọng kiểm soát môi trường làm việc tại các ngành nghề có nguy cơ cao, như: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, luyện kim...; Đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt trong các điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra là giảm tỉ lệ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm 2025, đặc biệt là trong tháng 5 – thấp hơn bình quân các năm trước.

Thực hiện "5 rõ" để giảm thiểu tai nạn lao động nghiêm trọng

Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Tháng hành động, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm theo nguyên tắc "5 rõ": Rõ người - Rõ việc - Rõ trách nhiệm - Rõ thời gian - Rõ kết quả.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định ATVSLĐ. Kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

GIANG NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thiet-hai-vat-chat-tu-tai-nan-lao-dong-len-toi-42565-ti-dong-196250502083519553.htm
Zalo