Áp lực tỷ giá xuất hiện trong ngắn hạn

Cú sốc thuế quan và dòng thanh khoản dư thừa đang đẩy tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô ổn định giúp Việt Nam có đủ công cụ điều tiết, hạn chế rủi ro hệ thống.

Tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ngày 28-4-2025 đã lên 24.960 đồng/đô la, tăng trên 2,5% so với đầu năm 2025. Ảnh: T.L

Tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ngày 28-4-2025 đã lên 24.960 đồng/đô la, tăng trên 2,5% so với đầu năm 2025. Ảnh: T.L

Áp lực tỷ giá đang tăng

Từ đầu năm 2025, tỷ giá đô la Mỹ/ tiền đồng liên tục nhích lên dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chủ động bán ngoại tệ can thiệp. Tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ngày 28-4-2025 đã lên 24.960 đồng/đô la, tăng trên 2,5% so với đầu năm 2025. Việc này kéo theo giá đô la Mỹ bán ra ở các ngân hàng thương mại lên trên mức 26.000 đồng/đô la. Đáng chú ý, áp lực tỷ giá đang có xu hướng tăng mạnh trong tháng 4, với mức tăng cho riêng tháng 4 đã trên 1%. Tuy nhiên, cần chú ý áp lực tỷ giá hiện tại chủ yếu đến từ hai yếu tố ngắn hạn: thương mại gián đoạn trong tháng 4 sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan và áp lực nội tại từ vấn đề thanh khoản dư thừa trên hệ thống liên ngân hàng.

Áp lực thuế đối ứng “thổi bay” hơn một nửa thành quả xuất siêu quí 1-2025

Cú sốc thuế quan làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tạm hoãn hoặc cắt giảm đơn hàng, nhất là dệt may, da giày và điện tử, khiến luồng ngoại tệ cung ứng cho thị trường sụt giảm đột ngột. Nếu như tổng kết hoạt động xuất nhập khẩu quí 1, cán cân thương mại hàng hóa đã xuất siêu 3,16 tỉ đô la Mỹ thì chỉ riêng nửa đầu tháng 4 (từ ngày 1-4 đến 15-4), cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái nhập siêu 1,94 tỉ đô la Mỹ (với tổng trị giá nhập khẩu 18,69 tỉ đô la và tổng trị giá xuất khẩu 16,75 tỉ đô la).

Như vậy, chỉ riêng việc gián đoạn đơn hàng xuất khẩu trong nửa đầu tháng 4 đã kéo theo nhập siêu tăng mạnh và “thổi bay” hơn một nửa thành quả xuất siêu quí 1-2025. Hoạt động đàm phán thuế quan kéo dài cũng đồng nghĩa với việc thương mại sẽ tiếp tục xu hướng gián đoạn ít nhất là trong quí 2. Đây có thể xem là áp lực chính khiến tỷ giá biến động trong tháng 4 nói riêng và quí 2 nói chung. Nếu tiến trình đàm phán thuận lợi và đơn hàng xuất khẩu quay lại từ cuối tháng 6, cán cân thương mại có thể trở lại thặng dư trong quí 3 giúp giảm áp lực nguồn ngoại tệ.

Thanh khoản dư thừa và vấn đề SWAP âm

NHNN vẫn đang duy trì trạng thái bơm thanh khoản ra thị trường thông qua thị trường mở (OMO). Thanh khoản dồi dào đang khiến lãi suất qua đêm (lãi suất ON-Over Night) của Việt Nam ở quanh mức 2,5%, thấp hơn so với lãi suất qua đêm của Mỹ (ở mức trên 4%). Chênh lệch âm khiến mức phí SWAP đô la Mỹ/tiền đồng ngắn hạn chuyển sang âm. Nhà đầu tư tài chính trong nước có động lực mua đô la Mỹ giao ngay, bán kỳ hạn để hưởng chênh lệch, càng đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng và làm tăng áp lực lên tỷ giá.

Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn là đáng chú ý nhưng chưa tạo rủi ro hệ thống. Áp lực tỷ giá hiện nay chủ yếu đến từ hai yếu tố mang tính ngắn hạn là cú sốc niềm tin (thuế quan của Mỹ) cộng hưởng với cú sốc thanh khoản nội tệ (bơm thanh khoản từ NHNN).

Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản dư thừa có thể sẽ được xử lý sớm khi NHNN đang giảm dần hoạt động bơm hút OMO nhằm giữ thanh khoản tiền đồng vừa phải. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 4, khối lượng OMO lưu hành đã giảm mạnh từ mức 113.000 tỉ đồng từ ngày 24-4 xuống mức 75.000 tỉ đồng ngày 28-4. Các đợt bơm mới cũng chỉ duy trì khối lượng giao dịch khá nhỏ, do đó có thể kỳ vọng lãi suất qua đêm sẽ sớm bật trở lại, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ - tiền đồng và giảm động lực đầu cơ SWAP.

Các biến số cần theo dõi

Nhìn chung, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn là đáng chú ý nhưng chưa tạo rủi ro hệ thống. Áp lực tỷ giá hiện nay chủ yếu đến từ hai yếu tố mang tính ngắn hạn là cú sốc niềm tin (thuế quan của Mỹ) cộng hưởng với cú sốc thanh khoản nội tệ (bơm thanh khoản từ NHNN). Trong khi nguồn cung ngoại tệ đang trong vị thế sụt giảm đột ngột do gián đoạn thương mại thì nhu cầu ngoại tệ lại đang trong xu hướng tăng do áp lực chênh lệch lãi suất và dòng tiền chuyển dịch ra.

Tuy nhiên, nền tảng vĩ mô ổn định với dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI bền vững và lạm phát được kiểm soát tốt đang là vùng đệm cho tiền đồng. Trong bối cảnh biến động ngắn hạn, việc chủ động phòng hộ tỷ giá và theo dõi sát diễn biến chính sách sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro và tận dụng tốt cơ hội thị trường.

DXY giảm không “xoa dịu” được tỷ giá trong nước

Một vấn đề khác được quan tâm là liệu chỉ số sức mạnh của đô la Mỹ - DXY - đang giảm có giúp giảm áp lực tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng hay không.

Câu trả lời là không, do DXY giảm không tạo ra sức ép song phương với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, mà vấn đề nằm ở nội tại nền kinh tế khi yếu tố thanh khoản, cán cân thương mại và rủi ro chính sách (thuế quan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed - giữ lãi suất cao) vẫn “đè” lên tiền đồng. Việc DXY giảm xuống 99-100 điểm không tạo hiệu ứng xoa dịu đáng kể đối với tỷ giá trong nước.

Bản thân thành phần rổ DXY cũng không phản ánh vấn đề tỷ giá của khu vực châu Á - đặc biệt là tiền đồng. DXY được đo lường chủ yếu theo EUR (57,6%), JPY (13,6%), GBP (11,9%) và bốn đồng tiền G7 khác; rổ này không bao gồm những đồng tiền tác động trực tiếp tới thương mại Việt Nam như CNY, KRW.

Trịnh Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-luc-ty-gia-xuat-hien-trong-ngan-han/
Zalo