Văn hóa đọc thời công nghệ số

'Đọc một cuốn sách hay cũng như trò chuyện với một người bạn thông minh'. Thời công nghệ số, việc đọc càng trở nên cần thiết. Bởi qua đó, mỗi người tự bồi bổ, bù đắp kiến thức, sự hiểu biết, kinh nghiệm, nâng cao khả năng tư duy và giúp mỗi người hoàn thiện mình hơn trong lối sống. Các Mác từng nói: 'Sách là nô lệ của tôi nhưng nó cũng là người thầy của tôi'.

Thư viện, trường học phối hợp mang sách về gần hơn với bạn đọc.

Thư viện, trường học phối hợp mang sách về gần hơn với bạn đọc.

Chỉ cần sở hữu chiếc điện thoại, máy vi tính có kết nối mạng internet, sau mấy cú nhấp chuột bạn có ngay thông tin mình cần. Hiệu quả rõ ràng, chính xác, việc cập nhật thông tin qua mạng internet đã thực sự trở thành một nhu cầu, đồng thời xu hướng vận động tất yếu của xã hội. Theo đó, bạn đọc thời nay cũng nhanh chóng thích ứng với công nghệ số và thay đổi cách tiếp cận thông tin và cả thói quen đọc sách.

Nếu như trước đây, vào thư viện, cần một cuốn sách, nhân viên phục vụ phải mất khá nhiều thời gian mới đáp ứng được. Còn như hiện nay, trong tích tắc, bạn đọc đã có cuốn sách như ý. Đương nhiên là sách điện tử. Sách in giấy và sách điện tử đều có nội dung như nhau. Nhưng vì hầu hết bạn đọc ngày nay cơ bản đã có máy vi tính, máy điện thoại có kết nối internet, mạng wifi miễn phí lại được lắp đặt khá phổ biến tại công sở, nơi công cộng, các cơ sở dịch vụ và hầu như nhà nào cũng có wifi, nên bạn đọc cũng ít đến thư viện hơn.

Ví như, Thư viện tỉnh Thái Nguyên đang quản lý, phục vụ với hơn 150.000 bản sách, trong đó sách chính trị, pháp luật là 15.000 bản; sách khoa học tự nhiên 13.000 bản; sách kỹ thuật 7.000 bản; sách văn học 45.582 bản; sách thiếu nhi 23.118 bản; sách văn hóa 5.000 bản; sách lịch sử 8.000 bản; sách ngoại văn 3.000 bản; sách địa lý, du lịch 2.000 bản; sách địa chí 3.486 bản; sách luân chuyển 37.125 bản; 320 sách nổi cho người khiếm thị; 1.274 sách nói (dạng đĩa CD); 20 máy tính kết nối Internet phục vụ miễn phí; trên 70 loại báo, tạo chí.

Nhưng lượng bạn đọc đến với Thư viện ở mức khiêm tốn. Cụ thể năm 2024, Thư viện phát hành 660 thẻ bạn đọc; hơn 34.000 lượt bạn đọc đến phòng thư viện mượn và đọc sách; hơn 1.500 lượt bạn đọc đến phòng Internet tra cứu thông tin; website của Thư viện thu hút gần 244.400 lượt truy cập.

Với hệ thống thư viện huyện, lượng bạn đọc lại càng khiêm tốn hơn. Ví như Thư viện TP. Sông Công, trong cả năm 2024, Thư viện phát hành được 784 thẻ bạn đọc; 1.500 lượt bạn đọc đến Thư viện mượn sách và 100 lượt bạn đọc được phục vụ tại phòng đọc. Với Thư viện huyện Đồng Hỷ; Võ Nhai; Định Hóa…, sách và các tài liệu cơ bản được cất giữ, bảo quản vì chưa có phòng đọc ổn định, hoặc vì số người đến mượn đọc không đáng kể. Với tủ sách thư viện cấp xã, phần lớn để trang trí vì không có bạn đọc.

Sách vừa là bạn, vừa là thầy đối với mọi lứa tuổi.

Sách vừa là bạn, vừa là thầy đối với mọi lứa tuổi.

Kỷ nguyên số đã làm thay đổi quan niệm về cách đọc, cách tiếp nhận thông tin và hành vi ứng xử với sách. Ít năm trước, trong nhà xây dựng được tủ sách thì đó là một sự sang trọng, thể hiện gia đình có truyền thống hiếu học. Nay rất ít gia đình có tủ sách, bởi trên không gian mạng, lưu trữ một thư viện sách đồ sộ, “cần là có, gõ là thấy”.

Thời đại của công nghệ, thư viện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tri thức, hỗ trợ học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, tiện ích của các ứng dụng công nghệ và sự thay đổi trong thói quen tiếp nhận thông tin đã đặt ra nhiều thách thức cho thư viện truyền thống. Đó là sự chuyển dịch lớn từ sách in sang sách điện tử, số lượng bạn đọc lựa chọn nền tảng số như: Kindle, Google Books ngày càng nhiều do tính tiện lợi, khả năng lưu trữ lớn và chi phí hợp lý. Cùng đó là tác động của mạng xã hội tạo nên “trào lưu” đọc ngắn, đọc nhanh thông qua blog, báo mạng khiến sách dài và chuyên sâu ít được bạn đọc quan tâm.

Nhưng đọc nhanh, đọc ngắn cũng đều hướng đến nhu cầu tìm kiếm tri thức, giải trí, kỹ năng mềm hoặc tài liệu liên quan đến công việc. Đáp ứng nhu cầu bạn đọc thời công nghệ, thư viện các cấp của tỉnh đã có nhiều thay đổi phù hợp với xu hướng thời đại, trong đó có việc số hóa tài liệu, xây dựng kho tài nguyên điện tử, tích hợp với các ứng dụng đọc sách, qua đó đáp ứng cơ bản nhu cầu cho bạn đọc thời công nghệ 4.0.

Ngày càng có nhiều độc giả lựa chọn đọc sách qua mạng internet.

Ngày càng có nhiều độc giả lựa chọn đọc sách qua mạng internet.

Trong điều kiện kinh phí hoạt động hạn hẹp, song thư viện tỉnh và thư viện cấp huyện đều tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số. Nổi bật như Thư viện tỉnh trong thời gian 5 năm gần đây đã số hóa được khoảng 400 bản sách, tương đương 164.038 trang tài liệu. Thư viện tỉnh cũng đã xây dựng được 1 bộ sưu tập số hóa các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh, với tổng số 150 đơn vị tài liệu là các đạo sắc phong.

Một điểm mới là từ năm 2023 đến nay, Thư viện tỉnh thực hiện triển khai xây dựng hệ thống thư viện số theo mô hình phân cấp cha con; liên kết thư viện tỉnh với các thư viện cấp huyện. Theo đó, Thư viện tỉnh cung cấp đường dẫn truy cập, tài khoản và mật khẩu cho cán bộ quản lý thư viện huyện để thực hiện thao tác với hệ thống. Hầu hết cán bộ, viên chức làm việc tại Thư viện nắm bắt được kỹ năng sử dụng, ứng dụng phần mềm quản lý thư viện.

Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, nỗ lực chuyển đổi số của các thư viện đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong tương lai, sự kết hợp giữa sách truyền thống và sách điện tử, cùng những giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ giúp thư viện tiếp tục là điểm đến tri thức không thể thiếu. Và dù ở bất kỳ thời đại nào, sách vẫn luôn là một người bạn tri kỷ và là người thầy lỗi lạc.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/van-hoa-doc-thoi-cong-nghe-so-d8a10a8/
Zalo