Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong vì bệnh ung thư mỗi năm

Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 180.500 ca mắc mới, hơn 120.000 bệnh nhân tử vong vì bệnh ung thư. Dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%.

Ngày 25/4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phối hợp Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và các cơ sở phòng, chống ung thư tổ chức Hội nghị phòng, chống ung thư TP Đà Nẵng lần thứ VI - năm 2025 với sự tham dự của hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế.

Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan 2022), tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng.

Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 180.500 ca mắc mới, hơn 120.000 bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này. Với tổng dân số gần 100 triệu dân, ước tính cứ 100.000 người Việt Nam thì có 180 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 120 người tử vong do ung thư.

 Hội nghị với sự tham dự của hơn 700 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế.

Hội nghị với sự tham dự của hơn 700 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế.

Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%. Mặc dù tỷ suất mắc mới của Việt Nam không nằm trong nhóm cao nhất thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức đáng lo ngại, phản ánh thực trạng nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị.

Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, gánh nặng bệnh tật do ung thư không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần người bệnh mà còn đặt ra thách thức lớn cho hệ thống y tế và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác phòng chống ung thư, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai các chương trình sàng lọc, chẩn đoán sớm, đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng là đơn vị tuyến đầu của thành phố, được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh chuyên ngành ung bướu cho nhân dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại ung thư vẫn còn rất nhiều gian nan và đòi hỏi sự chung tay, góp sức của tất cả chúng ta.

“Sự kiện lần này là cơ hội để Bệnh viện Ung bướu, ngành Y tế TP Đà Nẵng tiếp cận, học tập và thúc đẩy phát triển khoa học, kỹ thuật nhằm phát triển năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hùng cho biết hiện nay, những con số thống kê đáng lo ngại về tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cùng với đó, điều trị ung thư cũng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là với phương pháp điều trị đa mô thức và điều này cần có sự phối hợp, thống nhất của rất nhiều chuyên ngành y học. Từ đầu năm 2025, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng các thiết bị y tế hiện đại gồm máy chụp nhũ ảnh 3D giúp phát hiện sớm ung thư vú với độ chính xác cao; hệ thống máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh chi tiết, nâng cao hiệu quả điều trị; hệ thống CT 32 dãy, cung cấp hình ảnh rõ nét, hỗ trợ phát hiện các tổn thương trong cơ thể, giải quyết tình trạng lượng bệnh quá tải. Ngoài ra, đơn vị còn triển khai thành công các ca phẫu thuật cắt khối u ác tính kết hợp tạo hình bằng vạt tại chỗ, tại vùng hoặc từ xa trong phẫu thuật điều trị ung thư vùng đầu cổ, ung thư vú, ung thư phụ khoa.

 Các đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm giảm nguy cơ ung thư.

Các đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm giảm nguy cơ ung thư.

Tại hội nghị lần này, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, cập nhật nhiều tiến bộ trong lĩnh vực ung bướu, từ khâu chẩn đoán, điều trị đến các biện pháp dự phòng. Trong đó, nổi bật là các nội dung như: ứng dụng công nghệ mới vào chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư; các phương pháp điều trị hiện đại như phẫu thuật ít xâm lấn, xạ trị định vị chính xác, hóa trị trúng đích và liệu pháp miễn dịch cá thể hóa. Các hướng tiếp cận này không chỉ cải thiện hiệu quả điều trị mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề cập đến vai trò ngày càng rõ nét của điều trị cá thể hóa – một xu hướng nổi bật trong y học hiện đại, giúp lựa chọn phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền, sinh học khối u và đáp ứng điều trị. Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc giảm nhẹ, kiểm soát đau, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư yếu tố giúp nâng cao chất lượng điều trị toàn diện.

Ngoài các giải pháp chuyên môn, hội nghị cũng là dịp để thảo luận về chiến lược hợp tác liên ngành, liên vùng trong phòng chống ung thư, xây dựng hệ thống giám sát bệnh tật chặt chẽ và đẩy mạnh truyền thông y tế. Việc kết nối các đơn vị ung bướu trên cả nước không chỉ góp phần nâng cao năng lực hệ thống mà còn tạo điều kiện để nhân rộng các mô hình điều trị hiệu quả, giảm sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các địa phương.

Hoài Hân - Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/viet-nam-co-hon-120-000-nguoi-tu-vong-vi-benh-ung-thu-moi-nam-176716.html
Zalo