Năng lượng hạt nhân là bước đi chiến lược trong kỷ nguyên mới
Chiều 25/4, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (thành phố Đà Lạt), Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề 'Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới'.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo.
Tham gia có gần 100 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực hạt nhân và các địa phương gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Hội thảo được tổ chức trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt khi Quốc hội đã tái khởi động chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận và Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì xây dựng, triển khai Đề án tuyên truyền về chủ trương và nhiệm vụ phát triển điện hạt nhân. Đây là những tín hiệu quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử như một đòn bẩy chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, năng lượng hạt nhân đang trở lại mạnh mẽ và được xem là nguồn năng lượng nền, ổn định, sạch và hiệu quả.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã khởi động hoặc mở rộng chương trình điện hạt nhân. Với Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ nhằm bổ sung nguồn cung năng lượng mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu về công nghiệp năng lượng nguyên tử.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết, thông qua hội thảo nhằm hình thành một mạng lưới chuyên gia - báo chí - cán bộ tuyên truyền về năng lượng hạt nhân; góp phần lan tỏa thông tin chính xác, kịp thời, khoa học và có sức thuyết phục; từ đó xây dựng nhận thức xã hội thống nhất, đồng thuận và tiến bộ. Đồng thời, sự kiện được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, cách nhìn, những lợi ích, mặt tích cực mà điện hạt nhân mang lại cho con người với ba chữ “an” gồm: An toàn - an ninh - an sinh xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, trên thực tế, Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt đã ứng dụng rộng rãi các công nghệ thuộc lĩnh vực hạt nhân trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Đặc biệt, điện hạt nhân là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của năng lượng nguyên tử. Công nghệ này hiện rất tiên tiến và an toàn, có vai trò quan trọng chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng như của thế giới.

Các đại biểu tham quan Lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những ý kiến, đề xuất nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: công nghệ, an toàn điện hạt nhân trong quá trình xây dựng và triển khai nhà máy điện hạt nhân; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong đời sống, y tế, nông nghiệp, công nghiệp; vai trò của truyền thông và nhận thức xã hội trong thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân; các giải pháp của địa phương, cơ quan báo chí và cộng đồng khoa học nhằm giải đáp thắc mắc, quan tâm, lo lắng của người dân về vấn đề sự cố hạt nhân, các tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.