Vắc xin cúm: Những lưu ý cần biết trước khi đi tiêm
Khoảng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin cúm, cơ thể hình thành kháng thể cao nhất để phòng bệnh song cần tiêm nhắc lại hằng năm.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra, tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy kịch. Các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt những người lớn tuổi, trẻ nhỏ và người tình trạng sức khỏe yếu, có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng. Có hai loại vi rút cúm chính: Loại A và B. Các loại vi rút cúm A và B thường lây lan ở người (vi rút cúm ở người) là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm theo mùa mỗi năm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_287_51473529/3381478b76c59f9bc6d4.jpg)
Tại sao nên tiêm vắc xin cúm hằng năm?
Vì vi rút cúm phát triển biến thể mới hằng năm, nên vắc xin năm ngoái không thể bảo vệ khỏi chủng vi rút mới của năm nay. Thuốc chủng ngừa cúm được phát hành mỗi năm để bắt kịp với các loại vi rút cúm thích ứng nhanh chóng.
Khi tiêm chủng đúng định kỳ, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi rút có trong vắc xin. Nhưng mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian - một lý do khác để tiêm phòng cúm hằng năm.
Thời điểm nào nên tiêm vắc xin cúm?
Cúm mùa thường diễn ra quanh năm, nhưng mùa cao điểm của cúm mùa thường rơi vào mùa xuân và mùa đông. Vì vậy khoảng thời gian thích hợp để tiêm vắc xin cúm từ 2 tuần - 1 tháng trước khi vào mùa cao điểm.
Tuy nhiên, việc tiêm phòng sớm quá có thể làm giảm khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm bệnh cúm vào cuối mùa cúm, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Vắc xin cúm có thể phòng ngừa được những chủng cúm nào?
Việt Nam đang phổ biến 4 loại vắc xin phòng cúm là Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip tetra (Pháp). Trong đó, 3 vắc xin ngoại phòng được 4 chủng cúm gồm hai chủng cúm A và hai chủng cúm B.
Tiêm vắc xin cúm bao lâu có hiệu lực và tiêm rồi có mắc bệnh nữa không?
Khoảng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin cúm, cơ thể có thể hình thành kháng thể cao nhất bảo vệ khỏi các chủng vi rút cúm có trong vắc xin.
Sau khi tiêm vẫn có thể mắc bệnh do một số nguyên nhân như thời gian tác động của vắc xin chưa đủ, mắc phải chủng cúm không được ngăn ngừa trong vắc xin; cơ thể không thể đáp ứng hệ miễn dịch cho vắc xin cúm; không tiêm nhắc lại hằng năm... Tuy nhiên, phần lớn những người mắc cúm sau khi đã chích ngừa đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh so với những người chưa tiêm.
Người nào nên tiêm phòng cúm?
Tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên tiêm phòng cúm. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích tiêm phòng càng sớm càng tốt gồm: người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; người có bệnh mạn tính như hen, tiểu đường, tim mạch, ung thư, suy thận; người suy giảm miễn dịch, người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuốc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
Mới khỏi cúm có cần tiêm vắc xin nữa không?
Vi rút cúm có nhiều chủng và các chủng vi rút cũng luôn luôn biến đổi. Vì vậy, nếu mới khỏi cúm vẫn nên tiêm phòng.
Các phản ứng phụ thường thấy sau khi tiêm
Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm phòng cúm bao gồm đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy nơi tiêm, nhức đầu (mức độ nhẹ), sốt, buồn nôn, đau cơ và mệt mỏi.
Vắc xin cúm có ảnh hưởng đến mẹ bầu hay không?
Bị cúm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng với phụ nữ đang mang thai. Ngay cả khi sức khỏe đang duy trì tốt, những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong thời kỳ mang thai khiến dễ bị các biến chứng nặng từ cúm mùa. Phụ nữ mang thai (và 2 tuần sau sinh) bị cúm có nguy cơ cao phát triển bệnh nghiêm trọng, kể cả phải nhập viện.
Khi tiêm phòng cúm, cơ thể bắt đầu tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ chống lại bệnh cúm. Các kháng thể cũng được truyền cho em bé đang phát triển và giúp bảo vệ chúng trong vài tháng sau khi sinh. Điều này rất quan trọng vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để chủng ngừa cúm. Nếu trẻ bú mẹ, các kháng thể cũng có thể được truyền qua sữa mẹ.
Chống chỉ định tiêm vắc xin cúm
Đối với nhóm đối tượng dưới đây, chống chỉ định tiêm vắc xin cúm
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm.
- Những người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng với vắc xin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc xin. Thành phần dị ứng có thể bao gồm gelatin, thuốc kháng sinh, hoặc các thành phần khác.