Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong quyết toán ngân sách 2023

Trung tuần tháng 4/2025, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đã được Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nỗ lực của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.

Công chức KBNN Vùng V đối chiếu hồ sơ trên hệ thống TABMIS

Công chức KBNN Vùng V đối chiếu hồ sơ trên hệ thống TABMIS

Theo Kho bạc Nhà nước, tiếp tục kế thừa, phát huy bài học kinh nghiệm rút ra từ những kỳ thực hiện Báo cáo quyết toán trước, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 đã bổ sung, đánh giá một số kết quả đạt được của chính sách tài khóa và công tác điều hành thu, chi NSNN năm 2023.

Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN tích cực đã góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm; ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.

Thu NSNN vượt dự toán góp phần bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách, đồng thời bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bổ sung vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về quốc phòng, an ninh... Công tác quản lý thu NSNN được tăng cường, đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thu NSNN.

Công tác quản lý chi NSNN năm 2023 đảm bảo chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành. Chi NSNN thực hiện theo phương châm ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu bố trí dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng.

Các cấp có thẩm quyền theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, báo cáo để xử lý các nội dung bất cập trong quản lý, bố trí dự toán chi đầu tư, thường xuyên cho một số nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Các khó khăn, vướng mắc đã kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy việc giao vốn và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Các khoản vay, trả nợ, bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết; tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ bội chi và các khoản vay của NSĐP trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Theo đó, dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm các khoản trả nợ vay về cho vay lại) thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo quy định, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo kết luận đối với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác điều hành, điều tiết kinh tế vỹ mô, thực hiện mục tiêu kinh tế năm 2023. Mặc dù điều kiện trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thu ngân sách thực hiện vượt dự toán được giao; bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến, kỷ luật thu, chi NSNN đã từng bước được cải thiện, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước có nhiều tiến bộ.

Hải Yến

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ghi-nhan-no-luc-cua-chinh-phu-trong-quyet-toan-ngan-sach-2023.html
Zalo