Hoa Kỳ - Trung Quốc đồng ý giảm mạnh thuế quan trong 90 ngày

Trong bước tiến quan trọng nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa thống nhất tạm thời cắt giảm phần lớn thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày, mở ra cơ hội đàm phán mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng trong 90 ngày.

Mỹ - Trung đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng trong 90 ngày.

Giảm thuế "sốc" từ 145% xuống 30%

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, mức thuế quan “có đi có lại” giữa hai bên đã được điều chỉnh mạnh.

Thuế của Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc, trước thỏa thuận, lên tới 145% với nhiều mặt hàng Trung Quốc, trong đó bao gồm cả các sản phẩm điện tử, công nghệ và nguyên liệu đầu vào.

Sau thỏa thuận, mức thuế trung bình giảm xuống còn 30%, bao gồm:10% thuế phổ thông mới (áp dụng đa phần hàng hóa), 20% thuế đặc biệt vẫn giữ lại với các mặt hàng liên quan đến fentanyl – chất gây nghiện mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc chưa kiểm soát hiệu quả nguồn xuất khẩu.

Thuế của Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ, trước đây lên đến 125% với hàng hóa từ Hoa Kỳ - bao gồm nông sản, thiết bị y tế và linh kiện điện tử.

Sau thỏa thuận, Trung Quốc giảm thuế suất này xuống chỉ còn 10%, gần như đưa hàng hóa Mỹ trở lại mức thuế trước chiến tranh thương mại.

Sau cuộc đàm phán kéo dài cuối tuần qua tại Geneva, hai bên đã thống nhất giảm thuế “có đi có lại”. Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực từ thứ Tư tới và kéo dài trong 90 ngày, tạo điều kiện cho các vòng đàm phán tiếp theo. Cả hai bên đồng ý duy trì liên lạc và thiết lập cơ chế hợp tác thương mại song phương lâu dài.

Ngay sau thông tin này, thị trường tài chính toàn cầu lập tức phản ứng tích cực: Nasdaq tương lai tăng 3,7%; S&P 500 tăng 2,7%; Chỉ số Dow Jones tăng hơn 840 điểm; Giá dầu Brent và WTI đều bật tăng gần 3%; Chỉ số USD tăng 1,1%.

90 ngày đình chiến, cơ hội hay phép thử?

Theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, các cuộc đối thoại tại Geneva diễn ra trong “không khí tích cực, mang tính xây dựng cao”. Ông nhấn mạnh: “Cả hai bên đều không muốn tách rời. Các mức thuế trước đây chẳng khác nào lệnh cấm vận thương mại”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng thỏa thuận này chỉ là bước đi tạm thời và còn rất xa một hiệp định toàn diện. Mark Williams (Capital Economics) cho rằng: “Thỏa thuận này giúp giảm nhiệt, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề cốt lõi”.

Tai Hui (JP Morgan) nhận định: “Việc cắt giảm thuế lớn hơn kỳ vọng. Nhưng 90 ngày là thời gian quá ngắn để đạt được một hiệp định chi tiết. Tuy vậy, nó tạo ra áp lực tích cực cho hai bên tiếp tục đàm phán”.

Thỏa thuận lần này cho phép cả Washington và Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng. Trung Quốc khẳng định vai trò "bên đối thoại có thiện chí", trong khi chính quyền Trump tuyên bố đã buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán.

Dù vậy, truyền thông và các nhà phân tích Trung Quốc vẫn giữ giọng điệu cứng rắn. Các bài bình luận trên Xinhua và Weibo cho rằng Trung Quốc "không hề nhượng bộ về nguyên tắc" và "bước ngoặt là nhờ bản lĩnh và sự kiên trì".

Về bản chất, cuộc chiến thuế quan đã khiến cả hai nền kinh tế thiệt hại nặng. Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với tình trạng giảm phát, tiêu dùng suy yếu, còn Hoa Kỳ chịu áp lực lạm phát và phản ứng gay gắt từ các nhà nhập khẩu.

Một số thuế quan vẫn được giữ nguyên, đặc biệt là liên quan đến fentanyl và các sản phẩm công nghệ nhạy cảm. Các biện pháp hạn chế phi thuế quan trước đó, như kiểm soát xuất khẩu đất hiếm hay đưa công ty Mỹ vào danh sách đen, có thể được tạm dừng - nhưng không có gì là chắc chắn.

Thỏa thuận 90 ngày là tín hiệu tích cực, nhưng cũng là phép thử cho cam kết thật sự của cả hai phía. Đằng sau cái bắt tay tạm thời là một cuộc mặc cả dài hơi, nơi thương mại chỉ là phần nổi của tảng băng mang tên cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/hoa-ky-trung-quoc-dong-y-giam-manh-thue-quan-trong-90-ngay-1106730.html
Zalo