Ứng phó với việc Hoa Kỳ áp thuế 46%
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên đến 46%. Đây là động thái gây chấn động mạnh đến nền kinh tế thế giới, khu vực, cả nước nói chung và đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Khánh Hòa nói riêng.
Thủy sản, dệt may bị ảnh hưởng nặng nề
Ngay khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố mức thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hàng loạt DN đang có hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại Khánh Hòa không khỏi bàng hoàng. Mức thuế như vậy sẽ trở thành rào cản vô cùng lớn để các mặt hàng tiếp cận được với người tiêu dùng Hoa Kỳ. Giá thành tăng cao sẽ khiến cho các DN trên địa bàn tỉnh khó có thể cạnh tranh được với DN xuất khẩu cùng mặt hàng ở các quốc gia khác.

Sơ chế thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 4 nhóm hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: Thủy sản, dệt may, nông sản và đồ gỗ nội thất. Đây là những mặt hàng có tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Khánh Hòa. Năm 2024, các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 300 triệu USD (chiếm gần 14% tổng kim ngạch). Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt gần 54 triệu USD. Nay các mặt hàng này bị đánh thuế cao bất thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến mục tiêu đạt gần 2,2 tỷ USD xuất khẩu năm 2025. Từ đó sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh.
Trong số 4 nhóm hàng bị ảnh hưởng thì 2 nhóm hàng là thủy sản và dệt may dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, bởi 2 nhóm này có tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khá lớn. Đối với nhóm hàng dệt may, khoảng 60% hàng hóa của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đang xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ; Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất mỗi năm xuất khẩu gần 12,5 triệu USD; Công ty TNHH Komega - X mỗi năm xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 2,8 triệu USD. Ở nhóm hàng thủy sản, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hằng năm, công ty đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ hơn 25,1 triệu USD; Công ty TNHH Thịnh Hưng mỗi năm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 6,7 triệu USD; Công ty TNHH Phillips Seafood Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,4 triệu USD; Công ty TNHH Tín Thịnh xuất khẩu hằng năm khoảng 0,12 triệu USD…
Gấp rút tìm hướng đi
Khi nhận được thông tin Hoa Kỳ áp thuế cao đối với các mặt hàng của Việt Nam, các DN trên địa bàn tỉnh ngay lập tức đưa ra các giải pháp ngắn hạn và lâu dài. Trong đó, việc phải làm lập tức là liên lạc với khách hàng để xác thực lại việc tiếp tục thực hiện đơn hàng theo hợp đồng hoặc điều chỉnh giá thành. Một số DN báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền, nhằm kiến nghị với Chính phủ để đàm phán ở cấp Nhà nước trong việc áp giá thuế. Cùng với đó, DN cũng thiết lập các kênh thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường, bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Đại diện Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, ngày 3-4, lãnh đạo công ty đã tổ chức họp gấp để đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp cấp thiết ứng phó với mức thuế 46%. Đồng thời, công ty cũng kiến nghị lên Tập đoàn Dệt may Việt Nam để được hỗ trợ vượt qua khó khăn trước mắt.
Một số DN thủy sản đã nhanh chóng liên lạc với các đối tác mới nhằm thiết lập kênh xuất khẩu dự phòng trong trường hợp việc đàm phán sắp tới không mang lại hiệu quả. Quyết liệt hơn, có DN tạm dừng xuất khẩu đơn hàng để đàm phán lại giá thành. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhi - Giám đốc Công ty TNHH Tín Thịnh cho biết: “Hiện nay, các khách hàng phía Hoa Kỳ đã báo về tình hình đơn hàng, công ty sẽ tạm dừng sản xuất trong tuần tới. Bên cạnh việc đợi Chính phủ đàm phán mức thuế mới, chúng tôi cũng sẽ chủ động đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu với mức thuế này thì mỗi sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành tăng ít nhất 36% so với trước đây. Giá như vậy thì người tiêu dùng Hoa Kỳ chắc chắn không thể chấp nhận”.
Ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, dù Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ đàm phán với Mỹ để tìm được mức thuế phù hợp, nhưng để chủ động hơn nữa, Sở Công Thương đã yêu cầu các DN tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra ưu thế khi thương lượng giá với khách hàng ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận với các thị trường mới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp Khánh Hòa vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này. Vì vậy, sở đang tìm kiếm một số hướng tiếp cận vào thị trường EU (Liên minh Châu Âu) để giảm lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, cũng sẽ xúc tiến thương mại ở các thị trường khác trong khu vực nhằm hỗ trợ DN đa dạng hóa kênh xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.
ĐÌNH LÂM
Đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế để đàm phán
Chiều 4-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã họp với đại diện các hiệp hội, DN, các cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội và DN đều khẳng định, thị trường Hoa Kỳ là thị trường quan trọng, có tính dẫn dắt; bày tỏ quan ngại với việc áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa từ Việt Nam. Các DN, hiệp hội khẳng định sẵn sàng tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Hoa Kỳ; cung cấp chứng cứ để chứng minh xuất xứ, năng lực để phục vụ cho quá trình đàm phán và bằng mọi cách cần phải giữ được thị trường này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam từ 1 đến 3 tháng để đàm phán, với tinh thần đảm bảo công bằng, cả hai cùng có lợi. Đồng thời, đề nghị các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán; chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để giữ thị trường Hoa Kỳ.
* Trước đó, chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Hiện nay, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng 2 nước cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất.
Được biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã xử lý hàng loạt những khó khăn, vướng mắc của DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Hoa Kỳ được hưởng lợi. Ngoài ra, có nhiều dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam được quan tâm giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.