'Điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ thể hiện tầm nhìn sáng suốt'
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu đánh giá trên khi trả lời Báo Điện tử VTC News về cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump.
- Ông đánh giá thế nào về cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh Chính phủ Mỹ có chính sách đánh thuế lên tới 46% với hàng hóa nhập từ Việt Nam?
Phải nói rằng Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một cuộc điện đàm rất kịp thời, có giá trị lớn và thể hiện tầm nhìn sáng suốt của Tổng Bí thư.
Thứ nhất, cuộc điện đàm chứng tỏ thiện chí của Việt Nam trong hợp tác đầu tư cũng như trong thương mại song phương giữa hai nước.
Thứ hai và cũng đặc biệt quan trọng là nó góp phần tạo cơ hội để giải quyết được những vướng mắc, xung đột trong thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ, góp phần làm thay đổi chính sách thuế mới dự định áp với Việt Nam.
Trước khi Tổng Bí thư điện đàm, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng tận dụng tuần lễ “vàng” để đàm phán, trao đổi với Mỹ nhằm hai bên cùng hiểu nhau hơn trong quan hệ thương mại. Khoảng thời gian này chắc chắn cũng là cơ hội mà Tổng thống Trump đã cố tình để ngỏ nhằm đàm phán với các nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump tối 4/4. (Ảnh: TTXVN)
Tôi nghĩ rằng sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Donald Trump đã thấy rõ thiện chí trong quan hệ hợp tác giữa hai nước là đối tác chiến lược toàn diện và cũng nhận thấy thương mại sẽ giúp hai bên cùng phát triển chứ không chỉ có một bên. Thế nên hai bên sẽ dễ cùng ngồi lại để thương thảo, đàm phán với nhau hơn, từ đó có kết quả tốt đẹp nhất giữa hai nước.
- Sau cuộc điện đàm này, theo ông những phiên đàm phán về thuế quan sắp tới của ta với bạn sẽ đạt kết quả tốt hơn?
Tôi tin và kỳ vọng rằng với thiện chí rất tốt đẹp của Việt Nam, chắc chắn Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhất để hai nước cùng phát triển quan hệ thương mại.
Tôi nghĩ 2 nước sẽ cùng đàm phán đi đến việc Việt Nam sẽ cố gắng giảm thuế nhập hàng của Mỹ đến mức tối đa có thể, thậm chí bằng 0 và Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, cả 2 nước cùng có lợi.
Ngoài ra, như chúng ta thấy, quan hệ thương mại của Việt Nam - Mỹ trong 30 năm qua kể từ khi Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam tiến triển rất tốt. Năm 1995, tức là ngay sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận, thương mại giữa Việt Nam - Mỹ chỉ vào khoảng 450 triệu USD nhưng đến năm 2024, con số này đã lên đến 135 tỷ USD, gấp rất nhiều lần.

Việt Nam hoàn toàn có thể trao đổi để Mỹ áp dụng mức thuế phù hợp hơn. (Ảnh minh họa)
Điều đó chứng tỏ quan hệ thương mại đã mang lại lợi ích cho hai quốc gia rất nhiều.
Một yếu tố nữa cần nhắc đến là người dân Mỹ đã quen với việc tiêu dùng hàng hóa của các nước trên thế giới. Nếu Mỹ áp dụng mức thuế cao như dự tính thì giá cả hàng hóa vào Mỹ sẽ tăng và ảnh hưởng đến tiêu dùng của Mỹ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, từ đó giảm chi tiêu và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước Mỹ.
Thậm chí có khả năng tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu. Đây là vấn đề mà chúng ta lo ngại nhất, từ đó dẫn đến suy giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mà điều đó chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không mong muốn.
Vì thế theo tôi tất cả những yếu tố trên cộng lại sẽ mở ra một cánh cửa để các nước ngồi lại đàm phán với Mỹ như ông Trump đã từng làm ở nhiệm kỳ đầu tiên 2017- 2021. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể trao đổi để Mỹ áp dụng mức thuế phù hợp hơn.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân.
- Việt Nam cần làm gì để ứng xử với những tình huống bất lợi về thuế có thể xảy ra trong thời gian tới, thưa ông?
Đến giờ này tôi vẫn chưa tin Mỹ áp dụng mức thuế này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhanh chóng lên kịch bản để ứng xử với tình huống rất khó khăn.
Một điều cần phải nhấn mạnh là mức thuế 46% dự kiến áp với Việt Nam sẽ không phải là “cú sốc” lớn nếu các đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng chịu mức như vậy hoặc cao hơn.
Tuy nhiên, các nước là đối thủ trực tiếp cạnh tranh hàng hóa với Việt Nam trên thị trường của Mỹ lại thấp hơn như Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Ấn Độ 26%, Bangladesh 37% và Pakistan là 29%. Như vậy điều này sẽ tạo ra bất lợi cho hàng hóa nước ta.
Để vẫn tăng trưởng tốt trong điều kiện khó khăn này, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài thị trường lớn như Mỹ, EU, Việt Nam cần quan tâm đến thị trường ASEAN, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ… Phải tăng cường tận dụng 17 Hiệp định FTA để xuất khẩu vào những thị trường đó.
Việc tiếp theo cần làm là phải nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tức là tăng giá trị gia tăng, chế biến sâu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp nước ngoài ở trong nước để chế biến sâu thay bằng xuất khẩu thô…
Đồng thời để hạn chế tác động từ bên ngoài, chúng ta cũng cần quan tâm đến thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân, bởi đây là một thị trường hấp dẫn, tích cực, giúp chúng ta có sự ổn định, bền vững.
Đặc biệt, cần quan tâm đến thương mại điện tử. Chúng ta đã thấy hàng hóa của các nước trong khu vực, hàng Trung Quốc nhập vào thị trường qua cửa ngõ thương mại điện tử. Vì sao chúng ta không tận dụng để xuất khẩu hàng của Việt Nam qua thương mại điện tử?
Vì thế cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư hơn nữa về logistic, hạ tầng giao thông, cảng biển, giảm chi phí vận chuyển, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
- Theo ông, nền kinh tế Việt Nam cần thay đổi thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa với các thị trường khác trên thế giới trong tương lai?
Một trong những động lực tăng trưởng truyền thống của nước ta đó là đầu tư tiêu dùng và xuất khẩu. Vì thế, nếu Mỹ áp mức thuế cao như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Tôi nghĩ hiện nay những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu sang nước Mỹ bao gồm: Máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, hàng dệt may, điện thoại, gỗ, giày dép và có cả hàng thủy sản…Đó sẽ là những mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn và chịu sự cạnh tranh với các nước có những mặt hàng tương tự xuất khẩu sang Mỹ.
Ngoài ra, những ngành dệt may, da giày thâm hụt lao động rất lớn. Với mức thuế suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người lao động và bài toán giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, kéo theo tác động đến tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Vì thế chúng ta cần giải quyết bài toán này một cách hài hòa nhất để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng là không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.