Doanh nghiệp dệt may và da giầy bình tĩnh ứng phó với thuế quan

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các bên liên quan để bàn phương án ứng phó.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và mức cao hơn với nhóm đối tác thương mại lớn nhất; trong đó, Việt Nam ở mức 46%. Theo đó, mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trong đó chịu ảnh hưởng lớn có thể nói tới các doanh nghiệp dệt may và giầy da.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố sẽ áp dụng mức thuế đối ứng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các bên liên quan để bàn phương án ứng phó.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng, trong tổng số hơn 44 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2024, thị trường Mỹ chiếm đến 40%, tương đương với 18 tỷ USD. Hiện tại, mức thuế trung bình hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ là 15 - 16%, tùy loại sản phẩm. Như vậy, nếu Mỹ thực sự áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% như công bố, hàng dệt may Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế trung bình từ 61 - 62% khi vào Mỹ. Như thế, người tiêu dùng Mỹ cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Hiện nay, xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ có mặt hàng chịu thuế 0%, có mặt hàng 7%, 12%, hoặc như mặt hàng áo khoác là 27%. Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ nên nền tảng thuế đã có rồi, không phải hiện nay mới áp. "46% là đánh thuế vào tổng quan các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, sắp tới sẽ có chi tiết từng dòng hàng để áp thuế. Chính phủ đang triển khai hàng loạt giải pháp, tiếp tục đàm phán để xem xét vận dụng, áp dụng các dòng thuế ra sao trong thời gian tới. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp bình tĩnh chờ đợi sự đàm phán giữa hai chính phủ. Các nhãn hàng cũng sẽ đưa ra quan điểm của họ để không gây ảnh hưởng nhiều tới tổ chức sản xuất", ông Giang nói.

Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng yếu của dệt may Việt Nam. Dòng hàng dệt may Việt Nam sản xuất, xuất khẩu vào thị trường toàn cầu nói chung, Mỹ nói riêng là dòng trung cấp và cao cấp. Thực tế, bản thân các nhãn hàng, nhà mua hàng thường không bao giờ "bỏ trứng vào một giỏ", họ đánh giá Việt Nam là thị trường có tính chiến lược, lâu dài. Bởi vậy, thời gian tới dù dòng thuế có biến đổi cụ thể như thế nào, vẫn tự tin rằng xuất khẩu dệt may 2025 có ảnh hưởng nhưng không phải là quá "sốc".

Về lâu dài, ông Giang cũng nhấn mạnh yếu tố tiếp tục đa dạng hóa thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu, không dành trọng tâm quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng, đa dạng thị trường; phải cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm khác biệt. Điều đó mới có thể giúp doanh nghiệp sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean đánh giá mức thuế đối ứng của Mỹ 46% là vượt ngoài dự đoán của doanh nghiệp. "Việc Mỹ áp thuế với Việt Nam là điều mà doanh nghiệp đã tính toán từ trước và lên kế hoạch chuyển đổi thị trường, tuy nhiên điều bất ngờ là mức thuế có thể lên tới 46%. Theo ông Việt, về cơ bản, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Để cải thiện tình hình, Việt Nam nên giảm thuế nhập khẩu và tăng mua các mặt hàng của Mỹ như ô tô, thiết bị điện tử, máy bay, các loại nông sản, thực phẩm... việc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất trong nước. Quan trọng là các giải pháp cần được triển khai thật sớm bởi nếu áp dụng mức thuế như công bố, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Việt, đứng trước áp lực thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.

Năm nay, Tổng công ty May 10 đặt mục tiêu doanh thu 5.055 tỷ đồng và ước tính trên 90% sẽ đến từ kim ngạch xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên 60%. Bài toán không hề đơn giản nếu mức thuế 46% được áp cho dệt may sau gần một tuần nữa. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, khi áp mức thuế cao như thế thì giá cả, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm, chắc chắn ảnh hưởng đến đầu vào của doanh nghiệp. Lạm phát tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm khiến doanh số sản phẩm thấp. Ngoài ra còn nguy cơ đơn hàng chuyển sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn.

Cùng với đó, May 10 thực hiện giải pháp tiết kiệm trên mọi hoạt động từ năng lượng, điện, nước, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất để có giá thành cạnh tranh nhất. Mặt khác, tăng cường phát triển thị trường nội địa nhằm cân bằng cán cân xuất khẩu và nội địa; theo dõi sát nguồn gốc, xuất xứ của nguyên phụ liệu và các chính sách của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Mỹ để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu cho biết, Việt Nam cũng không phải là trường hợp đặc biệt trong đợt áp thuế này. Tuy nhiên Mỹ cũng chưa nói cụ thể mặt hàng nào. Đến nay, Mỹ chưa hề đưa ra mức thuế cụ thể nào với từng dòng sản phẩm, của từng lĩnh vực; trong đó có dệt may.

Giải pháp trước mắt, doanh nghiệp không hoang mang và xác định là trong khó khăn thì càng phải bình tĩnh. Lãnh đạo Vinatex đốc thúc các doanh nghiệp về đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, kiểm soát chặt xuất xứ… Chúng ta cũng phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, với ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại.

Trong bối cảnh này thì doanh nghiệp sản xuất cũng phải ngồi lại với khách hàng, cùng đồng hành để cùng nhau tìm ra phương án tối ưu, mục tiêu làm sao vẫn đảm bảo duy trì đơn hàng, công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo lợi nhuận. Nhưng dù thế nào thì cũng phải xác định, tăng thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, bởi 1 chiếc áo bình thường 10 USD nay thành 12-13 USD, họ phải suy nghĩ lại khi mua sắm là đương nhiên.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, việc Mỹ áp thuế tới 46% với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, ngành da giày đang đứng trước thách thức cực kỳ lớn trong giai đoạn sắp tới. Ngành da giày chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với giá trị hơn 10 tỷ USD, nên mức thuế cao chắc chắn sẽ khiến tình hình xuất khẩu bị chững lại. Với chi phí tăng cao, các doanh nghiệp sẽ phải có giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, cũng như tối ưu hóa hơn nữa quy trình sản xuất, giúp cân bằng lại chi phí về thuế bị tăng trong thời gian sắp tới.

Để ứng phó, trước mắt, không chỉ có thị trường Mỹ, Việt Nam có tới 16 hiệp định thương mại tự do với các nước; trong đó, hai hiệp định rất lớn là EVFTA và CPTPP, cũng như thị trường Anh. Vì vậy, việc tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của thị trường có hiệp định thương mại tự do vẫn là ưu tiên của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thách thức trên có lẽ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc quá trình sản xuất, tăng hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí đầu vào.

Bà Thanh Xuân cũng kiến nghị các bộ, ngành cần có chính sách tốt hơn, đặc biệt là những chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp doanh nghiệp hoàn thuế nhanh hơn, các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.

Với việc đàm phán sắp tới, có thể nghĩ đến những giải pháp như nhập khẩu nguyên liệu có sẵn ở thị trường Mỹ, như sản phẩm da thuộc đang có thế mạnh, hay các công nghệ cao của Hoa Kỳ đối với ngành sản xuất da giầy. Đây là giải pháp giúp ngành da giày - túi xách cân bằng lại cán cân thương mại, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Ngọc Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-det-may-va-da-giay-binh-tinh-ung-pho-voi-thue-quan/368915.html
Zalo