Ủng hộ miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại trong quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Các đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay trong việc thúc đẩy phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đón đầu các công nghệ mới... là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng...
Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định tổ chức và cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với điều kiện tuân thủ đầy đủ quy trình và quy định về nghiên cứu khoa học. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cũng không phải hoàn trả kinh phí sử dụng nếu đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu và nội dung thuyết minh nhưng không đạt được kết quả như dự kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, thúc đẩy phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong tình hình hiện nay, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, đón đầu các công nghệ mới, các công nghệ tương lai, điều quan trọng nhất là phải có các cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cụ thể, cần có các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học; địa điểm thử nghiệm công nghệ mới cùng với các hạ tầng về năng lượng, nước sạch, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, cáp quang, các trạm thu phát sóng 5G, 6G; các phòng trưng bày, triển lãm hiện đại; phòng thí nghiệm (Lab); phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm (Lab- Fab)… đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ công tác thiết kế, đào tạo tiến tới xây dựng các nhà máy kiểm thử, đóng gói trong lĩnh vực bán dẫn, AI.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên họp.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 17 của dự thảo Nghị quyết, mặc dù thời điểm nhà máy chế tạo bán dẫn đi vào sản xuất trước ngày 31/12/2028 thì chính sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư mới được áp dụng nhằm tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp về đích sớm 2 năm là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của Việt Nam với thời hạn như thế này, đại biểu cho rằng khá khó thực hiện, mức hỗ trợ 30% chưa đủ hấp dẫn. Do đó, đại biểu đề nghị quy định doanh nghiệp Việt Nam được chọn một trong hai trường hợp: Một là, doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án sẽ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết ngày 31/12/2030 và được hỗ trợ theo các mốc thời gian: 30% vào năm 2030, tăng lên 10% nếu rút ngắn được 1 năm, hỗ trợ 40% vào năm 2029, hỗ trợ 50% vào năm 2028.
Nhìn nhận những quy định trong dự thảo nghị quyết không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển, song đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, sẽ không bao quát hết tình hình thực tế. Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, đại biểu đề nghị, nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Ngoài trách nhiệm dân sự, đại biểu đề nghị nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học. "Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nếu đáp ứng các tiêu chí về tính khách quan, về quy trình thủ tục, nếu không người làm khoa học hết sức rủi ro" – đại biểu Trịnh Xuân An nói thêm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng tình với quy định về miễn trừ trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, cần làm rõ "đúng quy trình thì quy trình là gì”, nếu không cẩn trọng lại đi theo hướng "phải theo quy định của pháp luật" và cứ tuân thủ pháp luật là không làm cái gì cả. Đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng "khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí".