Tăng trưởng kinh tế và bài toán thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Mục tiêu tăng trưởng hai con số đang đặt ra bài toán cho nhiều địa phương trong đó có thành phố Huế. Bài toán này không chỉ tạo áp lực thúc đẩy khu vực công, mà khu vực tư nhân cũng sẽ phải chuyển động tích cực hơn. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 'để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm'.

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
Phát huy trụ cột doanh nghiệp
Theo thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cung cấp tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) mới đây, lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Nhìn từ góc độ thực tiễn, DN là một trong những đối tượng đóng góp quan trọng nhất cho ngân sách Nhà nước. Các khoản thuế như thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân từ người lao động… đa phần đều đến từ hoạt động kinh doanh của DN. Nếu số lượng DN tăng lên và hoạt động hiệu quả thì nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng sẽ tăng theo. Điều này giúp chính quyền có thêm năng lực tài chính để đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tại thành phố Huế, khu vực DN đóng góp quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước với số thu năm 2024 đạt 13.021 tỷ đồng, DN cũng đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 8,15%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD. Mặt khác, một điều dễ dàng nhận thấy nhất khi DN phát triển chính là các cơ hội việc làm cho người lao động sẽ ngày càng tăng. Khi người dân có công việc ổn định, nhu cầu tiêu dùng nội địa, sức mua sẽ tăng lên, kích thích nền kinh tế vận hành tốt hơn và tạo động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Ngoài ra, DN đóng vai trò kết nối giữa kinh tế nội địa với hoạt động xuất khẩu. Thông qua các hoạt động đầu tư, xuất khẩu… môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng sẽ được cải thiện, trở thành điểm đến cho các DN FDI. Từ đây, sẽ tạo ra một vòng tăng trưởng tích cực.
Kỳ vọng từ các giải pháp
DN đóng vai trò là chìa khóa trong tạo công việc tạo việc làm, tăng sản lượng, cải thiện thu nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế, câu chuyện thúc đẩy DN trong thời điểm hiện tại sẽ là một trong những giải pháp căn cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố nhận định, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có nhiều điều kiện phát triển, nhiều nguồn lực được đầu tư xây dựng. Vị thế mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, nhiều dự án lớn sẽ được triển khai đóng góp vào thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Các DN tại địa phương cũng dễ dàng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới khi mức sống người dân được nâng lên, tham gia vào các chuỗi giá trị của DN lớn.
Các chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn cũng đang ngày càng toàn diện hơn, tạo nền tảng quan trọng trong thúc đẩy DN phát triển. Không chỉ dừng ở việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh qua từng năm, mà các chính sách hỗ trợ cũng được triển khai xuyên suốt từ khi DN bắt đầu gia nhập thị trường đến các chính sách đồng hành thúc đẩy DN tiếp cận thị trường, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất. Việc thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ DN với sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng là cách để hỗ trợ DN tốt hơn, có trọng tâm hơn.
Cùng với vận hành hiệu quả các tổ hỗ trợ DN, ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, UBND thành phố cũng triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 tạo nên thế và lực mới trong công tác đồng hành hỗ trợ DN.
Đồng thời, phấn đấu duy trì, nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số sẵn sàng và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của thành phố Huế trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu.
Tại kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương nhấn mạnh: Các sở, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ bất cập, khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán Nhà nước; không làm cản trở hoạt động bình thường của DN.
Với nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư…, kỳ vọng thành phố Huế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm nay.