Tạo đà bứt phá cho khoa học, công nghệ

Sáng qua (19.2), tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, với 454/458 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,12%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Việc nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành cao của các ĐBQH là tin vui đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp công nghệ. Với những chính sách lần đầu được cho phép thí điểm, nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển bứt phá cho khoa học, công nghệ trong thời gian tới.

Mới đây, ngày 22.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...

 Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Hồ Long

Từ thực tế đó, nghị quyết nêu rõ, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết quan trọng với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thể chế hóa, sớm đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng. Ngoài ra, nghị quyết cũng nêu rõ: Ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Một điểm đáng chú ý, nghị quyết của Quốc hội cho phép chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Những chính sách này nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua dù chúng ta đã có nhiều sửa đổi để phát triển khoa học, công nghệ nhưng vẫn còn nhiều quy định “bó”, làm khó những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Thực trạng này đã được ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ rõ: “vẫn còn tư duy quy định theo kiểu đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối thì rất khó. Thực tế nhiều nhà khoa học khi nhìn các quy định thấy nản, nhất là trong khâu thanh toán". Băn khoăn của đại biểu Thủy cũng chính là tâm tư của những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian qua khi nghiên cứu khoa học đã khó, nhưng thủ tục thanh toán còn khó hơn nhiều lần.

Để tháo gỡ nút thắt này, nghị quyết đã quy định kinh phí từ ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện khoán chi. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được...

Với những cơ chế, chính sách đặc biệt, tin rằng Nghị quyết của Quốc hội sẽ thực sự tạo được sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, các chính sách phát huy được hiệu quả trên thực tế, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, có như vậy, mới tránh được tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-da-but-pha-cho-khoa-hoc-cong-nghe-post405062.html
Zalo