Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy: Bài học sinh động, học sinh hứng thú

Quyết liệt thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ngành Giáo dục Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tăng hiệu quả sử dụng thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy và học.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Với hệ thống thiết bị hiện có, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các nhà trường khai thác, sử dụng hiệu quả, yêu cầu trong kế hoạch bài giảng của giáo viên phải ứng dụng công nghệ số. Năm học 2024-2025, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thiết kế chương trình, nội dung giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

 Giờ học ứng dụng trí tuệ nhân tạo của cô và trò Trường Tiểu học Khám Lạng.

Giờ học ứng dụng trí tuệ nhân tạo của cô và trò Trường Tiểu học Khám Lạng.

Trường Tiểu học Khám Lạng (Lục Nam) là một trong những cơ sở giáo dục được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Trong giờ học, giáo viên triển khai công cụ ChatGPT để hỗ trợ học sinh giải đáp các câu hỏi xoay quanh nội dung bài giảng, đồng thời sử dụng phần mềm mô phỏng giúp các em quan sát, thực hành thí nghiệm ảo bằng máy tính để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của bài học.

Thầy giáo Vũ Trí Khôi, Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường đang thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các môn học. Giáo viên sử dụng các phần mềm tạo bài hát, hướng dẫn làm văn, vẽ bản đồ để học sinh dễ tiếp thu kiến thức, làm cho bài học sinh động hơn”. Từ năm 2022, nhà trường có hệ thống đồng bộ bảng thông minh, âm thanh không dây, máy tính, camera tích hợp nhiều tính năng liên thông dữ liệu phục vụ giảng dạy. Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ, các giờ học đều cuốn hút học sinh, nhất là những tiết học yêu cầu cao về kỹ năng thực hành, thí nghiệm.

Bài giảng được minh họa bằng nhiều hình ảnh, đồ họa, học liệu sinh động, hấp dẫn. Các môn học tạo được sự tương tác cao như: Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc - Mĩ thuật. Em Nguyễn Huyền Diệu, học sinh lớp 9A, Trường THCS Liên Sơn (Tân Yên) nói: “Trong các tiết học, thầy, cô giáo sử dụng trí tuệ nhân tạo hướng dẫn học sinh thực hành môn Khoa học tự nhiên thông qua hình ảnh, video đã giúp em hiểu rõ hơn về các phương trình phản ứng hóa học, hiện tượng vật lí xảy ra trong tự nhiên hay những biến đổi sinh học, em thấy hứng thú, yêu thích môn học”. Nhiều giáo viên đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thiết kế bài giảng, soạn giáo án, viết sáng kiến kinh nghiệm, quản lý điểm số.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục tích cực tham gia nhiều cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử”, “Xây dựng clip phục vụ hoạt động giáo dục địa phương”, “Chế tạo robot”, “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mới đây, tỉnh Bắc Giang có 2 nhóm giáo viên của Trường Tiểu học Mỹ Hà (Lạng Giang) và Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đoạt giải Nhì và giải Ba trong cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh toàn quốc năm 2024 do Nhà Xuất bản Giáo dục tổ chức. Học sinh ở nhiều trường như: THCS thị trấn Vôi số 1 (Lạng Giang), THCS Đức Thắng (Hiệp Hòa), THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đã thử nghiệm lắp ráp các dạng robot hỗ trợ sinh hoạt thường ngày như: Dọn nhà, giúp người khiếm thị di chuyển, vận chuyển hàng hóa. Đây là việc vận dụng kiến thức của các bài học về khoa học tự nhiên vào thực tiễn cuộc sống rất hữu ích nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Tạo hứng thú học tập

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả bài giảng. Việc khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ giúp giáo viên khắc phục tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều, khuyến khích tư duy sáng tạo, phát huy năng lực tự học, khả năng vận dụng kiến thức vào thực hành cho học sinh. Tuy nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo chủ yếu được thực hiện ở các trường khu vực đô thị, nhiều trường miền núi, vùng khó khăn chưa triển khai. Đội ngũ cán bộ, giáo viên thành thạo kỹ năng công nghệ số, biết ứng dụng chuyên sâu vào bài giảng chưa đồng đều ở các cơ sở giáo dục.

Đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có hơn 100 trường học ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong bối cảnh công nghệ số phát triển.

Thời gian qua, ngành Giáo dục Bắc Giang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp khang trang, hiện đại. Trong đó chú trọng khai thác các nền tảng số, học liệu dùng chung đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhiều cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống phòng học thông minh, mạng Internet phủ sóng miễn phí. Hoạt động quản lý, điều hành, giảng dạy linh hoạt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Từ năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh tại các Trường: THCS Việt Tiến (thị xã Việt Yên), THCS Tam Hiệp (Yên Thế) và THPT Lục Nam.

Từ khi triển khai đến nay, cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến, sử dụng tối đa thiết bị thông minh trong lớp học nhằm nâng cao hiệu quả bài giảng. Thấy được hiệu quả thiết thực từ các mô hình điểm, đến nay, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh từng bước mua sắm trang thiết bị, đẩy mạnh xây dựng trường học thông minh. Các huyện, thị xã, TP đều chú trọng dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng hiện đại, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy thuận lợi.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đội ngũ nhân lực đóng vai trò quan trọng trong lộ trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP, cơ sở giáo dục trực thuộc đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho giáo viên. Trong đó, các trường chú trọng tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên sử dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý thông tin học sinh, soạn thảo công văn, sắp xếp thời khóa biểu, xây dựng hệ thống tự động đánh giá bài kiểm tra và bài tập, hỗ trợ giáo viên thiết kế giáo án điện tử, xây dựng kho học liệu điện tử hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi, giải đáp và cung cấp thông tin bổ ích về các môn học”.

Ngành Giáo dục phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên khai thác nguồn học liệu, xây dựng ngân hàng bài tập, sử dụng các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo dạy học dùng chung trong đơn vị, tiến tới dùng chung trong toàn huyện, thị xã, TP và toàn tỉnh. Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát các phòng tin học, máy tính, mạng internet, đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thị xã, TP tập trung mọi nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, xây dựng trường học thông minh, đẩy mạnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy, tạo đà nâng chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-giang-day-bai-hoc-sinh-dong-hoc-sinh-hung-thu-092458.bbg
Zalo