Tuyển sinh đại học năm 2025: Các kỳ thi riêng sẽ thu hút thí sinh

Năm 2025, trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì công tác tuyển sinh của các đại học, học viện, trường đại học (gọi chung là trường ĐH) cũng có sự điều chỉnh.

Trong đó, phương thức xét học bạ sẽ giảm chỉ tiêu hoặc không sử dụng, đồng thời phương thức xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi riêng được các trường đại học tăng chỉ tiêu. Điều này dự báo thí sinh tham gia các kỳ thi riêng trong năm nay sẽ tăng lên.

 Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ TPHCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học ngày 20-8-2024. Ảnh: THANH HÙNG

Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ TPHCM hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học ngày 20-8-2024. Ảnh: THANH HÙNG

Nhiều kỳ thi riêng

Kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) lần đầu được tổ chức vào năm 2023 bởi 4 trường: ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Mở TPHCM cùng Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT). Sang năm 2024, có đến 10 trường ĐH ký kết hợp tác triển khai tổ chức kỳ thi này.

Hiện nay đã có 18 trường đăng ký tổ chức thi và sử dụng kết quả của kỳ thi trên để xét tuyển trong năm 2025. V-SAT là kỳ thi do các trường tổ chức, đề thi do Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục cung cấp. Các trường tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả.

Trong năm 2025, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) với 2 đợt thi dự kiến vào ngày 30-3 và ngày 1-6 tại 25 tỉnh, thành phố.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), sau 7 năm triển khai, từ năm 2018 đến năm 2024, kỳ thi ĐGNL đã trở thành phương thức tuyển sinh đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh không chỉ tại ĐHQG TPHCM mà còn ở nhiều trường ĐH, cao đẳng trên cả nước. Năm 2024, kỳ thi thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với năm 2018) và được hơn 100 trường ĐH, cao đẳng sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Kỳ thi ĐGNL đã giúp ĐHQG TPHCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2024.

“Với việc ĐHQG TPHCM bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển và các phương thức xét tuyển riêng của trường thành viên, đồng thời thống nhất còn 3 phương thức xét tuyển trong năm 2025 gồm: xét tuyển thẳng (theo quy chế của Bộ GD-ĐT); xét điểm thi ĐGNL do đại học này tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL sẽ tăng lên từ 10%-20%. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi ĐGNL trong năm 2025 sẽ tăng so với năm 2024”, TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Thay đổi cấu trúc bài thi

Theo Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, đề minh họa 8 bài thi V-SAT năm 2025 có những điểm mới như: thêm dạng thức câu hỏi, dạng thức câu hỏi viết luận; cập nhật ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; điều chỉnh cách tính điểm, nâng cao độ phân hóa năng lực. Bài thi sẽ có những ràng buộc về cách tính điểm, các loại câu hỏi theo từng môn nhằm đánh giá độ phân hóa. Trừ môn Ngữ văn, các môn thi được chấm bằng máy tính.

 Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức năm 2024

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức năm 2024

Nếu trước đây, bài thi chỉ có 3 dạng câu hỏi thì nay có thêm dạng câu hỏi nhóm, nghĩa là từ một vấn đề sẽ xây dựng nhóm các câu hỏi kèm theo. Bài thi sẽ có 4 dạng thức câu hỏi trong đề thi gồm: câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai; câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm ghép - hợp; câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận. Trong đó, nhiều câu hỏi được biên soạn theo hướng vận dụng phương pháp của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức các kỳ thi riêng trước hết xuất phát từ yêu cầu tuyển chọn đầu vào phù hợp với đặc điểm các ngành đào tạo của từng trường mà các phương thức tuyển sinh khác chưa hoàn toàn đáp ứng được.

Các kỳ thi này có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau (2 ĐHQG có các kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…).

Thí sinh được quyền lựa chọn tham dự các kỳ thi nhằm tăng cơ hội khi xét tuyển đại học.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, cấu trúc và nội dung đề thi ĐGNL từ năm 2025 có nhiều điều chỉnh và có nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế, như kỳ thi Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan…

Việc thay đổi này nhằm đánh giá đúng năng lực tổng quát của thí sinh, giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp; đồng thời đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐHQG TPHCM.

ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thông tin, trường định hướng phương thức sử dụng kỳ thi ĐGNL chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo (chiếm 40%-50% chỉ tiêu). Nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi này là một kỳ thi độc lập và có nhiều điều chỉnh ở cấu trúc bài thi cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với đó, nhà trường điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp, như loại bỏ các tổ hợp có môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…, thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; bổ sung kỳ thi năng khiếu dành riêng cho ngành Giáo dục quốc phòng - an ninh...

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-cac-ky-thi-rieng-se-thu-hut-thi-sinh-post769870.html
Zalo