Phòng, chống mua bán người tại vùng cao
Xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em là mục tiêu của Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'. Trước tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp tại các tỉnh miền núi biên giới, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số và miền núi phòng, tránh, không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
16 năm trước, con gái bà Giàng Thị Phá khi ấy mới 20 tuổi. Trong 1 lần đi chợ, cô đã trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người. Ròng rã từng đấy năm tìm kiếm thông tin, người con của bà Phá vẫn bặt vô âm tín. Hôm nay, bà cũng như nhiều người khác ở vùng cao Thải Giàng Phố đến nghe tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, với hy vọng sẽ tìm được cơ hội đưa con mình trở về.
Với hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, thông qua các buổi sinh hoạt lồng ghép, các dự án truyền thông cộng đồng về phòng chống mua bán người đã thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số về loại tội phạm này.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã thực hiện gần 200 buổi tuyên truyền bằng nhiều tiếng dân tộc, thu hút trên 10.000 người tham gia. Cùng với tuyên truyền trực tiếp, các cấp hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Theo thống kê, giai đoạn năm 2016 - 2020, Lào Cai phát hiện, xử lý 90 vụ buôn bán người, với 228 nạn nhân. Từ năm 2021 đến nay, giảm còn 9 vụ với 58 nạn nhân. Tình trạng mua bán người vẫn diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp, bởi vậy, việc trang bị những kĩ năng, nhận thức sẽ giúp phụ nữ vùng cao tránh rơi vào cạm bẫy của các đối tượng mua bán người.