Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Trợ thủ đắc lực cho nhà giáo

Nhờ khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo và phần mềm hỗ trợ hoạt động của giáo viên, lớp học thêm sinh động, học sinh hào hứng...

Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong lớp học thông minh. Ảnh: Lan Anh

Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong lớp học thông minh. Ảnh: Lan Anh

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ mới

Với vai trò phụ trách chuyên môn, cô Giang Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn băn khoăn làm thế nào để giúp giáo viên tạo ra những sản phẩm, bài giảng điện tử thực sự chất lượng, trong khi nhà trường còn khó khăn, hạn chế về tài chính, nhận thức, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, một số phần mềm sử dụng xây dựng bài giảng trước đây tính năng khá hạn chế, yêu cầu máy tính cấu hình cao, không thuận tiện cho giáo viên sử dụng, hay một số phần mềm thiết kế trò chơi cài đặt phức tạp và tốn chi phí bản quyền, hạn chế về khả năng tương tác.

Vì vậy, cô đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin (CNTT), tham gia các nhóm hỗ trợ CNTT và giảng dạy nhằm trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để chia sẻ và lan tỏa với đồng nghiệp trong trường, giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường khai thác, ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm dạy học hiệu quả.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, cô Nhàn nhận ra những giá trị mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. AI đã lan tỏa rất nhanh trong giáo dục, hỗ trợ thiết kế bài giảng, trò chơi học tập và tạo ra các tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Việc ứng dụng AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Cô Nhàn nhận thấy, công nghệ AI có thể hỗ trợ giáo viên mầm non một số nội dung hết sức hiệu quả như: Chuyển ảnh thành văn bản, giúp giáo viên dễ dàng số hóa tài liệu học tập (Google AI); chuyển văn bản thành âm thanh, hỗ trợ tạo các bài giảng nghe cho trẻ (Vbee.vn); thiết kế slide bài giảng, tạo ra các bài giảng sinh động và hấp dẫn (Gamma.app); tạo bài hát theo ý muốn, kết hợp với ChatGPT để tạo lời bài hát (Suno.ai)...

Nắm bắt được các ứng dụng hữu ích kể trên, cô đã nỗ lực tự học hỏi nâng cao kỹ năng sử dụng các ứng dụng AI đó và truyền đạt lại cho đội ngũ giáo viên cách ứng dụng AI vào giảng dạy thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên đề. Qua đó, giáo viên có thể hiểu và biết cách “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường mầm non”.

Cô khuyến khích giáo viên thực hành với các công cụ AI, theo dõi và đánh giá tiến độ thường xuyên, hướng dẫn kịp thời. Đồng thời khích lệ giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, sáng tạo trong ứng dụng AI, giúp tạo nên môi trường giáo dục hiện đại, hiệu quả.

 Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) trong lớp học.

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) trong lớp học.

Lợi ích từ chuyển đổi số

Tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), học sinh hứng thú với tiết học Unit 3 My friend trong chương trình tiếng Anh lớp 6. Lớp học thông minh được thiết kế lấy người học làm trung tâm, bàn ghế được bố trí để học nhóm cùng các nội dung tương tác với công nghệ như thực tế ảo với các công nghệ thực tế ảo 3D tạo sự hứng thú cho các em.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho hay, việc ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích. Trong trường học, các lớp học thông minh được kết nối với thư viện số thông minh cho phép học sinh xem lại bài giảng trên lớp ngay khi kết thúc bằng các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính cá nhân.

Đặc biệt AI hỗ trợ khuyến nghị cá nhân hóa dựa trên nhận diện khuôn mặt giúp các em dễ dàng sử dụng thư viện mà không cần thẻ. Giáo dục và trường học thông minh sẽ góp phần tạo nên một thế hệ trẻ đáp ứng được các kỹ năng của thế kỷ 21 và nhu cầu nhân lực công nghệ cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), học sinh hào hứng với các giờ học môn Toán cùng sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Trong lớp học, giáo viên thực hiện tổ chức toàn bộ quá trình dạy và học trong một giờ dạy, bao gồm hoạt động tương tác giữa thầy và trò thông qua sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong phòng học thông minh.

Theo cô Nguyễn Hà Thu - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, qua xây dựng lớp học thông minh, bản thân nhận thấy có nhiều ưu điểm. Ví dụ như công nghệ mới thì việc tích cực hóa các hoạt động học tập của học sinh được chú trọng. Những thao tác như tự động điểm danh, khuyến nghị về cảm xúc người học giúp các thầy, cô giáo tự điều chỉnh, thay đổi phương pháp cho phù hợp học sinh.

Hạt nhân của trường học thông minh là lớp học thông minh. Trong lớp học thông minh có các thiết bị thông minh như màn hình tương tác, máy tính bảng. Đặc biệt là phần trí tuệ nhân tạo cho phép nhận diện khuôn mặt, đánh giá cảm xúc học sinh, hiệu quả truyền đạt của giáo viên.

Làm rõ hơn về những ưu điểm của lớp học thông minh, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng - giảng viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: Thứ nhất là hạ tầng cao cấp, mạng tốc độ cao cho phép hơn 50 máy tính bảng cùng kết nối. Thứ hai là màn hình tương tác thế hệ mới cho phép giáo viên viết, vẽ, kết nối các máy tính bảng trong hệ sinh thái thống nhất. Kết quả làm bài của học sinh được gửi ngay cho giáo viên, giúp tăng tính tương tác.

Đặc biệt là phần trí tuệ nhân tạo được tích hợp giúp tự động đo cảm xúc trung bình của lớp học, cảm xúc của từng học sinh, giúp cô giáo biết được em nào đang hứng thú học tập, học sinh trong tình trạng nào, từ đó điều chỉnh phương pháp truyền đạt để các em lúc nào cũng cảm thấy hứng thú với bài học.

Lớp học thông minh còn có chức năng tự động chuyển đổi thành tư liệu số, biến toàn bộ bài giảng bao gồm màn hình giáo viên, camera học sinh, camera giáo viên thành một quyển sách video để tải lên thư viện. Sau giờ học, học sinh có thể mở ra học lại. Điều này giúp học sinh nắm vững bài học, đồng thời học sinh vắng mặt có thể tiếp thu bài giảng.

Ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Trong thời đại 4.0, việc chuyển đổi số trong giáo dục rất cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu thời gian và chi phí đào tạo, mang lại nhiều lợi ích, tạo ra môi trường làm việc và học tập thuận tiện, sinh động.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-giang-day-quan-ly-tro-thu-dac-luc-cho-nha-giao-post709635.html
Zalo