Nâng tiêu chuẩn xét thăng hạng giúp GV loại bỏ quan niệm 'sống lâu lên lão làng'

Những điểm mới trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ giúp cơ sở giáo dục chọn lọc được đội ngũ chất lượng, xứng đáng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.

Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên có yêu cầu cao hơn so với Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.

 Ảnh minh họa: M.T.

Ảnh minh họa: M.T.

Nâng tiêu chuẩn xét thăng hạng là “đòn bẩy” tạo ra môi trường học tập tốt

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Lê Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Giao (Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đánh giá: “Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT đã mang lại một số điều chỉnh quan trọng nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, với các yêu cầu rõ ràng hơn về tiêu chuẩn, điều kiện trong việc thăng hạng.

So với Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT, thông tư mới này tập trung nhiều hơn vào phát triển năng lực thực tiễn của giáo viên, đặt ra tiêu chí cụ thể hơn về kinh nghiệm và thành tích trong giảng dạy, cũng như yêu cầu cao hơn về kỹ năng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Những thay đổi này giúp định hướng và thúc đẩy giáo viên nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu giảng dạy trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay”.

 Cô Nguyễn Lê Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Giao (Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Website trường.

Cô Nguyễn Lê Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Giao (Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Website trường.

Theo đó, Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT đã bổ sung một số tiêu chuẩn, điều kiện xếp loại chất lượng trong thời gian công tác của giáo viên hạng II và hạng III.

Cụ thể, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III và tương đương, có 2 năm (đối với mầm non) và 3 năm (đối với phổ thông, dự bị đại học) công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ngoài ra, danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng trong tiêu chuẩn, điều kiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đăng ký dự xét hạng I phải là các danh hiệu thi đua và thành tích khen thưởng đạt được trong thời gian giữ hạng II.

Đánh giá về các điều chỉnh, quy định mới này, cô Hạnh cho rằng, việc nâng cao tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên sẽ góp phần tạo động lực để giáo viên hoàn thiện bản thân, cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy.

“Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo viên, mà còn đảm bảo các cơ sở giáo dục có đội ngũ đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn, từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục.

Để được thăng hạng, giáo viên sẽ phải tự hoàn thiện, nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Nhờ đó, các trường học có thể lựa chọn ra những giáo viên ưu tú, góp phần xây dựng môi trường học tập hiệu quả hơn cho học sinh”, cô Hạnh khẳng định.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Giao cũng cho biết, khi có thông tư mới, cô rất kỳ vọng vào sự nỗ lực học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên trong trường. Đây sẽ là cơ hội tốt để mỗi giáo viên phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, đồng thời, nâng cao khả năng sáng tạo trong giảng dạy, ứng dụng các phương pháp hiện đại nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.

“Đối với chất lượng giáo dục, tôi hy vọng các tiêu chuẩn cao hơn sẽ là “đòn bẩy” để tạo ra một môi trường học tập tốt. Từ đó, giúp học sinh phát huy tối đa khả năng của mình, chuẩn bị tốt nhất cho hành trình học tập, làm việc trong tương lai”, cô Nguyễn Lê Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm với những chia sẻ trên, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tiêu chuẩn về xếp loại chất lượng tại Thông tư số 13 vô cùng phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại các trường học.

Nếu viên chức không có những đóng góp cho đơn vị công tác, việc không đủ điều kiện thăng hạng là điều hiển nhiên. Ngược lại, với những giáo viên có năng lực, điều chỉnh nâng cao tiêu chuẩn trong xét thăng hạng sẽ chứng minh giáo viên đó là người thực sự xứng đáng”.

Cô Thủy cũng nhận định, các giáo viên không nên giữ quan niệm “sống lâu lên lão làng”, cho rằng bản thân có nhiều năm kinh nghiệm mà không tiếp tục học hỏi, trau dồi chuyên môn. Dù một giáo viên có thâm niên nhưng thành tích không nổi bật, cũng sẽ không đủ điều kiện để nhà trường đề xuất thăng hạng.

“Bởi hiện nay, số lượng giáo viên được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” không hiếm. Nếu thầy, cô đó công tác tại cơ sở giáo dục đều đặn, hoàn thành các nhiệm vụ ổn định, không có tranh chấp hoặc xảy ra vấn đề khác, thì rất dễ để được đánh giá ở mức này. Giáo viên chỉ cần tập trung nâng cao chuyên môn để đạt được những điều kiện khác trong xét thăng hạng”, cô Thủy nhấn mạnh.

 Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Nhà trường gặp khó khi đề xuất thăng hạng, do cơ cấu hạng phải tuân theo tỷ lệ

Bên cạnh đó, không thể phủ định rằng, việc nâng tiêu chuẩn trong xét thăng hạng khiến một số giáo viên cảm thấy áp lực. Chia sẻ về điều này, cô Nguyễn Lê Hạnh phân tích: “Sau khi Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT được áp dụng, nhiều giáo viên có thể gặp phải một số khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Trước hết, tiêu chuẩn cao hơn về trình độ và kỹ năng giảng dạy có thể tạo ra áp lực lớn cho giáo viên trong việc vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, vừa phải dành thời gian bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Việc này đặc biệt khó khăn đối với những giáo viên có thâm niên lâu năm, khi họ cần điều chỉnh để thích nghi với các yêu cầu mới về công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại.

Ngoài ra, yêu cầu cao hơn về thành tích, hiệu quả giảng dạy đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo, đổi mới không ngừng, đồng thời, phải có khả năng quản lý lớp học tốt, đánh giá chính xác năng lực học sinh. Điều này có thể trở thành gánh nặng cho những giáo viên ở vùng khó khăn, nơi điều kiện và nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế.

Mặt khác, các giáo viên có thể cảm thấy áp lực về mặt tâm lý, khi phải đạt được các tiêu chí khắt khe hơn để đảm bảo thăng hạng, phát triển sự nghiệp, dẫn đến căng thẳng trong công việc”.

Để tạo điều kiện tối đa giúp đội ngũ giáo viên hoàn thành các tiêu chuẩn mới, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Giao cho biết, nhà trường đã và đang tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và công nghệ, cung cấp các tài liệu, công cụ hỗ trợ để giáo viên dễ dàng tiếp cận, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại.

Ngoài ra, Trường Trung học cơ sở Đồng Giao cũng xây dựng môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên để cùng phát triển. Đặc biệt, các chính sách khen thưởng, ghi nhận thành tích và hỗ trợ về mặt tinh thần cũng được chú trọng để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu trong công tác giảng dạy.

Về phía Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy cũng cho biết, một số giáo viên tại nhà trường đang gặp khó khăn trước quy định xét thăng hạng mới này.

“Tôi đồng ý với những điều kiện giữ hạng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Tuy nhiên, trong nhà trường hiện nay có một số thầy cô đã lớn tuổi, có bằng đại học, nhưng kỹ năng chuyên môn về công nghệ thông tin chỉ ở mức khá. Thậm chí, các thầy cô không tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi vì sự hạn chế này.

Do đó, Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm đang đẩy mạnh tập huấn về sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ngoài ra, trong công tác tuyển dụng viên chức mới, nhà trường cũng chú trọng tuyển những thầy cô có kỹ năng, chuyên môn, để có nền tảng cho công tác xét thăng hạng sau này”, nữ Hiệu trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, không chỉ giáo viên cảm thấy áp lực, chính nhà trường cũng gặp khó khi lập danh sách đề xuất giáo viên thăng hạng.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy lý giải: “Hiện nay, nhà trường cũng phải cân nhắc khi đánh giá viên chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng I tối đa không quá 10%, tỷ lệ chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%”.

Như vậy, nếu trong nhà trường có nhiều giáo viên đạt chuẩn theo xét thăng hạng, sẽ rất khó cho trường khi lựa chọn các hồ sơ ưu tú.

Cô Thủy cũng thông tin thêm, hiện tại, Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm có gần 60 giáo viên. Tuy nhiên, chỉ có 12 suất xét thăng hạng theo tỷ lệ trên. Như vậy, sẽ chỉ có 12 thầy cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Còn lại các thầy cô khác sẽ dừng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng tình với ý kiến trên, một lãnh đạo trường mầm non tại huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cũng bày tỏ, những giáo viên lớn tuổi có bằng đại học từ hơn 10 năm, nhưng không có các thành tích nổi trội, sẽ rất khó có cơ hội được xét thăng hạng II.

Bên cạnh đó, căn cứ Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ ngày 05/01/2024 về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức: Sẽ là thách thức cho các cơ sở giáo dục trong việc xét thăng hạng, khi cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải tuân theo tỷ lệ nhất định, trong khi đó, số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao.

Vị Hiệu trưởng này cũng đề xuất: “Giáo viên mầm non sau khi xét thăng hạng nên được hưởng mức lương cơ bản như cấp tiểu học, trung học cơ sở. Vì hiện nay, giáo viên mầm non hạng III có bậc lương khởi điểm (bậc 1) tương đương hệ số 2.1, giáo viên mầm non hạng II (bậc 1) có hệ số lương là 2.34.

Mức lương giáo viên mầm non hạng II bằng mức lương khởi điểm của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hạng III, trong khi trình độ đào tạo đều là đại học như nhau, gây thiệt thòi cho đội ngũ giáo viên mầm non”.

 Ảnh minh họa: M.T.

Ảnh minh họa: M.T.

Đề xuất về cơ chế, chính sách cho giáo viên sau khi đạt tiêu chuẩn xét thăng hạng, cô Nguyễn Lê Hạnh bày tỏ: “Sau khi giáo viên đạt được tiêu chuẩn xét thăng hạng, tôi kiến nghị có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích và tạo động lực phát triển lâu dài.

Cụ thể, giáo viên đạt chuẩn thăng hạng nên được tăng cường các cơ hội học tập nâng cao hơn nữa, hỗ trợ tài chính để tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước và quốc tế.

Thêm vào đó, nên có các chính sách đãi ngộ về mặt lương, thưởng, hoặc giảm tải một số công việc hành chính để giáo viên có thêm thời gian tập trung cho việc giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn.

Điều này không chỉ giúp giáo viên phát triển bền vững mà còn tạo ra một môi trường học tập chất lượng cao cho học sinh”.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, đáp ứng tiêu chuẩn xét thăng hạng, cô Hạnh cho biết, việc tăng cường chương trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các trường cũng giúp giáo viên mở rộng kiến thức và phát triển kỹ năng. Nhà trường nên đẩy mạnh các buổi đánh giá và phản hồi chất lượng giảng dạy, giúp giáo viên nhận ra điểm mạnh và điểm cần cải thiện, từ đó xây dựng lộ trình phát triển cá nhân hiệu quả.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nang-tieu-chuan-xet-thang-hang-giup-gv-loai-bo-quan-niem-song-lau-len-lao-lang-post247126.gd
Zalo