Ukraine 'gợi ý' về kho vũ khí Mỹ, bắn tiếng cầu viện đồng minh, quốc gia châu Á tỏ ý muốn tham gia hỗ trợ Kiev
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng, Mỹ có thể chuyển giao cho Kiev các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Ukraine muốn Mỹ gửi thêm các hệ thống phòng không Patriot. (Nguồn: The Odessa Journal)
Theo The Kyiv Independent, phát biểu họp báo với Thủ tướng Bỉ Bart De Wever nhân chuyến thăm của ông tới Kiev, Tổng thống Ukraine nói rõ: "Họ có rất nhiều (hệ thống Patriot) trong kho. Đây sẽ là sự hỗ trợ tốt nhất của Mỹ cho Ukraine vào lúc này - chuyển giao các hệ thống Patriot".
Theo Tổng thống Ukraine, Kiev cũng "bắn tiếng" tới tất cả đối tác với hy vọng nhận được thêm hệ thống phòng không từ họ, đặc biệt là Patriot.
Ukraine cùng nhóm liên lạc về cung cấp vũ khí cho Kiev theo định dạng Ramstein sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 11/4 để thảo luận các vấn đề "cấp bách" về việc cung cấp Patriot và các hệ thống phòng không khác, cũng như các gói viện trợ quân sự mới và việc sản xuất vũ khí tại quốc gia Đông  đang vướng vào xung đột. Đây có thể là cuộc họp đầu tiên của nhóm không có sự tham gia của Mỹ.
Chính quyền Ukraine thường xuyên kêu gọi phương Tây chuyển giao hệ thống phòng không và tên lửa cho Kiev, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống Patriot.
Trước đó, hôm 6/4, Tổng thống Zelensky đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov tăng cường tiếp xúc với các nước phương Tây liên quan việc chuyển giao hệ thống phòng không cho Kiev và nội địa hóa việc sản xuất các hệ thống này.
Ông phàn nàn, các hệ thống Patriot đang nằm im trong kho tại các cơ sở của đối tác và ra lệnh phải đẩy mạnh giải quyết vấn đề này, đặc biệt là với Mỹ.
Đầu tháng 3, tạp chí Forbes cho hay Lực lượng vũ trang Ukraine cùng các đồng minh đã bắt đầu tìm cách thay thế các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất sau cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Vào cuối tháng 3, ông Zelensky tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với các đối tác phương Tây về việc xin giấy phép sản xuất hệ thống phòng không.
Trong diễn biến liên quan tình hình Ukraine, cùng ngày 8/4, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen nhấn mạnh, Tokyo có kế hoạch tham gia phái bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về Hỗ trợ và đào tạo an ninh cho Kiev (NSATU).
Thông báo này được đưa ra khi ông Nakatani gặp Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Tokyo. Ông Nakatani nêu rõ, sự tham gia của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong phái bộ này sẽ "rất có ý nghĩa", kể cả về mặt rút ra bài học từ cuộc xung đột.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ra thông cáo báo chí cho hay, ông Rutte hoan nghênh đề nghị này và hai bên đã xác nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
NSATU, được các lãnh đạo NATO nhất trí thành lập vào tháng 7/2024, đặt tại căn cứ quân sự Mỹ ở Wiesbaden (Đức). NSATU phụ trách điều phối việc cung cấp, chuyển giao và sửa chữa trang thiết bị quân sự quan trọng cho các chiến dịch của Ukraine, cũng như huấn luyện tại các quốc gia thành viên để tăng cường hiệu quả quân sự của nước này.
NATO khẳng định, NSATU chỉ hoạt động trên lãnh thổ đồng minh và không khiến liên minh quân sự này trở thành một bên trong cuộc xung đột Ukraine.