Anh ủng hộ Đức cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine

Anh sẵn sàng ủng hộ Đức trong trường hợp nước này quyết định chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, tờ The Telegraph dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết ngày 16/4.

Tên lửa hành trình Taurus được trưng bày tại cơ sở sản xuất tên lửa ở Schrobenhausen, miền Nam Đức ngày 5/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa hành trình Taurus được trưng bày tại cơ sở sản xuất tên lửa ở Schrobenhausen, miền Nam Đức ngày 5/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nguồn tin, London từ lâu đã ủng hộ trang bị các loại vũ khí hiện đại do Đức sản xuất cho Kiev, trong đó có tên lửa Taurus – với tầm bắn lên tới 500km, có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp loại vũ khí tầm xa như vậy, đặc biệt nếu cho phép Ukraine sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, sẽ bị xem là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm.

Bình luận về khả năng cung cấp tên lửa hành trình Taurus, một quan chức đối ngoại của Anh nói với The Telegraph: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác, bao gồm Đức, nhằm trang bị cho Ukraine những gì tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình”.

Thông tin này được đưa ra sau tuyên bố của Thủ tướng Đức sắp nhậm chức, ông Friedrich Merz, người thể hiện rõ lập trường sẵn sàng chấp thuận cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev.

“Tôi luôn nói rằng tôi sẽ làm điều đó”, ông Merz khẳng định trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia Đức ARD hôm 13/4. “Các đối tác châu Âu của chúng ta cũng đã viện trợ tên lửa hành trình cho Ukraine. Anh đang làm điều đó, Pháp đang làm và cả Mỹ cũng vậy”, ông nói thêm.

Tuy vậy, ông Merz cho biết quyết định này cần sự đồng thuận từ các đối tác châu Âu. Ông cũng lưu ý đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông ủng hộ sử dụng tên lửa Taurus để nhắm vào các trung tâm chỉ huy và tuyến hậu cần của Nga, trong đó có cả cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Lập trường của ông Merz hoàn toàn trái ngược với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz – người liên tục phản đối cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev, vì lo ngại hành động này có thể làm leo thang xung đột và kéo Đức vào cuộc chiến một cách trực tiếp.

Ông Merz dự kiến nhậm chức vào tháng 5, sau khi đảng CDU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) hoàn tất quá trình đàm phán liên minh. Tuy nhiên, người phát ngôn quốc phòng của CDU, ông Roderich Kiesewetter, cho biết vấn đề chuyển giao tên lửa vẫn là điểm gây tranh cãi gay gắt trong các cuộc đàm phán này.

Nhiều thành viên SPD bày tỏ quan ngại trước tầm bắn xa và sức công phá mạnh của tên lửa Taurus, cho rằng loại vũ khí này tiềm ẩn nguy cơ leo thang cao hơn so với các hệ thống mà Anh hay Pháp cung cấp. Lãnh đạo đảng SPD, ông Matthias Miersch, thậm chí còn cho rằng ông Merz có thể thay đổi quan điểm sau khi tiếp cận các thông tin tình báo mật liên quan đến loại tên lửa này.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, cũng là thành viên của SPD, từng tuyên bố rằng có “nhiều lý do hợp lý” để không chuyển giao Taurus cho Ukraine, trong đó có những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia và thông tin mật.

Theo giới chuyên gia, việc Đức cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, nếu xảy ra, hoàn toàn có thể được coi là bước ngoặt mới trong chính sách hỗ trợ quân sự của châu Âu.

Tên lửa Taurus có thể hoạt động trong phạm vi 500km – tầm bắn đủ xa để tấn công các cơ sở chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả hậu cần và chỉ huy. Điều này giúp Ukraine không chỉ phòng thủ, mà còn có khả năng gây sức ép ngược trở lại lên Moskva – điều mà phần lớn các vũ khí phương Tây viện trợ trước đây chưa đạt tới quy mô này.

Trong khi đó, nếu Đức thay đổi lập trường, nhiều nước còn đang do dự có thể cũng sẽ mạnh tay hơn trong hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Điều này có thể dẫn đến một làn sóng hỗ trợ vũ khí tầm xa hoặc tiên tiến hơn cho Ukraine.

Dù mang ý nghĩa hỗ trợ quân sự, nhưng đây cũng có thể là “lằn ranh đỏ” với Nga. Nếu Taurus được dùng để tấn công lãnh thổ Nga, Moskva có thể phản ứng dữ dội hơn. Điều này khiến cục diện chiến sự bước vào một giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm hơn.

Về phần mình, Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng các đợt viện trợ vũ khí từ phương Tây sẽ không cản trở nước này đạt được các mục tiêu chiến lược trong cuộc chiến tại Ukraine. Ngược lại, Nga cho rằng những động thái này chỉ làm kéo dài xung đột và làm suy yếu các nỗ lực hòa bình.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/anh-ung-ho-duc-cung-cap-ten-lua-taurus-cho-ukraine-20250417180831185.htm
Zalo