Làn sóng tước visa du học sinh khắp nước Mỹ: Sự thật nào đang bị che giấu?
Việc hủy bỏ thị thực của du học sinh đã nhanh chóng lan rộng ra hơn một nửa số tiểu bang của Mỹ. Nguyên nhân đằng sau điều này là gì?

Người biểu tình cầm tấm biển ghi dòng chữ "BẢO VỆ sinh viên của chúng ta để họ có thể BẢO VỆ luận án của mình", ngày 10/4/2025, tại trường đại học Indiana (Mỹ) sau khi một số thị thực sinh viên trường này bị thu hồi. Ảnh: Indiana Daily Student
Sinh viên từ California, Ohio đến Bắc Carolina đang bị hủy thị thực mà không có lời giải thích, bị cảnh sát mặc thường phục dẫn đi và thấy mình phải chịu những cáo buộc vốn dành cho những kẻ khủng bố.
Theo đài NBC News, tính đến ngày 16/4, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thu hồi thị thực của sinh viên quốc tế tại ít nhất 32 tiểu bang. Nhà chức trách chủ yếu trích dẫn một điều luật chính sách đối ngoại năm 1952 ít khi được sử dụng để nhắm vào hoạt động của sinh viên. Bên cạnh đó, thị thực của một số người dường như đã bị chấm dứt vì những cáo buộc trong quá khứ như lái xe khi say rượu.
Các luật sư và người ủng hộ cho biết có vẻ như những người đã từng biểu tình ủng hộ người Palestine, những người từng bị bắt và những người có một số bài đăng chính trị trên mạng xã hội có khả năng bị tước visa cao nhất.
Các luật sư và chuyên gia chính sách về di trú cho biết, việc tập trung vào sinh viên quốc tế là một phần trong chiến dịch trấn áp nhập cư và trục xuất lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump, khi những người nhập cư ở mọi tình trạng đều bị giám sát chặt chẽ.
"Đó chỉ là một phần trong toàn bộ kế hoạch của họ nhằm giảm hoàn toàn tình trạng nhập cư", Jath Shao, một luật sư về di trú có trụ sở tại Cleveland, người điều hành một công ty luật trực tuyến và đại diện cho một số sinh viên quốc tế, phần lớn là người châu Á, cho biết. "Họ nhắm vào những người nhỏ bé và yếu đuối - những người không có nhiều nguồn lực để tự vệ".
Sinh viên và các trường đại học cho biết đang có một tâm lý hoang mang lớn về lý do đằng sau việc thu hồi visa, tính hợp pháp của các hành động từ phía chính phủ, cũng như về các lựa chọn mà những người đã mất visa hoặc trong tình trạng cư trú hiện có thể làm để tiếp tục con đường học tập của mình.
Loại thị thực sinh viên nào có nguy cơ bị thu hồi?
Hầu hết sinh viên bị thu hồi đều đang học tại Mỹ theo thị thực F-1 và J-1. Thị thực F-1 cho phép những người không phải công dân nhập cảnh vào Mỹ với tư cách là sinh viên toàn thời gian tại các cơ sở giáo dục được công nhận. Và để đủ điều kiện xin thị thực đó, mọi người phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định, bao gồm sự chấp thuận của ICE, trình độ tiếng Anh hoặc đăng ký các khóa học giúp nâng cao trình độ tiếng Anh và đủ tiền để tự trang trải trong suốt quá trình học.
Thị thực J-1 dành cho sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu và các chuyên gia khác, cho phép mọi người tham gia các chương trình được chấp thuận để học tập, nghiên cứu, đào tạo hoặc thể hiện các kỹ năng đặc biệt. Và sau khi hoàn thành chương trình, họ phải trở về nước trong vòng 30 ngày.

Sinh viên tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Những trường nào đang bị ảnh hưởng?
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu thu hồi thị thực vào tháng 3 năm nay, nhắm vào du học sinh của các trường học trên khắp cả nước. Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết vào tháng trước rằng Bộ Ngoại giao đã thu hồi thị thực của hàng trăm sinh viên, nhắm vào các sinh viên quốc tế tham gia hoạt động chính trị.
“Chúng tôi làm điều đó hàng ngày. Mỗi lần phát hiện ra một trong những kẻ rối loạn này, chúng tôi sẽ thu hồi thị thực của họ”, ông Rubio cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 3.
Những sinh viên đó bao gồm Mahmoud Khalil, của Đại học Columbia, một nhà hoạt động ủng hộ Palestine và là người sở hữu thẻ xanh, người bị ICE bắt giữ và giam giữ vào đầu tháng 3, hay Rümeysa Öztürk, của Đại học Tufts, người bị các quan chức nhập cư bắt giữ trên phố gần trường vài tuần sau đó.
Các trường hợp khác nằm ngoài phạm vi phản đối chính trị, như Doğukan Günaydın, một sinh viên người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Minnesota, bị bắt trước nhà riêng ở St. Paul vào cuối tháng 3 vì bị kết tội lái xe khi say rượu vào năm 2023.
Nhiều trường hợp bắt giữ và hủy visa khác nhằm vào sinh viên trong các lĩnh vực từ kỹ thuật vật liệu đến nghiên cứu bệnh động kinh. Một số sinh viên được thông báo lý do mơ hồ về việc thu hồi thị thực, trong khi những sinh viên khác không nhận được lý do nào. Nhiều trường học cũng không hay biết gì cả.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ gần đây đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để tìm kiếm lịch sử phương tiện truyền thông xã hội của sinh viên quốc tế nhằm tìm ra căn cứ tiềm năng thu hồi thị thực của họ. Ba nguồn tin quen thuộc với hoạt động này nói với NBC News rằng, lực lượng đặc nhiệm đang tìm kiếm các cáo buộc và bản án hình sự trong hồ sơ của sinh viên.
Tại sao chính quyền lại nhắm vào du học sinh?
Chính quyền Tổng thống Trump chưa công khai nêu lý do tại sao các du học sinh lại bị nhắm đến nhiều hơn những sinh viên khác. Nhưng các luật sư về di trú và chuyên gia chính sách cho biết tất cả đều bắt nguồn từ trọng tâm chiến dịch tranh cử của ông Trump: trục xuất hàng loạt.
Kathleen Bush-Joseph, một luật sư và nhà phân tích chính sách của Chương trình Chính sách Di trú Mỹ tại Viện Chính sách Di trú, cho biết đây là một ví dụ về cách tiếp cận triệt để của chính quyền đối với chiến lược di trú đó.
“Chúng ta đang chứng kiến Bộ Ngoại giao đang nỗ lực hủy thị thực của nhiều sinh viên và những hành động đó được thực hiện phối hợp với Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chịu trách nhiệm truy tố các vụ trục xuất này tại tòa án”, ông Bush-Joseph cho biết.
Trong trường hợp của Öztürk và các sinh viên khác bị bắt những tuần gần đây, chính quyền đã trích dẫn một điều khoản hiếm khi được sử dụng của Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1952. Điều khoản này cho phép bộ trưởng ngoại giao trục xuất những người không phải công dân nếu bộ trưởng xác định sự hiện diện của họ ở quốc gia này sẽ dẫn đến “hậu quả chính sách đối ngoại bất lợi nghiêm trọng đối với Mỹ”.
Bà Elora Mukherjee, Giám đốc Phòng tư vấn Quyền của Người nhập cư tại Trường Luật Columbia, nhận định, đây cũng là nỗ lực của chính phủ nhằm gửi đi "thông điệp rõ ràng về những người không được chào đón tại Mỹ", đặc biệt là vì hầu hết du học sinh bị nhắm đến dường như không phải người da trắng. "Chính sách nhập cư của Mỹ dường như đang bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc da trắng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngay lúc này", bà Mukherjee nói.
Sinh viên có quyền hợp pháp gì?
NBC News cho biết, hiện đã có nhiều sinh viên đệ đơn kiện chính phủ liên quan đến các quyết định thu hồi visa.
Phía chính phủ khẳng định họ có quyền thu hồi visa vì nhiều lý do, bao gồm cả các hành vi vi phạm như lái xe khi say rượu hoặc các tội danh liên quan. Ngoài ra, visa cũng có thể bị thu hồi vì lý do an ninh quốc gia, tùy theo quyết định của Bộ Ngoại giao.
"Xét đến thực tế rằng nhánh hành pháp có quyền quyết định rất rộng trong nhiều trường hợp, việc xác định chính xác chuyện gì đang xảy ra trong từng trường hợp cụ thể là điều vô cùng khó khăn”, ông Bush-Joseph cho biết và giải thích: “Chỉ cần một ví dụ đơn giản: đối với thẻ xanh, một người có thể đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện nhưng vẫn bị từ chối chỉ vì lý do thuộc phạm vi quyền tùy ý của chính phủ".
Thông thường, sinh viên không thể kháng cáo việc thu hồi thị thực. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nộp đơn xin lại thị thực. Và họ vẫn có các quyền khác, bao gồm khả năng ở lại Mỹ, miễn là họ không chủ động rời đi và xin nhập cảnh trở lại.
Bà Mukherjee lưu ý rằng, nhiều điều khoản của Hiến pháp Mỹ bảo vệ tất cả mọi người, bất kể tình trạng của họ. Và điều đó có nghĩa là các sinh viên vẫn có quyền tự vệ theo đúng thủ tục tố tụng và không thể bị trục xuất nếu không có quyền này.
Tòa án Tối cao Mỹ đã khẳng định điều đó vào ngày 14/4 trong phán quyết của mình về việc chính quyền Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật Kẻ thù Ngoại bang để trục xuất người di cư. Tòa án phán quyết rằng mọi người có quyền phản đối việc sử dụng đạo luật này và nên được trao thời gian để phản đối hành động giam giữ họ trước khi họ bị đưa ra khỏi Mỹ.