Tại sao Hồng quân quyết chiến bảo vệ thành phố Stalingrad trong vòng vây của quân phát xít?

Kết cục của Thế chiến II đã được định đoạt trong trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại tại thành phố bên sông Don là Stalingrad. Trận chiến đã khiến phát xít Đức mất hoàn toàn thế chủ động trên chiến trường phía Đông và dần dần diệt vong.

Stalingrad và bước ngoặt của Thế chiến II

Việc bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân số 6 của Thống chế Friedrich Paulus và một phần Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Hermann Hoth ở Stalingrad là đòn đánh hạ gục nhằm vào quân phát xít. Phe phát xít mất khoảng 330.000 binh sĩ, trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn từ các chiến dịch ở Ba Lan và Pháp. Tổn thất nặng nề còn khiến phòng tuyến của quân phát xít sụp đổ và ngay lập tức Hồng quân tận dụng cơ hội để đánh bại kẻ thù.

“Chiến thắng của quân đội chúng ta tại Stalingrad đánh dấu bước ngoặt triệt để trong cuộc chiến với phần lợi thế nghiêng về phía Liên Xô và bắt đầu quá trình đẩy lui hoàn toàn quân địch khỏi lãnh thổ của chúng ta. Kể từ thời điểm đó, Bộ chỉ huy Tối cao Liên Xô đã hoàn toàn nắm giữ thế chủ động chiến lược và giữ vững cho đến tận cuối chiến tranh”, Nguyên soái Georgy Zhukov đã viết trong “Hồi ký và suy ngẫm”.

Chiến sĩ Hồng quân chiến đấu trong những trận chiến đô thị đẫm máu bảo vệ Stalingrad. Ảnh: Sputnik

Chiến sĩ Hồng quân chiến đấu trong những trận chiến đô thị đẫm máu bảo vệ Stalingrad. Ảnh: Sputnik

Tiến hành thành công nhiều chiến dịch tấn công liên tiếp, Hồng quân đã giải phóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam đất nước. Không giống như cuộc phản công gần Moscow năm 1941, cuộc tấn công này không nhằm bẻ gãy đòn tấn công của phe phát xít mà thay vào đó bao vây và tiêu diệt lực lượng của chúng bằng những hành động kiên quyết và táo bạo.

Hồng quân sau đó đã tấn công mạnh mẽ về phía Tây, đe dọa cắt đứt Cụm tập đoàn quân A của Tướng Ewald von Kleist đang hướng về Kavkaz. Phát xít Đức bắt đầu rút lui vội vã về hướng Crimea, và Hitler phải vĩnh viễn nói lời tạm biệt với giấc mơ chiếm giữ các mỏ dầu giàu có ở Baku, Grozny và Maikop.

Tận dụng tình hình, vào ngày 18-1-1943, trong Chiến dịch Iskra, Hồng quân đã phá vỡ vòng vây phong tỏa Leningrad. Thành phố đã sống sót sau nạn đói khủng khiếp và bắt đầu nhận nguồn nhu yếu phẩm trực tiếp. Tuy nhiên, những nỗ lực tấn công tiếp theo của Hồng quân không thu được kết quả đáng kể.

Do tình hình chiến lược bất lợi, phát xít Đức buộc phải bỏ mấu lồi Rzhev-Vyazma vào tháng 3-1943, nơi chỉ cách Moscow 200km. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ đô Liên Xô đã an toàn trước quân phát xít.

Quân đội Liên Xô tấn công đến sông Dnieper nhanh nhất có thể. Tuy nhiên tình hình giằng co trên mặt trận đã khiến hình thành vòng cung Kursk để khởi động cho trận chiến lớn tại đây vào mùa hè 1943 và là bước ngoặt trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Stalingrad là khởi đầu cho thất bại của phe Trục

Thất bại ở Stalingrad đã làm suy yếu tinh thần của binh lính phát xít Đức. Trong lịch sử, phe phát xít chưa bao giờ phải chịu một thảm họa như vậy. Lần đầu tiên trong suốt thời kỳ Thế chiến II, phát xít Đức đã buộc phải công bố quốc tang trong 3 ngày.

Trong xã hội Đức, số người nghi ngờ chiến thắng của Adolf Hitler bắt đầu tăng lên. “Những mục tiêu khổng lồ và những nhóm lính thảm hại mất tích ở tiền tuyến hoặc hậu phương. Hitler chỉ đơn giản là đã đi quá xa. Những thành công ban đầu có ích gì cho chúng ta nếu chúng ta không thể giữ được những gì đã chiếm được? Và ở đây câu hỏi chính nảy sinh: Có cần thiết phải bắt đầu chiến tranh không?”, sĩ quan phát xít Helmut Welz viết trong hồi ký cá nhân.

Thất bại của Tập đoàn quân số 3 và số 4 phe Trục chịu trách nhiệm bảo vệ hai bên sườn cho Tập đoàn quân số 6 của Thống chế Paulus, cũng gây hoang mang trong các đồng minh của Đức. Các đơn vị của Romania chịu đựng phần lớn các cuộc tấn công của Hồng quân trong Chiến dịch Sao Thiên Vương. Chiến dịch quy mô này đã khiến 158.000 binh sĩ Romania thiệt mạng và ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản chiến.

Phát xít Đức và phe Trục chịu những tổn thất nặng nề trong trận chiến tại Stalingrad. Ảnh: TASS

Phát xít Đức và phe Trục chịu những tổn thất nặng nề trong trận chiến tại Stalingrad. Ảnh: TASS

Ngay sau khi phát xít Đức bao vây Stalingrad, Hồng quân đã đánh bại hoàn toàn Tập đoàn quân số 8 của Italia đóng tại Don và buộc Mussolini phải vội vã sơ tán các đơn vị Italy về nước. Thảm họa xảy ra với phát xít Italy ở Liên Xô đã trở thành một trong những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mussolini vào ngày 25-7-1943.

Bước ngoặt của cuộc chiến cũng được cảm nhận ở Helsinki. Mặc dù vị trí của quân đội Phần Lan tại các vùng lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng vẫn còn khá mạnh, nhưng Helsinki bắt đầu thận trọng tìm cách ký một thỏa thuận hòa bình riêng. “Chúng tôi đã đi đến quan điểm nhất trí rằng chiến tranh thế giới phải được coi là đã đạt đến một bước ngoặt quyết định và Phần Lan ngay khi có cơ hội thích hợp phải cố gắng tìm cách thoát khỏi chiến tranh”, Tổng tư lệnh Quân đội Phần Lan, Carl Gustaf Mannerheim viết trong hồi ký cá nhân.

Thảm họa Stalingrad đã khiến trùm phát xít Hitler mất đi hai đồng minh tiềm năng quan trọng. Nhật Bản đã gác lại kế hoạch Kantokuen nhằm tấn công Viễn Đông của Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia phe Trục.

Trận chiến giúp mở mặt trận chống phát xít ở phía Tây

Trung sĩ Pyotr Altukhov, người có mặt tại lễ đầu hàng của Thống chế Friedrich Paulus vào ngày 31-1-1943, nhớ lại: “Vào buổi sáng giá lạnh đó ở Stalingrad, tất cả những người lính Hồng quân và phần lớn những người lính Đức đều nhận ra rằng đây chính là khởi đầu cho sự kết thúc của phe phát xít và là khởi đầu cho chiến thắng của chúng ta”.

Stalingrad trở thành chiến thắng về mặt tinh thần quan trọng nhất của Hồng quân. Huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Đức, vốn đã bị lung lay sau Trận chiến Moscow, đã bị đập tan. Hồng quân bắt đầu có động lực hơn, có tổ chức hơn, tập trung hơn và tự tin hơn vào chiến thắng, trong khi số lượng “các trường hợp phản quốc, hèn nhát và hoảng loạn” giảm mạnh.

Chiến thắng tại Stalingrad đã giúp Hồng quân có tự tin và sĩ khí đánh bại phe phát xít, cũng như đánh đổ danh tiếng bất khả chiến bại của phát xít Đức. Ảnh: TASS

Chiến thắng tại Stalingrad đã giúp Hồng quân có tự tin và sĩ khí đánh bại phe phát xít, cũng như đánh đổ danh tiếng bất khả chiến bại của phát xít Đức. Ảnh: TASS

Phương Tây vô cùng ngạc nhiên trước chiến thắng của Hồng quân và lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo các nước đồng minh đã đổ về Điện Kremlin. Tại Hội nghị Tehran vào cuối năm 1943, Thủ tướng Winston Churchill đã trao tặng phái đoàn Liên Xô Thanh kiếm Stalingrad, trên lưỡi kiếm có khắc dòng chữ tiếng Nga và tiếng Anh: “Gửi tặng công dân Stalingrad mạnh mẽ như thép, từ Vua George VI như một dấu hiệu cho sự ngưỡng mộ sâu sắc của nhân dân Anh”.

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã gửi một chứng nhận danh dự tới Stalingrad "để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng tôi đối với những người bảo vệ quả cảm, những người có lòng dũng cảm, sự kiên cường và lòng vị tha trong cuộc bao vây từ ngày 13-9-1942 đến ngày 31-1-1943, sẽ mãi mãi truyền cảm hứng cho trái tim của tất cả những người tự do. Chiến thắng vẻ vang của họ đã ngăn chặn làn sóng xâm lược và trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến của các quốc gia đồng minh chống lại các thế lực phát xít xâm lược”.

Tin tức về thất bại của quân đội Paulus được chào đón nồng nhiệt ở các quốc gia châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng và thực sự đã thổi luồng gió mới vào phong trào chống phát xít.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/tai-sao-hong-quan-quyet-chien-bao-ve-thanh-pho-stalingrad-trong-vong-vay-cua-quan-phat-xit-824350
Zalo