Tỷ giá quay đầu trước kỳ vọng thỏa thuận thương mại
Sau giai đoạn tăng nóng trong tháng 4-2025, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã điều chỉnh giảm trở lại từ đầu tháng 5-2025 đến nay, trên cả thị trường chính thức lẫn không chính thức. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng tỷ giá trong thời gian qua?

Tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ngày 28-4-2025 đã lên 24.960 đồng/đô la, tăng trên 2,5% so với đầu năm 2025. Ảnh: T.L
Tỷ giá quay đầu
Hai ngày cuối tuần trước (ngày 15 và 16-5-2025), giá đô la Mỹ trên thị trường không chính thức quay đầu giảm 130 đồng, kéo giá mua bán về lần lượt ở mức 26.320-26.420 đồng/đô la. Giá giao dịch tại các ngân hàng cũng giảm nhẹ 30-40 đồng trong tuần trước, xuống tương ứng 25.750-26.110 đồng/đô la. Tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng cũng điều chỉnh giảm nhẹ 13 đồng trong tuần trước.
Nhìn lại thời gian qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt sắc thuế gây sốc trên khắp các thị trường vào đầu tháng 4-2025, chỉ số USD Index đã rớt một mạch từ vùng trên 104 điểm về tận vùng 98 điểm, trước khi phục hồi nhẹ lên lại vùng 100 điểm như hiện nay.
Ngược lại, giá đô la Mỹ trong nước giai đoạn đó lại không ngừng leo thang. Trong khi tỷ giá trung tâm tăng 119 đồng trong tháng 4, giá giao dịch tại các ngân hàng tăng vọt 440 đồng, tại thị trường không chính thức tăng xấp xỉ 600 đồng. Đặc biệt, mức tăng tập trung vào những ngày đầu tháng 4 sau khi ông Trump công bố đánh thuế, khiến giới đầu tư lo ngại hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ trong nước cho giai đoạn kế tiếp.
Việc tỷ giá quay đầu đi xuống trong hơn một tuần qua phản ánh tâm lý thị trường đã ổn định trở lại, cho thấy nỗi e sợ về các sắc thuế dường như đã bị thổi phồng lên quá mức. Kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sớm được thông qua cũng giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn, nhất là khi nhìn vào diễn biến thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc tỷ giá tăng trong thời điểm đó đến từ phản ứng lo sợ của các nhà đầu tư nhiều hơn, còn xét về tổng thể cung cầu ngoại tệ thời gian qua vẫn khá ổn định. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 vẫn đạt thặng dư 0,58 tỉ đô la Mỹ, nâng xuất siêu lũy kế bốn tháng đầu năm 2025 lên 3,79 tỉ đô la Mỹ. Dù vậy, con số này sụt giảm so với mức xuất siêu lên đến 9,06 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm trước.
Ở hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30-4-2025 (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 13,82 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỉ đô la Mỹ, tiếp tục tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động du lịch cũng là nguồn đóng góp ngoại tệ không nhỏ. Trong tháng 4, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 1,65 triệu lượt người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động kiều hối, tổng lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong quí 1-2025 đạt 2,412 tỉ đô la Mỹ, bằng 25,3% so với cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quí trước.
Việc tỷ giá quay đầu đi xuống trong hơn một tuần qua phản ánh tâm lý thị trường đã ổn định trở lại, cho thấy nỗi e sợ về các sắc thuế dường như đã bị thổi phồng lên quá mức. Kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sớm được thông qua cũng giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn, nhất là khi nhìn vào diễn biến thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kỳ vọng thỏa thuận thương mại
Ngày 11-5-2025, Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva, Thụy Sỹ nhằm giải quyết những bất đồng về thương mại và thuế quan. Kết quả công bố sau cuộc họp cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất tạm hoãn một phần thuế đối ứng trong 90 ngày, đồng thời giảm đáng kể tổng thuế nhập khẩu.
Theo đó, mức thuế cơ bản 10% vẫn giữ nguyên; thuế 20% áp lên Trung Quốc do liên quan đến hoạt động buôn bán fentanyl vào Mỹ, áp dụng trước đó, cũng được giữ lại. Tuy nhiên, các mức thuế mới tuyên bố gần nhất sẽ được tạm hoãn. Như vậy, tổng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc sẽ tạm thời giảm từ 145% về 30%. Ngược lại Trung Quốc cũng sẽ bỏ một số mức thuế trả đũa thuế đối ứng của Mỹ, vì thế thuế áp với hàng hóa Mỹ cũng sẽ tạm thời giảm từ 125% về 10%.
Theo dự báo của giới quan sát, thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc năm nay có thể sẽ giữ ở mức 30% cho tới cuối năm. Tuy nhiên, dù đã giảm nhiều từ con số 145% trước khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa hoãn, mức thuế này đủ để “xóa sổ” 70% xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ trong trung hạn, theo đánh giá của Bloomberg Economics.
Bên cạnh đó, tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ được kỳ vọng sẽ duy trì gần mức 7,2 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ cho tới cuối năm nay. Hiện tại, những đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ phá giá nhân dân tệ đã lắng xuống, và Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ ngăn sự ra vào quá mức của các dòng vốn, nên tỷ giá đồng tiền này có thể sẽ ổn định hơn. Việc nhân dân tệ ổn định hơn cũng giúp giảm áp lực mất giá lên tiền đồng, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên mỗi khi quốc gia này có động thái giảm giá tiền tệ, tiền đồng cũng chịu ảnh hưởng mất giá theo.
Việc Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận tạm hoãn các sắc thuế đối ứng đưa đến hy vọng Việt Nam cũng sẽ có những bước đàm phán thành công tương tự trong giai đoạn tới. Chưa đến một tuần sau cuộc đàm phán Mỹ - Trung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã có phiên đàm phán trực tiếp cấp bộ trưởng với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer vào ngày 16-5 về Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước.
Đây là phiên đàm phán cấp bộ trưởng trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ kể từ sau phiên đàm phán trực tuyến ngày 12-4 nhằm thực hiện việc đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng Việt Nam - Mỹ theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chia sẻ tại cuộc đàm phán, ông Jamieson Greer đánh giá cao thiện chí và sự chủ động của Việt Nam trong việc chuẩn bị cho việc đàm phán giữa hai bên và cơ bản đồng tình với cách tiếp cận và những đề xuất của Việt Nam.
Ông Jamieson Greer cũng bày tỏ hy vọng, với sự nỗ lực của cả Mỹ và Việt Nam, cuộc đàm phán cấp kỹ thuật trong những ngày tới đây sẽ đạt kết quả tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững quan hệ thương mại song phương và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã có những hành động mở đường cho hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn, thể hiện qua con số 1,57 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong tháng 4-2025, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 5,66 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng siết chặt việc quản lý đối với hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam nhằm né tránh mức thuế quan cao từ Mỹ. Tổng cục Hải quan cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chống hàng giả từ nước ngoài và xử lý nghiêm các biện pháp gian lận xuất xứ hàng hóa.
Ngày 17-5-2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Bên cạnh bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, động thái này còn nhằm đáp ứng các đòi hỏi mà Mỹ đưa ra đối với Việt Nam liên quan đến việc chống gian lận thương mại.