Trưởng Ban kiểm soát VNDirect xin từ nhiệm
Bà Hoàng Thúy Nga gắn bó với CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND) từ những ngày đầu thành lập vừa nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng Ban kiểm soát.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 22/5 công bố thông tin bất thường của CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND). Theo đó, vào ngày 21/5/2025, VNDirect đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của bà Hoàng Thúy Nga.

Bà Hoàng Thúy Nga xin từ nhiệm Trưởng Ban kiểm soát VNDirect. Ảnh VND.
Bà Hoàng Thúy Nga (sinh năm 1977) là cử nhân ngành tài chính ngân hàng – Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Nga gắn bó với VNDirect từ những ngày đầu thành lập (năm 2007), đảm nhiệm các vị trí như trợ lý tổng giám đốc, trợ lý chủ tịch HĐQT. Vào năm 2012, bà trở thành Trưởng Ban kiểm soát VNDirect và đảm nhận vị trí này từ đấy đến nay.
Bà Hoàng Thúy Nga từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của VNDirect, dự kiến tổ chức ngày 28/5 tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn Việt Nam, số 1A Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Sau đơn từ nhiệm của bà Hoàng Thúy Nga, Ban kiểm soát của VNDirect hiện còn hai thành viên là bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Huỳnh Thanh Bình Minh. Doanh nghiệp chứng khoán này sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát để thay thế bà Hoàng Thúy Nga tại đại hội thường niên năm 2025.
Tại đại hội lần này, VNDirect trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu đạt 4.412 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả năm 2024. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 10% và 7% lên 2.300 tỷ đồng và 1.840 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, VNDirect ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong quý I/2025 là 1.258 tỷ đồng, giảm 9%. Động lực chính khiến doanh thu co lại là sự sụt giảm 41% của mảng môi giới, vốn chịu ảnh hưởng từ thanh khoản thị trường đi xuống. Thị phần môi giới của VNDirect có cải thiện so với quý trước, song vẫn chưa thoát xu hướng giảm từ quý III/2023 đến nay.
Ở mảng tự doanh, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 9%, đạt 722 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại tăng gần 50%, lên 451 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí liên quan đến hoạt động tự doanh phình to, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Ngược lại, chi phí môi giới giảm 30%, về 100 tỷ đồng, phù hợp với đà đi xuống của mảng môi giới trong quý đầu năm.
VNDirect ghi nhận lợi nhuận đã thực hiện 511 tỷ đồng, và lỗ chưa thực hiện 33 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I, quy mô danh mục tài sản FVTPL đạt gần 26.200 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, VNDirect đang nắm giữ hơn 8.050 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, khoảng 14.700 tỷ đồng trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Một số khoản đầu tư đáng chú ý gồm VPB, STB và CTG, trong đó STB đang mang lại lãi, còn VPB và CTG hiện thấp hơn giá vốn.
Công ty cho biết đã thực hiện bán ra một số khoản đầu tư trong kỳ, chủ yếu là trái phiếu, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 90.000 tỷ đồng. Hoạt động này mang lại lãi ròng 280 tỷ đồng, một phần quan trọng trong đóng góp lợi nhuận của quý I.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.