Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hạn chế đi qua các khu vực 'nhạy cảm'

Theo Phó BQL kết cấu hạ tầng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) Hoàng Anh Dũng, tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu, lựa chọn 'ngắn nhất có thể', hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng…

Ngày 15/2, tại hội thảo “Công nghệ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC)” do trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chủ trì cùng Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức, Phó BQL kết cấu hạ tầng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) Hoàng Anh Dũng cho biết trong 18 năm qua, dự án đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Anh Dũng thôngg tin về dự án đường sắt tốc độ cao tại hội thảo.

Ông Hoàng Anh Dũng thôngg tin về dự án đường sắt tốc độ cao tại hội thảo.

Tổ chức đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm, khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống ĐSTĐC phát triển để hoàn thiện dự án theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Tháng 11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

Theo đó, tuyến ĐSTĐC bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, TP với chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng.

ĐSTĐCC vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Ông Hoàng Anh Dũng cho biết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất cho dự án khoảng 11.000ha. Hướng tuyến ĐSTĐC được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể” với 3 loại kết cấu chính bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương, gồm tuyến 449Km (30%); cầu 938Km (60%); hầm 154Km (10%).

Hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 1.700.000 tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD) từ nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Tính toán sơ bộ cho thấy trong 4 năm đầu khai thác, nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, tương tự như hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay. Dự kiến hoàn vốn trong khoảng 34 năm. Tuyến ĐSTĐC tạo thêm một trục dọc để cơ động tác chiến bảo đảm quốc phòng, an ninh trong trường hợp có tình huống khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Ông Hoàng Anh Dũng cũng cho biết, để sớm hoàn thành như tiến độ dự kiến, dự án đề xuất 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đồng thời đề xuất bố trí kinh phí từ dự án đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tuyen-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-han-che-di-qua-cac-khu-vuc-nhay-cam/20250215011017555
Zalo