Tương lai u ám của New Zealand trong cơn khủng hoảng di cư
Làn sóng di cư rời New Zealand, chủ yếu do kinh tế suy yếu, đang làm dấy lên lo ngại về tương lai của đất nước khi nhiều thị trấn nhỏ rơi vào cảnh đìu hiu và dân số già hóa nhanh chóng, theo The Guardian

Gia đình Harriet chuẩn bị chuyển đến Australia. Ảnh: Derek Morrison/The Guardian
Rời bỏ nơi từng gọi là “nhà”
Harriet Baker, 33 tuổi, từng nghĩ cô sẽ sống mãi ở Dunedin, thành phố miền Nam New Zealand. Nhưng chỉ vài tháng trước, cô và chồng đã bán nhà, thu dọn đồ đạc để chuyển đến Tây Australia.
“Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chúng tôi làm việc cật lực mà chẳng tiết kiệm được gì, cảm giác như đang giậm chân tại chỗ,” Harriet chia sẻ.
Tại Australia, chồng cô sẽ làm thợ cơ khí trong mỏ, còn cô ở nhà chăm con nhỏ. Dù thấy tiếc nuối khi phải rời xa quê hương, nhưng cô cho biết thu nhập từ Australia đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của gia đình.
Gia đình Baker là một trong hàng chục ngàn người New Zealand đã rời đi trong hai năm qua. Trong giai đoạn 2023-2024, số lượng người di cư New Zealand đạt kỷ lục với 69.100 người rời đi.
Đây là mức mất mát ròng lớn nhất trong lịch sử. Khoảng 56% trong số họ chọn Australia, nơi có mức lương trung bình cao hơn 26%.
Đáng chú ý, không chỉ thanh niên mà cả những người ở độ tuổi 30–39 và người về hưu cũng rời đi – những nhóm vốn trước đây ít có khả năng di cư lâu dài.
“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trọng lực gia đình, nơi có cha mẹ, con cái sinh sống sẽ trở thành trung tâm mới,” Giáo sư Paul Spoonley từ Đại học Massey nhận định.

Dunedin, New Zealand. Ảnh: Alamy
Các thị trấn nhỏ suy tàn
Tình trạng dân số giảm không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn. Tại Ohakune, một thị trấn trượt tuyết trên đảo Bắc, dân số đã giảm gần 1/3 kể từ năm 1996.
Hai nhà máy địa phương đóng cửa năm 2024 khiến 220 người mất việc. Một số đã ra nước ngoài, số khác vật lộn với các công việc mùa vụ hay lương thấp.
“Chúng tôi đang cố gắng giữ người ở lại, mở các lớp đào tạo kinh doanh, vận động doanh nghiệp du lịch tuyển dân địa phương,” Jude Sinai, người hỗ trợ lao động bị sa thải, cho biết. “Nếu dân số giảm, trường học đóng cửa, giáo viên mất việc, dịch vụ y tế suy giảm, thiệt hại sẽ kéo dài.”
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ đất nước bị “rỗng ruột” về lực lượng lao động. Người ở độ tuổi trung niên – nhóm đảm nhận phần lớn công việc – đang rời đi. Cùng lúc, chính sách nhập cư bị siết chặt, khiến New Zealand càng thiếu lao động lành nghề.

Đường phố vắng vẻ ở Ohakune, New Zealand. Ảnh: Chameleon Pictures/Alamy
Khó khăn bủa vây, tương lai mờ mịt
Khảo sát cho thấy chi phí sinh hoạt, lương thấp, điều kiện việc làm kém và thiếu cơ hội là các nguyên nhân chính khiến người dân bỏ đi.
Waikauri Hirini, từng là nhân viên xã hội ở Te Kuiti, chuyển đến Perth, New Zealand theo gia đình. Với mức lương 48.000 NZD/năm (khoảng 28.000 USD) không tăng suốt nhiều năm và công việc đầy áp lực, cô kiệt sức và quyết định ra đi.
“Tôi muốn con mình lớn lên học tiếng Māori và múa kapa haka, nhưng giờ tôi không biết liệu có thể quay lại không”, cô chia sẻ.
Daniel Reed, kỹ sư đo đạc, cũng đưa cả gia đình đến Townsville, Australia. “Giờ chúng tôi tiết kiệm được 2.000 USD mỗi tháng, sống thoải mái, không còn phải lo từng hóa đơn.” Dù các con vẫn là người New Zealand, nhưng chúng đã thuộc lòng quốc ca Australia.
Chính phủ New Zealand hiện tại cam kết cắt giảm chi tiêu công để giảm nợ, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại điều đó sẽ kìm hãm phục hồi.
Bộ trưởng Tài chính Nicola Willis đã bác bỏ các tuyên bố trước đó, khẳng định rằng Chính phủ sẽ tăng cường chi tiêu tổng thể và tiết kiệm bằng cách cắt giảm các dịch vụ không cần thiết.
Bà cũng nhấn mạnh mong muốn "thấy nhiều người New Zealand chọn ở lại đất nước hơn", cho rằng tình trạng thanh niên rời khỏi New Zealand là một thách thức mà có thể được giải quyết thông qua việc phát triển nền kinh tế.