Cô gái bản Thổ bỏ phố về rừng phủ xanh đồi trọc, phát triển nông nghiệp sạch
Bỏ lại phố thị ồn ào, cô gái dân tộc Thổ Nguyễn Lê Ngọc Linh trở về quê, gieo trồng những mầm xanh trên đồi trọc, xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, từng bước hồi sinh đất rừng và cuộc sống người dân quê hương.

Nguyễn Lê Ngọc Linh tạo ra mô hình nông nghiệp sạch ngay trên quê hương mình
Nguyễn Lê Ngọc Linh sinh ra và lớn lên giữa những ngọn đồi của xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, cô chọn cho mình một công việc ổn định trong lĩnh vực truyền thông.
BỎ PHỐ VỀ RỪNG ĐỂ KHỞI ĐẦU CỦA MỘT TÌNH YÊU, XÂY DỰNG “VƯỜN RỪNG BẢN THỔ”
Cuộc sống đô thị với đủ tiện nghi, thu nhập ổn định tưởng chừng đã là đích đến, nhưng trong lòng Linh luôn có một tiếng gọi khác, tiếng gọi của quê hương, của những cánh rừng ngày càng thưa thớt và những mảnh đất bạc màu.
Năm 2018, quyết định trở về với mảnh đất cằn cỗi, Linh nhận được không ít lời ngăn cản từ gia đình và bạn bè. “Họ bảo tôi điên, rằng ở đó khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, không có tương lai”, Linh nhớ lại.
Nhưng cô gái trẻ vẫn kiên định với ước mơ của mình, phủ xanh lại những quả đồi trọc, tạo ra mô hình nông nghiệp sạch, bền vững để giúp quê hương đổi thay.




Khởi đầu với 3 ha đất đồi do bố mẹ cho mượn, Linh bắt tay vào xây dựng “Vườn rừng bản Thổ”, một khu vườn mô phỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán, đa loài cây.
Những ngày đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ, thiếu thốn, nhưng Linh không ngại khó, không ngại khổ. Cô gái dân tộc Thổ Nguyễn Lê Ngọc Linh tự học qua sách vở, internet, rồi từng bước áp dụng vào thực tế.
Điều đặc biệt ở “Vườn rừng bản Thổ” là sự đa dạng sinh học được giữ gìn và phát triển. Linh trồng xen kẽ các loại cây gỗ bản địa như lim, dẻ, dổi, mắc khén cùng cây ăn quả như bưởi, cam, ổi, mít và các loại cây dược liệu như gừng, nghệ, tỏi tía, chùm ngây...
TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ KHỞI NGHIỆP BỀN VỮNG
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, cô không dùng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu mà tận dụng các phương pháp tự nhiên, giữ lại lớp cỏ và lá rụng phủ đất để giữ ẩm và tạo mùn, dưỡng chất cho đất.
Bên cạnh đó, Linh phát triển nuôi ong mật theo quy trình nuôi rừng, tạo ra mật ong sạch, sản phẩm chủ lực của hợp tác xã. Cô còn tự tay nghiên cứu làm mật ong lên men kết hợp với các loại dược liệu bản địa, tạo ra sản phẩm vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe.
Mỗi ngày, Linh đều trực tiếp chăm sóc vườn rừng, từ việc trồng cây, tưới nước, thu hoạch đến chế biến sản phẩm. Cô chia sẻ: “Mình muốn tạo ra những sản phẩm sạch từ chính mảnh đất quê hương, để người dân không chỉ có rừng xanh mà còn có sinh kế bền vững".




Hiện tại, “Vườn rừng bản Thổ” đã có gần 60 loài cây bản địa cùng nhiều loại cây ăn quả, dược liệu và vật nuôi như gà, ong. Mô hình không chỉ giúp cải tạo đất đai mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ, với mức thu nhập ổn định.
Câu chuyện của Nguyễn Lê Ngọc Linh là minh chứng cho ý chí và niềm tin không bao giờ tắt. Từ một cô gái trẻ với công việc ổn định ở thành phố, Linh đã quyết tâm trở về quê, dù không nhận được sự ủng hộ ban đầu từ gia đình và bạn bè. Cô hiểu rằng bố mẹ đã khổ vì cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên không muốn con vất vả, nhưng chính tình yêu với mảnh đất quê hương và khát vọng hồi sinh những cánh rừng đã thôi thúc cô bước đi trên con đường riêng.
“Từ một đồi rừng lau lách, không điện, không đường, chỉ có một khung nhà sàn dựng lên, mọi thứ đều tự thân vận động, từng ngày từng ngày gom góp mới có được như bây giờ”, Linh chia sẻ.
Những ngày đầu gian khó, cô phải tự học hỏi, tự mày mò từ cách trồng cây, chăm sóc rừng đến chế biến sản phẩm mật ong lên men. Mỗi bước đi đều đầy thử thách nhưng chưa bao giờ Linh muốn buông bỏ hay hối tiếc.




Thành quả hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho sự kiên trì và dám đương đầu với khó khăn của cô gái bản Thổ. Mô hình “Vườn rừng bản Thổ” giúp phủ xanh đất đồi, tạo sinh kế ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
Câu chuyện của Linh đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, nhất là đoàn viên thanh niên địa phương, khích lệ họ dám nghĩ, dám làm, trở về xây dựng quê hương. Anh Lê Văn Hiếu, Bí thư Huyện đoàn Như Xuân, nhận xét: “Ngọc Linh là tấm gương sáng về khởi nghiệp bền vững, mô hình của chị được nhiều người học tập và noi theo”.
Đó là hành trình của một người con dân tộc Thổ, bằng tình yêu và sự bền bỉ, đã góp phần đánh thức những cánh rừng thêm xanh, tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và quê hương.