Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Thầy và trò trường THCS Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ trong giờ học Tiếng Anh.

Thầy và trò trường THCS Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ trong giờ học Tiếng Anh.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng yêu cầu của Bộ Chính trị về nâng cao năng lực ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Mục tiêu xuyên suốt là từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học – một đòi hỏi tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Đổi mới phương pháp, lấy học sinh làm trung tâm

Tại trường THCS Bản Ngoại (huyện Đại Từ), những tiết học tiếng Anh đã trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn với phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm. Không còn dừng lại ở việc học ngữ pháp hay dịch từ vựng, giáo viên tiếng Anh tại trường chủ động lồng ghép các hoạt động giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm vào từng tiết học, tạo cơ hội để học sinh thực hành kỹ năng nghe – nói một cách tự nhiên, hiệu quả.

Ông Vũ Văn Kiên – Hiệu trưởng trường THCS Bản Ngoại cho biết: “Xác định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nhà trường không chỉ chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất mà còn tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Thầy cô thường xuyên được cử tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu, đồng thời được khuyến khích đổi mới phương pháp, thiết kế bài giảng sinh động, gần gũi với học sinh”.

Ngoài giờ học chính khóa, trường còn phối hợp với các trung tâm Anh ngữ tổ chức các hoạt động ngoại khóa như “Ngày hội đọc sách STEM”, thi hùng biện tiếng Anh, câu lạc bộ nói tiếng Anh... góp phần tạo môi trường học ngoại ngữ năng động, tự nhiên.

Cô Nguyễn Thị Thùy Liêm – giáo viên tiếng Anh tại trường THCS Bản Ngoại – là một trong những giáo viên tích cực trong đổi mới dạy học tiếng Anh. Theo cô Liêm, tiếng Anh là môn học đặc thù, đòi hỏi học sinh phải thực sự chủ động trong việc tiếp thu và rèn luyện.

 Học sinh trên địa bàn huyện Đại Từ thuyết trình các sản phẩm STEM bằng Tiếng Anh.

Học sinh trên địa bàn huyện Đại Từ thuyết trình các sản phẩm STEM bằng Tiếng Anh.

“Trong mỗi bài giảng, tôi luôn cố gắng sử dụng hình ảnh minh họa, video, tranh vẽ để học sinh dễ tiếp cận. Tôi tạo không khí lớp học thoải mái, khuyến khích các em giao tiếp tiếng Anh thường xuyên. Với từng đối tượng học sinh, tôi áp dụng phương pháp linh hoạt, vừa động viên, vừa sửa lỗi nhẹ nhàng để các em tự tin hơn trong giao tiếp”, cô Liêm chia sẻ.

Nhà trường cũng tạo điều kiện để giáo viên được trang bị thêm thiết bị hỗ trợ dạy học như loa, máy chiếu, phần mềm tương tác... Đặc biệt, các giáo viên tiếng Anh chủ động sắm sửa, tự thiết kế đồ dùng dạy học, làm phong phú thêm tư liệu phục vụ bài giảng.

Đẩy mạnh các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực tế

Không chỉ chú trọng trong từng tiết học, việc tạo môi trường sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học cũng được các trường học tại Thái Nguyên quan tâm. Tại trường THCS Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ), phong trào học tiếng Anh diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng thực tế.

Hàng năm, trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi nói tiếng Anh, thuyết trình theo chủ đề, hoạt động giao lưu… Qua đó, học sinh có cơ hội rèn luyện sự tự tin, phát âm chuẩn và nâng cao khả năng phản xạ tiếng Anh.

 Phong trào học tiếng Anh diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng thực tế.

Phong trào học tiếng Anh diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng thực tế.

Bà Hà Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng trường THCS Hóa Thượng – cho biết: “Nhà trường xác định việc học tiếng Anh không chỉ để thi, mà còn là công cụ giao tiếp, học tập và hội nhập. Do đó, chúng tôi chú trọng cả về kỹ năng và thái độ học tập, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện”.

Kết quả thực tế đã chứng minh hiệu quả từ sự đầu tư này. Trong Kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện năm học 2024–2025, nhà trường có 12 học sinh đạt giải cao ở khối lớp 6, 7, 8. Một số học sinh đã tham gia thi chứng chỉ IELTS và đạt điểm từ 5.0 đến 6.0 – mức điểm đáng khích lệ đối với lứa tuổi THCS.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư thiết bị dạy học, mở rộng mô hình trường tiên tiến theo định hướng hội nhập.

Việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học không chỉ là mục tiêu dài hạn mà còn là giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

Thực tiễn từ các trường học ở Thái Nguyên cho thấy, với sự chủ động từ cơ sở, sự đồng hành của ngành và sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh – việc học tiếng Anh đang dần trở thành thói quen, nhu cầu và động lực học tập thực chất, hiệu quả.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tung-buoc-dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc-post731750.html
Zalo