Cần giải pháp tổng thể hướng đến 'học để dùng' tiếng Anh thay vì 'học để thi'
Muốn học sinh 'học để dùng' tiếng Anh, phương pháp giảng dạy cần chuyển từ việc dạy nặng về ngữ pháp, từ vựng sang chú trọng kỹ năng giao tiếp, phản xạ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn 2045”.
Trong đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Trước đây, dạy, học ngoại ngữ thường tập trung sâu vào ngữ pháp, từ vựng chưa chú trọng nhiều về giao tiếp. Với Đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn phát triển khả năng giao tiếp của học sinh ở cả trong trường học và ngoài xã hội, tạo nên hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ”.
Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục phổ thông và chuyên gia đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Không nên chỉ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ
Bàn luận về mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Châu Văn Đôn - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Phú Yên cho biết:
"Để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai (ESL - English as a Second Language) trong trường học, phải có sự cải cách mạnh mẽ, sâu rộng, một sự thay đổi về chất. Việc này nên thực hiện có lộ trình với phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành trong xã hội và cần thời gian, không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành được.
Điều dễ thấy là từ trước đến nay, tiếng Anh ở Việt Nam được xem là một ngoại ngữ (EFL - English as a Foreign Language) với các đặc điểm chung là số lượng người giao tiếp được bằng tiếng Anh thường ở mức độ hạn chế, đặc biệt khi ra khỏi môi trường học tập.
Điều này dẫn đến thực trạng là ngay cả đội ngũ giáo viên tiếng Anh, nếu chỉ dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) ở các trường phổ thông, lâu dần sẽ bị “mòn” hoặc “quên” và dẫn đến “mất đi” kỹ năng giao tiếp.
Nhiều trường hợp là giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không thể tham gia thực hiện các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh, học sinh, thậm chí sinh viên cũng vậy.
Thống kê thực tế là hiện nay, khi tốt nghiệp trung học phổ thông, hầu hết học sinh đều trải qua ít nhất 7 năm, thậm chí 10 năm hoặc 12 năm học tiếng Anh nhưng không nhiều em có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh để trao đổi kiến thức, công việc hay các công việc liên quan đến đời sống xã hội.
Thầy Đôn nói: “Theo tôi, để thay đổi bản chất của khái niệm ngoại ngữ, để trở thành ngôn ngữ hai cho tiếng Anh thì ba đề xuất sau đây có thể được xem là tương đối căn bản:
Giải pháp thứ nhất vẫn là giải pháp phát triển nguồn nhân lực đào tạo tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai. Đó chính là các thầy/cô giáo, những người trực tiếp đào tạo, lan tỏa và truyền bá những hạt giống sử dụng được tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai, đặc biệt là đội ngũ có khả năng đáp ứng được các yêu cầu dạy và học tiếng Anh trong môi trường hội nhập quốc tế.
Giải pháp thứ hai là triệt để xóa bỏ phương pháp dạy học tiếng Anh chỉ đơn thuần với các nội dung là dạy và học từ vựng, cấu trúc câu... mà quan trọng nhất là phải hướng đến mục tiêu là phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh, cụ thể là kỹ năng nghe, nói, đọc và viết tiếng Anh.
Giải pháp thứ ba là tạo môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh cả bên trong lẫn bên ngoài môi trường học tập. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần kết nối internet tốt, chúng ta có thể “đem cả thế giới bên ngoài vào trong lớp học”.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp cận hoặc chuẩn hóa các phương pháp kiểm tra đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong thi theo các bài thi năng lực thông thạo tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC bốn kỹ năng... để khuyến khích cả người học lẫn người dạy phát triển động lực và nhu cầu sử dụng tiếng Anh".
Xây dựng hệ sinh thái ngoại ngữ là vấn đề then chốt
Đi sâu vào vấn đề khuyến khích người học sử dụng tiếng Anh, thầy Phạm Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu Học Pétrus Ký (Bình Dương) cho biết: "Chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là định hướng chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việc sử dụng tiếng Anh thành thạo không chỉ giúp học sinh Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn tri thức mà còn mở rộng cơ hội nghề nghiệp, giao lưu văn hóa trong khu vực và trên thế giới.
Tại Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký, chúng tôi có nhiều các hoạt động nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, việc này đã và đang được triển khai đồng bộ ở các lớp, các cấp học.
Cụ thể, tổ chức Câu lạc bộ tiếng Anh định kỳ nhằm tạo môi trường thực hành giao tiếp; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông qua các nền tảng như Quizizz, Wordwall, Duolingo, Learning Apps, giúp học sinh tự học hiệu quả; Phối hợp với trung tâm ngoại ngữ Pétrus Ký mời giáo viên bản ngữ tham gia các buổi dạy trải nghiệm.
Kết quả cho thấy, học sinh của trường tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh, nhiều em có tiến bộ rõ rệt về phát âm và phản xạ ngôn ngữ. Khó khăn hiện nay của nhà trường là sự chênh lệch trình độ giữa các học sinh và thiếu giáo viên đạt chuẩn quốc tế".
Đề cập đến việc xây dựng hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ, vị hiệu trưởng bày tỏ, hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ đóng vai trò then chốt trong quá trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Đây là nền tảng để duy trì môi trường học và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, liên tục.
Ngoài ra, thầy Nam cho rằng, trong việc xây dựng chính sách, hỗ trợ các trường trong phát triển hệ sinh thái ngoại ngữ, nếu được tạo điều kiện cho các trường hợp tác quốc tế, tổ chức các hoạt động giao lưu, học bổng tiếng Anh hiệu quả sẽ cao hơn.

Học sinh Trường Trung-Tiểu học Pétrus Ký tham gia các hoạt động ngoại khóa về tiếng Anh. Ảnh: NTCC.
Dưới góc nhìn của cô Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc xây dựng đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là một bước chuyển mình trong tư duy giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam.
Việc coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đồng nghĩa với việc xây dựng môi trường giáo dục trong đó tiếng Anh được dùng như công cụ giao tiếp, học tập và tư duy và là bước tiếp cận đến việc đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng thế hệ công dân toàn cầu.
Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đang triển khai đề án xây dựng môi trường ESL với nhiều hoạt động như: Xây dựng chương trình học tập các môn học bằng tiếng Anh; đổi mới phương pháp dạy học và nội dung chương trình môn Tiếng Anh; tăng cường hoạt động đọc sách tiếng Anh và học văn học Anh; mô hình lớp học nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ giáo viên; các sự kiện song ngữ; tăng cường giao tiếp bằng tiếng Anh trong sinh hoạt học đường...
Các hoạt động này góp phần giúc học sinh tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh và coi đây là phương tiện để biểu đạt thay vì chỉ là môn học.
Bên cạnh đó, cô Trang khẳng định: "Xây dựng hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ là yếu tố sống còn để triển khai hiệu quả mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Hệ sinh thái này bao gồm chương trình học, phương pháp giảng dạy, học liệu, môi trường sử dụng ngôn ngữ và đặc biệt là con người – từ giáo viên, học sinh đến cán bộ quản lý.
Nếu chỉ dừng lại ở việc tăng tiết học hay thi cử, học sinh sẽ không hình thành được thói quen sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên.
Tôi kiến nghị, nên ban hành chính sách hỗ trợ các trường trong việc xây dựng môi trường song ngữ: từ tài liệu, trang thiết bị, đào tạo giáo viên đến các hoạt động giao lưu.
Yếu tố then chốt để xây dựng một hệ sinh thái ngoại ngữ bền vững chính là sự đồng thuận và vào cuộc đồng bộ từ phía các “stakeholders” – có thể gọi là các bên liên quan nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng giáo viên tiếng Anh mà cần có sự liên kết của cả hệ thống giáo dục trong và ngoài lớp học".

Cô Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.
Tạo môi trường ngôn ngữ sinh động, thân thiện với người học
Theo thầy Nam, để học sinh học tiếng Anh không chỉ nhằm vượt qua kỳ thi mà còn sử dụng trong thực tiễn, cần tạo môi trường ngôn ngữ sinh động, gần gũi và gắn với cuộc sống hằng ngày.
Một số giải pháp đã được áp dụng hiệu quả tại Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký là tổ chức các chuyên đề, dự án học tập bằng tiếng Anh như “Học sinh làm hướng dẫn viên”, “Giới thiệu: Lớp tôi và những người bạn”... tổ chức cuộc thi “Save your precious moments – Lưu giữ khoảnh khắc, bắt trọn cảm xúc” từng năm học.
Hình thành thói quen sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học thông qua hoạt động như “Bản tin tiếng Anh”, “Góc tiếng Anh mỗi ngày”, nơi học sinh chia sẻ câu chuyện, tin tức ngắn bằng tiếng Anh.
Phát động phong trào “Một ngày – một câu tiếng Anh”, “Học tiếng Anh qua bài hát”, giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên, không áp lực. Tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ, đố vui bằng tiếng Anh.
Chiến lược của nhà trường là xây dựng văn hóa sử dụng tiếng Anh trong sinh hoạt và giao tiếp, từ đó hình thành kỹ năng và thói quen học để dùng, thay vì học để kiểm tra, thi cử.

Thầy Phạm Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) (thứ ba từ trái sang). Ảnh: NVCC.
Thầy Nam khẳng định: “Muốn học sinh “học để dùng” tiếng Anh, phương pháp giảng dạy cần chuyển từ việc dạy nặng về ngữ pháp – từ vựng sang chú trọng kỹ năng giao tiếp, phản xạ và hiểu ngôn ngữ trong ngữ cảnh".
Giáo viên tiếng Anh tại Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký đã áp dụng phương pháp Communicative Language Teaching (CLT), kết hợp với học theo dự án (Project-Based Learning) để tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế.

Học sinh Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh. Ảnh: NTCC.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ nhà trường, cô Nguyễn Huyền Trang cho hay: "Để học sinh không chỉ học để thi mà có thể học để sử dụng tiếng Anh, nhà trường tâp trung xây dựng môi trường giao tiếp thường nhật bằng tiếng Anh.
Từ trước đến nay, chúng tôi đều quy định giáo viên tiếng Anh với học sinh sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau kể cả ngoài lớp học. Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến khích các thầy cô giáo các môn học khác sử dụng những câu chào hỏi đơn giản, các câu yêu cầu đơn giản trong lớp học cho học sinh.
Mức độ “nhúng” tiếng Anh tuy có khác nhau tại các môn học, ví dụ như môn Lịch sử - Địa lý sử dụng biểu đồ bằng tiếng Anh, Nghệ thuật sử dụng bảng màu có chú thích tiếng Anh hay các giờ Khoa học sử dụng các khái niệm đơn giản bằng tiếng Anh, thuyết trình bằng tiếng Anh…
Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng tới các hoạt động ngoại khóa như các cuộc thi vẽ tranh, đặt tên cho ảnh… bằng tiếng Anh. Nhà trường không bắt buộc mà tạo cơ hội để tiếng Anh trở thành một phần đời sống học đường".
Theo cô Trang, học sinh chỉ có thể áp dụng các kiến thức đã học khi các em được học tiếng Anh trong môi trường có tình huống thực tiễn. Điều đó đòi hỏi giáo viên cần đổi mới phương pháp, tăng cường hoạt động nhóm, giao nhiệm vụ, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh để hoàn thành nhiệm vụ thay vì chỉ làm bài tập ngữ pháp.
Phương pháp giảng dạy tiếng Anh cần chuyển từ việc truyền thụ kiến thức ngôn ngữ sang phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ. Tại Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo viên được khuyến khích sử dụng phương pháp học theo dự án (Project-based learning), học theo chủ đề tích hợp (Theme-based learning), và phương pháp CLIL (Content and Language Integrated Learning).
"Chúng tôi khích lệ giáo viên dùng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khác để tạo sự tiếp xúc ngôn ngữ đa dạng, từ tự nhiên. Việc tổ chức các cuộc thi như Fun Fact festival (thi thuyết trình), hay việc đưa các tác phẩm văn học bằng tiếng Anh vào giờ học Language Arts cũng tạo điều kiện để tiếng Anh thật sự sống động và gắn liền với cảm xúc, trải nghiệm của học sinh.
Trong quá trình xây dựng môi trường ESL tại nhà trường, chúng tôi quan tâm đồng đều đến chương trình, học liệu và đội ngũ. Về học liệu, nhà trường xây dựng các bộ từ vựng theo môn học, thiết kế tài liệu hỗ trợ giáo viên bộ môn lồng ghép tiếng Anh.
Về chương trình, chúng tôi tổ chức các hoạt động tăng cường như ngày hội học thuật song ngữ, góc trưng bày sản phẩm học sinh bằng tiếng Anh, các hoạt động trải nghiệm tại nước ngoài, giao lưu quốc tế.
Về đội ngũ, chúng tôi khảo sát năng lực và chia nhóm giáo viên để hỗ trợ tập huấn, xây dựng cộng đồng học tập nội bộ về ứng dụng tiếng Anh trong môn học, tổ chức các lớp học “bình dân học vụ” cho giáo viên để giáo viên tiếng Anh dạy tiếng Anh cho các giáo viên khác, tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.
Một kinh nghiệm hữu ích là thiết kế các “tình huống nhỏ” – ví dụ: bảng chỉ dẫn, khẩu hiệu, biển hiệu trong trường được chuyển đổi song ngữ giúp học sinh làm quen dần với môi trường tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Chúng tôi tin rằng, nếu mỗi trường học tạo được một môi trường cởi mở, thân thiện và có lộ trình rõ ràng, thì việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai sẽ không còn xa vời mà trở thành hiện thực phù hợp với điều kiện giáo dục tại Việt Nam" - cô Trang chia sẻ.