Thư gửi Bác nhân ngày sinh nhật: Thanh niên tâm sự thời đại số
Tháng Năm về, nhiều sinh viên lặng lẽ viết thư gửi Bác Hồ như một cách tri ân giản dị mà sâu sắc. Giữa những dòng chữ mộc mạc là khát vọng sống tử tế, cống hiến và giữ trọn lý tưởng mà Bác từng gửi gắm.

“Em viết thư gửi Bác không bằng giấy mực, mà bằng chính cuộc sống tử tế mỗi ngày,” Ái Linh trả lời.
“Em không mong làm điều gì vĩ đại. Chỉ mong trở thành một cô giáo sống tử tế, dạy học trò sống nhân hậu, viết đúng, nghĩ đúng.” Linh tâm sự. Em thấm thía rằng, giữa thế giới số với quá nhiều cám dỗ dễ dãi, giữ được lòng yêu nghề và lòng chân thành với học sinh là điều không dễ nhưng rất đáng để theo đuổi.
Từ những ngày đi tình nguyện mùa dịch, đến lớp học vùng cao thiếu thốn, đến việc đọc thêm một trang sách mỗi tối, Linh gọi đó là “những hành động nhỏ, nhưng là cách viết tiếp lá thư gửi Bác bằng chính cuộc đời mình.”
Ngô Trí Hùng – Một kỹ sư trẻ và câu hỏi: ‘Mình đang sống để làm gì?’
Là sinh viên ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Ngô Trí Hùng (Đại học Vinh) từng được trao hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia trong phong trào Đoàn – Hội. Nhưng khi nói về Bác, Hùng không khoe thành tích mà chỉ thủ thỉ: “Viết thư cho Bác giúp em dừng lại để hỏi chính mình: Mình sống để làm gì?”

“Mỗi việc tốt nhỏ, nếu được làm bằng sự tự giác thì cũng là đang sống theo lời Bác”, Trí Hùng tâm sự.
Cậu kỹ sư tương lai không mơ tạo ra công nghệ vĩ đại, mà mong ước chế tạo ra những hệ thống, thiết bị đơn giản nhưng có ích cho cộng đồng: “Một hệ thống tiết kiệm điện, một thiết bị tưới cây thông minh… nếu giúp người nông dân bớt vất vả, thì cũng là cách cống hiến.”
Giữa thời đại số đầy xao nhãng, Hùng vẫn chọn giữ mình bằng những điều nhỏ bé: hiến máu nhân đạo, gom rác sau những buổi sinh hoạt, nhắc người gạt chân chống xe. “Chẳng ai yêu cầu. Nhưng đó là cách sống mà Bác từng dạy – sống lặng lẽ mà có ích cho cộng đồng.”
Nguyễn Thị Thảo Hoa – Cô giáo tương lai học cách yêu thương từ Bác
Là hoa khôi Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Vinh, Nguyễn Thị Thảo Hoa không ngần ngại chia sẻ những chênh vênh rất thật với Bác: “Con yêu nghề giáo, yêu ánh mắt học trò nhưng cũng không ít lần tự hỏi: Mình có đủ giỏi không giữa bao nhiêu người giỏi hơn?”
Trong thư gửi Bác, Thảo Hoa kể về một thế giới số đầy cơ hội nhưng cũng không ít áp lực. Cô chọn học ngành Sư phạm Tiếng Anh không chỉ vì đam mê, mà vì tin rằng ngoại ngữ là cánh cửa giúp học sinh quê em vươn ra thế giới.

“Thời đại số cho em nhiều cơ hội, nhưng Bác cho em lý tưởng để không lạc hướng”, Thảo Hoa tin tưởng.
“Em từng giúp một người lạ trên đường. Từng quyên góp cho người nghèo không quen biết. Những việc ấy nhỏ thôi, nhưng xuất phát từ sự đồng cảm – điều mà em học từ Bác.” Câu nói “yêu đồng bào” của Bác, với Hoa, là kim chỉ nam lặng thầm mà bền bỉ.
Nguyễn Quỳnh Trang – Gieo chữ giữa lớp học không bục giảng
Sinh năm 2005, chủ nhiệm CLB Tuyên truyền và Vận động hiến máu Trực thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh, Nguyễn Quỳnh Trang là người đã biến lời hứa với Bác thành hành động mỗi ngày. Cô cùng các thành viên trong CLB duy trì lớp học “Chắp cánh ước mơ” - nơi các em nhỏ đang điều trị bệnh tại Trung tâm được học tập miễn phí.

“Dạy học không chỉ là dạy chữ, mà là gieo hy vọng như cách Bác dạy chúng cháu sống có ích mỗi ngày”, Quỳnh Trang cho biết.
“Mỗi chương trình ‘Tết cho em’ là một lá thư sống gửi Bác,” Trang chia sẻ. “Chúng em còn vụng về, còn non nớt, nhưng đã cùng nhau chuẩn bị từng ánh đèn, tiết mục văn nghệ, trò chơi nhỏ… chỉ mong mang lại niềm vui cho các em.”
Trang không viết về lý tưởng lớn lao. Em nói về một ước mơ giản dị: “Trở thành nhà giáo dạy học trò bằng cả trái tim. Dạy chữ nhưng cũng dạy cách sống, gieo hy vọng – như cách Bác từng tin ở tuổi trẻ.”
Nguyễn Thanh Ngọc – Ước mơ công lý bắt đầu từ một tấm lòng biết ơn
Sinh năm 2006, là Đảng viên trẻ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyễn Thanh Ngọc viết thư cho Bác bằng tất cả lòng biết ơn và sự trăn trở: “Chúng cháu được học tập, được sống trong hòa bình. Đó là điều mà cả cuộc đời Bác đã hi sinh để đổi lấy.”
Nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc vô bờ ấy là vô vàn áp lực. “Áp lực học tập, định hướng nghề nghiệp, cảm giác dễ bị bỏ lại giữa một xã hội chuyển động quá nhanh… tất cả khiến chúng cháu không ít lần chênh vênh,” Ngọc tâm sự.

“Viết thư cho Bác không chỉ để tri ân, mà là để tự nhắc mình: sống tử tế, học có lý tưởng, và cống hiến bằng cả trái tim”, Thanh Ngọc chia sẻ.
Với mong muốn trở thành một luật sư bảo vệ người yếu thế, Ngọc không theo đuổi thành công để khẳng định cá nhân, mà muốn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch. “Bác dạy rằng mỗi việc tốt nhỏ cũng là làm theo Bác. Với cháu, đó là khi cùng các bạn dọn rác bờ sông, tổ chức tuyên truyền pháp luật tại địa phương.”
Viết thư cho Bác là để tâm sự, để lắng lại giữa nhịp sống hối hả, và để tự hứa: “Cháu sẽ học để phục vụ. Cháu sống để góp phần nhỏ bé vào sự bình an và công bằng của xã hội.”
Từ những dòng thư – viết tiếp lý tưởng sống giữa thời đại số
Ở thời đại số, nơi mọi thứ có thể bị cuốn trôi bởi tốc độ và hào nhoáng, việc ngồi lại để viết thư gửi Bác là hành động giàu ý nghĩa. Không phải để hoài niệm, mà để đối thoại với chính mình. Không phải để nhắc lại lịch sử, mà để sống sâu hơn, sống thật hơn, và sống có trách nhiệm hơn với xã hội hôm nay. “Bác không cần chúng cháu viết thư thật hay, chỉ mong các cháu trở thành người tốt.”
Có lẽ, đó là điều những sinh viên như Ngọc, Hùng, Hoa, Trang và Linh đã hiểu – và đang làm mỗi ngày.