Tuân thủ bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu thực phẩm
Sáng 10-4, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức Hội thảo 'Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm'.
Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chuyên đề về lĩnh vực lương thực, thực phẩm, hướng đến Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh năm 2025, sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 19-4 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7.

Các đại biểu dự hội thảo.
Thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những yêu cầu mới về tiêu chuẩn bền vững, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và bao bì thực phẩm, từ đó có định hướng chiến lược phù hợp, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc, Phó giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Theo khảo sát của Tổ chức Nielsen IQ năm 2023, có đến 38% người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cho thấy ý thức cộng đồng đang chuyển mạnh về phía tiêu dùng xanh.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc từ các chuyên gia và doanh nhân. Ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP IP GROUP, trình bày bức tranh công nghệ sản xuất bao bì sinh học toàn cầu, nhấn mạnh tiềm năng lớn của Việt Nam nhờ nguồn nguyên liệu sinh học dồi dào. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng, cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng hạ tầng hiện đại.
Đại diện Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, ông Alan Nguyễn, chia sẻ chi tiết về các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt đối với vật liệu tiếp xúc thực phẩm (FCM) tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là những rào cản kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý nếu muốn xuất khẩu bền vững.
Từ góc nhìn thị trường, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, doanh nghiệp muốn vươn ra quốc tế thì trước hết phải vững vàng tại thị trường trong nước, đồng thời cần làm chủ thông tin thị trường, linh hoạt thích ứng với các quy định, thị hiếu và tiêu chuẩn đa dạng.