'Ngựa ô' ngành chứng khoán tăng tốc mạnh mẽ trước sóng nâng hạng thị trường

Lợi nhuận quý I của TCBS đến đồng đều từ nhiều mảng kinh doanh, phản ánh rõ chiến lược 'đa trụ cột' mà công ty theo đuổi.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn đón đầu làn sóng nâng hạng và mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã cho thấy khả năng tăng trưởng ổn định nhờ vào chiến lược phát triển đồng đều, đa dạng và ưu tiên ứng dụng công nghệ vào nhiều khâu vận hành.

Chiến lược “đa trụ cột”

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy lợi nhuận của TCBS đến đồng đều từ nhiều mảng kinh doanh, phản ánh rõ chiến lược “đa trụ cột” mà công ty theo đuổi.

Mảng cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán ghi nhận thu nhập gần 718 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu margin gia tăng và chính sách lãi suất linh hoạt.

Mảng ngân hàng đầu tư mang về 414 tỷ đồng doanh thu, tăng lần lượt 86% và 78% so với quý trước và cùng kỳ 2024.

Phần lớn đến từ các thương vụ tư vấn phát hành được triển khai từ năm 2024 và hoàn tất trong đầu năm nay. Dù thị trường vốn ghi nhận không ít biến động, TCBS vẫn duy trì được vai trò đối tác tư vấn huy động vốn cho nhiều doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu – vốn là thế mạnh truyền thống – mang về 697 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 14% so với quý IV/2024.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà TCBS phân phối trong ba tháng đầu năm đạt gần 18.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu toàn thị trường.

Mảng môi giới và lưu ký chứng khoán cũng cho thấy tín hiệu tích cực với doanh thu 73 tỷ đồng trong quý I, tăng 33% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ – một phân nhánh trong mảng môi giới – ghi nhận doanh số hơn 5.900 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với quý I/2024.

Thành quả này đến từ việc nâng cấp liên tục nền tảng giao dịch quỹ trực tuyến Fundmart, tạo trải nghiệm đầu tư dễ tiếp cận và minh bạch hơn cho khách hàng cá nhân.

Lợi nhuận tăng tốc

Với những kết quả đạt được từ các mảng kinh doanh, TCBS tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 40% so với quý IV/2024 và 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) ở mức 8% – đều nằm trong nhóm cao nhất ngành.

Đặc biệt, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm còn 12% trong quý I, cải thiện mạnh so với mức 18% của quý IV/2024.

Ban lãnh đạo công ty cho biết kết quả này phản ánh hiệu quả vận hành được cải thiện, trong đó nổi bật là việc áp dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm tải chi phí vận hành, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của TCBS đạt xấp xỉ 56.330 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024.

Trong cơ cấu tài sản, dư nợ cho vay ký quỹ đạt mức kỷ lục 30.470 tỷ đồng, tăng 18% so với quý liền trước, đồng thời duy trì tỷ lệ dư nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn 1,1 lần.

Trước đó, cuối năm 2024, tổng tài sản của công ty cũng đã tăng 22% so với đầu năm, chủ yếu đến từ tăng trưởng dư nợ cho vay và danh mục đầu tư tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), trong đó phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết – lĩnh vực mà TCBS đang giữ vị thế dẫn đầu thị trường phân phối.

Đáng chú ý, ngày 20/3/2025, TCBS hoàn tất giải ngân khoản vay hợp vốn tín chấp quy mô 230 triệu USD từ ba tổ chức tài chính quốc tế lớn gồm Standard Chartered, Cathay United Bank và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Khoản vay được đăng ký vượt 145% so với quy mô phát hành, phần nào cho thấy mức độ tin tưởng của giới tài chính quốc tế đối với năng lực và chiến lược dài hạn của công ty.

Có thể thấy, công nghệ là yếu tố xuyên suốt trong mọi chiến lược vận hành của TCBS. Không chỉ là công cụ hỗ trợ, công nghệ còn được xem là nền tảng giúp công ty tái cấu trúc hoạt động, tối ưu chi phí và tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro.

Trong mảng cho vay ký quỹ, TCBS triển khai hệ thống đánh giá tín dụng tự động và cơ chế cảnh báo sớm, kết hợp theo dõi tài sản đảm bảo theo thời gian thực. Mô hình này cho phép công ty mở rộng dư nợ mà vẫn duy trì mức độ an toàn hệ thống.

Ở mảng ngân hàng đầu tư và trái phiếu, công nghệ được ứng dụng để phân tích thị trường, lựa chọn cấu trúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và điều kiện huy động vốn thực tế.

Điều này giúp TCBS có thể cung cấp các gói giải pháp tài chính trọn gói, từ tư vấn đến phân phối, phù hợp với doanh nghiệp trong từng chu kỳ kinh tế.

Kỳ vọng tăng trưởng

Bước sang năm 2025, TCBS đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 22% lên hơn 9.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20%, lên hơn 5.700 tỷ đồng.

Để có thêm nguồn lực hiện thực hóa kế hoạch, công ty sẽ tiếp tục phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng và triển khai sử dụng 1.376 tỷ đồng huy động được từ đợt chào bán riêng lẻ năm 2024.

Trong đó, khoảng 482 tỷ đồng dành cho hoạt động môi giới và cho vay margin, còn lại 895 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh.

Với nền tảng tài chính ổn định, danh mục sản phẩm đa dạng và chiến lược mở rộng quốc tế, TCBS đang củng cố vị thế là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu, đồng thời mở rộng dư địa tăng trưởng trong giai đoạn trung và dài hạn.

Một điểm mới đáng chú ý khác trong định hướng chiến lược năm 2025 là kế hoạch đầu tư ra thị trường quốc tế.

Theo tờ trình gửi đại hội đồng cổ đông, TCBS dự kiến đầu tư gián tiếp vào các thị trường tài chính lớn trên thế giới với quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư sẽ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các công cụ tài chính khác tại các thị trường được phân loại là phát triển hoặc mới nổi theo MSCI và FTSE Russell. TCBS sẽ đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các định chế tài chính trung gian ở nước ngoài.

Đây là một bước đi hiếm hoi khi hầu hết các công ty trong ngành hiện vẫn chủ yếu tập trung đầu tư thị trường trong nước.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ngua-o-nganh-chung-khoan-tang-toc-manh-me-truoc-song-nang-hang-thi-truong-d39772.html
Zalo