Điều gì khiến nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động?

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới của Hải Dương từ đầu năm đến nay tăng cao, nhưng số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động cũng tăng rất mạnh. Đâu là nguyên nhân?

3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp giải thể, 733 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (ảnh minh họa)

3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp giải thể, 733 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế tạo máy Đại Hùng ở huyện Bình Giang chuyên sản xuất, kinh doanh máy công cụ và máy tạo hình kim loại. Chỉ sau thời gian hơn 1 tháng, đầu tháng 4/2025, công ty đã làm thủ tục giải thể doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động.

Cuối tháng 3/2025, Công ty CP Đầu tư kỹ thuật MTP có trụ sở đăng ký hoạt động tại phường Ngọc Châu, TP Hải Dương cũng đã chính thức chấm dứt hoạt động sau chưa đầy 6 tháng kể từ ngày Sở Tài chính cấp đăng ký kinh doanh lần đầu.

Cả 2 doanh nghiệp trên đều có vốn điều lệ thấp, dưới 10 tỷ đồng. Nguyên nhân giải thể, chấm hoạt động được doanh nghiệp đưa ra do chưa tìm thấy cơ hội ở lĩnh vực đang hoạt động. Khó khăn trong tìm kiếm khách hàng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh không mang lại hiệu quả như kỳ vọng...

Trụ sở Công ty CP Đầu tư kỹ thuật MTP ở phố Lê Viết Quang (TP Hải Dương) đã chính thức chấm dứt hoạt động từ cuối tháng 3/2025

Trụ sở Công ty CP Đầu tư kỹ thuật MTP ở phố Lê Viết Quang (TP Hải Dương) đã chính thức chấm dứt hoạt động từ cuối tháng 3/2025

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở TP Hải Dương cho biết doanh nghiệp này cũng đang hoàn tất thủ tục xin tạm dừng hoạt động có thời hạn. Nguyên nhân do biến động của thị trường đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp của chúng tôi tiền thân là hộ kinh doanh cá thể. Sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, chúng tôi buộc phải xin tạm dừng hoạt động vì chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thích nghi, ứng phó linh hoạt với thị trường. Nền tảng quản trị doanh nghiệp, nhân sự, vốn… đều thiếu, buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn này. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại và quay trở lại vào thời điểm phù hợp”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Theo Sở Tài chính Hải Dương, quý I/2025, toàn tỉnh có 457 doanh nghiệp mới thành lập (tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước), với tổng vốn đăng ký hơn 30.500 tỷ đồng. Cùng thời gian này, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp giải thể (tăng 55,2%); 733 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (tăng 16%).

Trung bình mỗi tháng có khoảng 245 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 35 doanh nghiệp giải thể. Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tạm dừng hoạt động tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học - công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo, lưu trú, ăn uống, vận tải, kho bãi…

Trong khi không ít doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động thì nhiều doanh nghiệp thành lập, đi vào hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động

Trong khi không ít doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động thì nhiều doanh nghiệp thành lập, đi vào hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Tài chính cho biết số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rút khỏi thị trường chủ yếu đăng ký tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tài chính không tốt, thiếu vốn đầu tư.

Bên cạnh nguyên nhân từ nội tại doanh nghiệp, còn có một số nguyên nhân khác từ bên ngoài như hậu quả của đại dịch Covid-19 đến nay vẫn tác động xấu đến nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài “cầm cự” không thể tiếp tục hoạt động buộc phải giải thể, rút khỏi thị trường. Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ, xung đột ở châu Âu, Trung Đông... khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó.

Ông Nguyễn Trắc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mới thành lập có quy mô vốn rất nhỏ, nhiều doanh nghiệp chỉ từ vài tỷ đồng. Đây cũng là những doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường, chính sách, thiên tai, dịch bệnh… Hầu hết các doanh nghiệp này thiếu năng lực quản trị, điều hành, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu nên sau thời gian hoạt động không thích ứng dẫn tới giải thể, tạm dừng hoạt động. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thành viên của hiệp hội giải thể, tạm dừng hoạt động do gặp biến động của thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh không như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng hàng tồn kho lớn, nợ thuế...

Cần giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới là một trong những giải pháp để hạn chế doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động. Trong ảnh: Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm giữa các hội viên

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới là một trong những giải pháp để hạn chế doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động. Trong ảnh: Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm giữa các hội viên

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thống kê tỉnh cho biết kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là chính sách thuế quan mới đây của Mỹ. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng như dệt, may, da giày, điện tử…

Để hạn chế số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, phấn đấu đạt mức cao nhất chỉ tiêu đăng ký thành lập mới doanh nghiệp năm 2025 đề ra, đại diện lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Tài chính cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, rút ngắn hơn nữa thời gian gia nhập thị trường của các doanh nghiệp, nhất là việc cấp đăng ký giấy phép kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là các nguồn vốn ưu đãi. Hỗ trợ tiền thuê đất, thuế, phí đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ, xung đột địa chính trị...

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững...

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dieu-gi-khien-nhieu-doanh-nghiep-giai-the-tam-dung-hoat-dong-409537.html
Zalo