Từ vụ đầu độc xyanua, ĐBQH đề nghị kiểm soát chặt việc mua bán hóa chất
Theo đại biểu, mặc dù đã có quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định điều kiện của cá nhân, tổ chức được mua, sử dụng chất này.
Mua bán xyanua vẫn tràn lan
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 8/5, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về Luật Hóa chất (sửa đổi).
Góp ý tại hội trường, ĐBQH Trần Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 113/2017 của Chính phủ mặc dù đã có quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định về điều kiện cụ thể của cá nhân, tổ chức được mua, sử dụng chất này.

ĐBQH Trần Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Media Quốc hội.
Theo nữ đại biểu, xyanua và hợp chất chứa xyanua được sử dụng trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng, nhựa, mạ điện và khai thác mỏ vàng, bạc.
Tuy nhiên, trong Nghị định 113 không quy định xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý. Hiện nay, cũng chưa có quy định nào về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua trước khi bán.
Điều này dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường. Trên thực tế, thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất.
Đại biểu đoàn Thái Bình cho biết, quản lý xyanua (cyanide) và các sản phẩm chứa xyanua là một trong những lĩnh vực được nhiều quốc gia chú trọng với các quy định hết sức nghiêm ngặt. Danh mục xyanua được phân cấp quản lý phù hợp theo mức độ nguy hiểm, mục đích sử dụng từng loại bởi xyanua có nhiều dạng khác nhau (khí, rắn, lỏng) lại được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Thậm chí, trong y tế hợp chất xyanua natri nitroprusside còn được sử dụng giúp làm giảm huyết áp khẩn cấp và sử dụng như một chất giãn mạch trong các nghiên cứu về mạch máu. Hợp chất này còn có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh lao và bệnh phong.
Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng và cam kết biện pháp quản lý rủi ro.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai). Ảnh: Media Quốc hội.
Cũng tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng một cách thực chất, dự thảo Luật cần quy định rõ các hành vi bị cấm, chế tài xử phạt cụ thể với hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm về bản chất, công dụng của hóa chất.
Ngoài ra, cần kiểm soát các hình thức quảng cáo trực tuyến, quảng cáo thông qua người nổi tiếng, qua MXH vốn đang phát triển mạnh nhưng thiếu chế tài rõ ràng. "Thực tế cho thấy, không ít người dân sử dụng hóa chất theo quảng cáo mà không hiểu rõ bản chất, tác động đến an toàn sức khỏe con người", đại biểu nêu.
Đồng quan điểm, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, tình trạng lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để giao bán, quảng cáo hóa chất nguy hiểm nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy/nổ diễn ra rất phổ biến.
"Những hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất, an toàn cộng đồng nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo luật", ông nói và đề xuất bổ sung "Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, giao bán, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trái pháp luật" là hành vi bị nghiêm cấm.
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) nêu thực trạng rất nhiều hóa chất độc hại được sử dụng tác động trực tiếp lên giống cây trồng, trái cây, rau củ, không theo quy trình bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Từ đó, đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh quy định "sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất thuộc danh mục hóa chất không được sử dụng để sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng".
Giải trình tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và có những giải trình cụ thể trong quá trình hoàn thiện Luật để trình Quốc hội thông qua.
Mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), cho biết, tại dự thảo đã quy định tổ chức kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải lập phiếu kiểm soát mua, bán trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất cho từng lần giao hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Media Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình thêm, khi mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, bên mua và bên bán sẽ đồng thời xác nhận trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất cho từng lần mua bán theo phương thức và biểu mẫu do Bộ Công thương quy định.
Việc xác nhận này giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được chính xác đường đi của các loại hóa chất cần kiểm soát đặc biệt từ nhà sản xuất, nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, việc công bố mục đích sử dụng (lần đầu hoặc khi có sự thay đổi) trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác hậu kiểm, xác minh, tránh trường hợp hóa chất cần kiểm soát đặc biệt bị thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích.
"Như vậy, việc yêu cầu lập phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và công bố mục đích sử dụng nhằm kiểm soát các giai đoạn khác nhau trong vòng đời hóa chất, có tác động hỗ trợ lẫn nhau để kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất này", ông Huy nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung quy định về kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt theo hướng tổ chức, cá nhân chỉ được bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt (gồm hóa chất có đặc tính nguy hiểm, độc hại cao, hóa chất có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường) cho tổ chức, cá nhân đã thực hiện công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất.
Dự thảo cũng quy định việc xác thực với dữ liệu gốc về định danh điện tử của Bộ Công an để tăng cường quản lý đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, đồng thời, tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện quy định về lập phiếu kiểm soát mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
Phụ gia thực phẩm là hóa chất, phải quản lý chặt chẽ
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, hương liệu thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến vitamin, khoáng chất là hóa chất và phải thực hiện các quy định của Luật này.
"Trên thực tế, có rất nhiều hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác của các ngành kinh tế. Những loại hóa chất này có thể có tính chất nguy hiểm, mang nhiều rủi ro về mặt an toàn, an ninh hóa chất, do đó cần phải được quản lý chặt chẽ", ông Huy nói.