Tử vong do ngộ độc rượu chứa Methanol

Chiều 2/2, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc đã có bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu chứa Methanol.

Chiều 2/2, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện đã tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi ở Vĩnh Phúc bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) và tử vong sau một ngày nhập viện.

Lọ cồn bệnh nhân sử dụng.

Lọ cồn bệnh nhân sử dụng.

Trước đó, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc, hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng sau khi uống cồn sát trùng mua ở hiệu thuốc. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy, nồng độ Methanol (cồn công nghiệp) trong máu cao

Liên quan đến việc ngộ độc rượu chứa Methanol theo bác sĩ tại đây, cơ sở đang điều trị cho một nam bệnh nhân 52 tuổi.

Qua lời kể của gia đình, do nghiện rượu, người đàn ông này thường giấu gia đình ra hiệu thuốc mua cồn y tế để uống. Cách đây 3 ngày, mắt ông bỗng tối sầm, gần như không nhìn thấy gì.

Sau khi đi khám mắt, bệnh nhân 52 tuổi này được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy, nồng độ methanol ở mức cao. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu cấp cứu.

Được biết, chai cồn mà bệnh nhân sử dụng là loại dùng để lau kính, làm nhiên liệu nhưng lại được mua ở hiệu thuốc.

Một bệnh nhân nữ 59 tuổi, TP. Hồ Chí Minh cũng bị ngộ độc rượu chứa Methanol. Theo đó, khi bệnh nhân ra miền Bắc đêm 31/1 thì biểu hiện ngộ độc ngay sau khi máy bay hạ cánh, sau đó chuyển sang hôn mê, tụt huyết áp, nồng độ methanol trong máu 171mg/dL và đang được điều trị, tiên lượng cũng rất nặng.

Trung tâm chống độc cũng đã thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp với địa phương nơi xảy ra ngộ độc truy xuất nguồn rượu gây ngộ độc để xử lý.

Cách đó không lâu, Trung tâm Chống độc tiếp nhận nam bệnh nhân 54 tuổi (ở phố Đội Cấn, Hà Nội) ngộ độc do uống nhầm cồn. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt.

Theo gia đình bệnh nhân, để phòng dịch Covid-19, gia đình đã mua cồn và để ở mỗi phòng một chai với mục đích tiện cho công tác sát khuẩn. Chai cồn 70 độ được gia đình mua tại hiệu thuốc gần nhà.

Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sử dụng sát khuẩn, mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác, đó là "dùng làm chất đốt và rửa kính".

Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân có uống nhầm khoảng 100 ml cồn, sau đó xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ… Trung tâm Chống độc đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới, kết quả là nồng độ cồn công nghiệp methanol lên tới 56%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, thực trạng tồn tại các sản phẩm cồn sát trùng rởm chứa Methanol hoặc các chai hóa chất lau chùi hoặc làm nhiên liệu nhưng lại được đóng chai và bán nhập nhèm gây nhầm lẫn với cồn sát trùng, thực sự còn nguy hiểm rất lớn cho toàn dân và cả hệ thống y tế.

Đặc biệt, khi các loại cồn rởm này được đưa vào sử dụng sát trùng, không có tác dụng và không thể bảo vệ người dân trước nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời khi sát trùng Methanol lại ngấm qua da vào cơ thể và nguy cơ gây ngộ độc.

Các cơ sở y tế hiện nay rất dễ dàng mua phải các loại cồn rởm này về sử dụng cho các bệnh nhân, do giá rẻ nên rất dễ trúng thầu. Hậu quả là biết bao bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải phẫu thuật, trẻ sơ sinh, sản khoa,…sẽ phải chịu hậu quả.

Về nhận diện, Methanol rất giống với rượu Ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ Methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”.

Trong những ngày tết hoặc vui xuân như thế này, khi bệnh nhân đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp Methanol nhưng lại uống tiếp các bữa rượu thông thường thì do hiện tượng Ethanol làm trì hoãn việc gây độc của Methanol, sẽ không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc Methanol mới phát tác, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc.

Tuy nhiên, vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,…dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới bị tử vong hoặc di chứng mù, hôn mê đáng tiếc.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp Methanol theo bác sĩ Nguyên, đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị đưa ra ngoài vào tay kẻ xấu, thậm chí nhiều công ty sản xuất kinh doanh không chính đáng. Đây chính là công việc của các cơ quan chức năng.

"Mong muốn các cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc, mà chỉ nên bán tại quầy bán các hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng", Giám đốc Trung tâm Chống độc nêu.

Thứ hai, theo bác sĩ Nguyên, người dân nên hạn chế uống rượu tối đa và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đảm bảo, thông tin trên nhãn mác cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về cản thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-vong-do-ngo-doc-ruou-chua-methanol-d183041.html
Zalo