Tư tưởng Hồ Chí Minh về 3 quan điểm giáo dục vận dụng trong bối cảnh hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục luôn có sự thống nhất hữu cơ giữa lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, vừa chứa đựng khát vọng về một tương lai.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vừa là thành quả của một quá trình tiếp thu, chắt lọc và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.
“Việc học lấy tự học làm cốt”
Tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục (6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước. Trước kia thì “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, nghĩa là tất cả mọi tầng lớp ở dưới thấp cả, chỉ có người đọc sách, người trí thức, mới là cao hơn hết.
Đó là giáo dục của phong kiến”. “Người lao động trí óc, mà không liên hệ với lao động chân tay thì mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hóa kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa... Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hóa”.
Tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục mới, về nhiệm vụ học tập đối với mọi thành phần đối tượng…đã tạo nền tảng triển khai quan điểm giáo dục liên tục, giáo dục suốt đời, xây dựng nền giáo dục mở, phù hợp bối cảnh thời đại và xu hướng quốc tế.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, mục đích việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại".
Đây là sự trùng khớp kì lạ cách nhau hơn 50 năm giữa tư tưởng của Người (4/1949) với quan điểm của UNESCO mãi sau này (1996) mới công bố về 4 trụ cột giáo dục là: “Học để chung sống; Học để biết; Học để làm và Học để tồn tại”. (Đây là phát hiện của GS Trần Văn Nhung - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Từ mục tiêu đào tạo “con người phát triển toàn diện” đến mục tiêu “phát triển toàn diện con người”. Đây là bước chuyển mạnh của chiến lược giáo dục nhất là khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW (2013) đã được thể chế hóa, tạo căn cứ pháp lý cho chiến lược đổi mới. Thời gian khá dài chúng ta đang thực hiện Luật Giáo dục (2005): “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện…” thì từ “đào tạo” thường dẫn đến cách hiểu chữ giáo dục ở đây chỉ ở phạm vi trong nhà trường.

Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Tư liệu
Nhiều năm đang diễn ra cách tiếp cận: từ chương trình có cách tiếp cận nội dung, đến phương pháp dạy trọng tâm vào truyền đạt, cách đánh giá coi trọng điểm số và quản lý giáo dục gần như là quản lý hành chính… Trong khi để hình thành nhân cách con người, giáo dục nhà trường chỉ là một con đường (không phải là duy nhất). Còn nhiều con đường khác: Lao động, hoạt động và giao lưu của chủ thể tiếp ứng, chuyển hóa ảnh hưởng tác động của môi trường để trưởng thành...“việc học lấy tự học làm cốt” (Hồ Chí Minh).
Đồng thời, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người. Giáo dục là chủ đạo ở việc: sử dụng những ưu điểm của di truyền, những tích cực của môi trường và tính tích cực của cá nhân để thúc đẩy phát triển con người; đồng thời khắc phục khiếm khuyết của di truyền, ngăn chặn tác động xấu của môi trường và kiềm chế những nhu cầu tiêu cực của cá nhân để giáo dục, uốn nắn con người.
Do vậy giá trị cao nhất của giáo dục trong quan hệ này là ở chỗ chủ đạo. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định… Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của trẻ.
Luật Giáo dục (2019) tại điều 2 mục tiêu giáo dục đã xác định: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…”. Đây là tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu “con người Việt Nam phát triển toàn diện” chỉ thể hiện sự kỳ vọng không dễ thực hiện nếu chỉ trong phạm vi giáo dục nhà trường.
Từ mục tiêu này, đã có thể thể hiện đầy đủ hơn về ý tưởng giáo dục mới, logic với ý đã bổ sung và đồng thuận với vế sau: “...Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...”; đồng thời giáo dục ở đây được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình giáo dục của nhà trường.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách
Bác Hồ khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” và “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách, cần tuân thủ 3 bước sau đây:
Thứ nhất, xác định rõ cơ sở khoa học của vấn đề với ý nghĩa là đề cao vai trò của tư duy lí luận khoa học là cơ bản, là chủ đạo nhằm tạo nền tảng chắc chắn ở bước này.
Thứ hai, xác định căn cứ điều kiện, bối cảnh để nhà quản lí đối chiếu chức năng nhiệm vụ và để “Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng” (Hồ Chí Minh)… để quyết định mức độ thực hiện; khi này vai trò của quản lí là định hướng để phù hợp với chính sách luật pháp với mục tiêu thiết thực, hiệu quả;
Thứ ba, căn cứ pháp chế, luật… xem xét các phương án khác nhau để hoàn thiện, xong phải lấy mục tiêu cao nhất theo quan điểm của Bác:“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tháo gỡ các “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, lại càng cần đến tư duy đúng về bản chất của sự vật hiện tượng để tránh duy ý chí, chủ quan.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Do vậy, cần có cách đặt vấn đề rộng hơn, nền tảng hơn của vấn đề nhà giáo gắn liền với chức năng sáng tạo“Nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng).
Nhận diện đúng bản chất khái niệm “giáo dục” cần quan tâm 2 ý bao trùm các hoạt động giáo dục:Giáo dục là quá trình dẫn con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện hơn, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn… và Giáo dục (theo gốc Hán Việt) là chỉ bảo, dạy dỗ, chăm sóc. Nó bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo), mà có cả sự thương yêu quan tâm chăm sóc (dục) trong đó. Nhà giáo là người có sứ mệnh quyết định đến chất lượng hoạt động giáo dục con người.
Lí luận khoa học cũng xác nhận giáo dục là chủ đạo trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người cùng với yếu tố di truyền - nền tảng; môi trường -quyết định; hoạt động cá nhân - quyết định trực tiếp. Vai trò hướng dẫn của nhà giáo với thế hệ trẻ trong môi trường giáo dục là điểm nhấn của thiết chế luật lần này sẽ rất khác so với giai đoạn trước -nhà giáo có nhiệm vụ chính là truyền đạt.
Như vậy, không gian đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Đặc biệt, khi Luật Giáo dục (2019) đã thay đổi về mục tiêu giáo dục, do vậy, từ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, đánh giá và không gian, thời gian, phạm vi, đối tượng… hoạt động của nhà giáo đã có sự thay đổi rất lớn, đòi hỏi chế tài cho họ hoạt động cũng phải khác trước rất nhiều.
“Giáo dục mở” và “xã hội học tập” là những giá trị lớn của nền văn minh trong thời đại số, giáo viên (giảng viên) sẽ không phải là người duy nhất trong lớp học; nội dung - chương trình không duy nhất là 1 sách giáo khoa hay giáo trình; phương thức giáo dục không duy nhất chỉ ở trong lớp học; lớp học không chỉ là 1 không gian cố định; đánh giá giáo dục không duy nhất chỉ là điểm số…
Như vậy, cấu trúc của quá trình giáo dục đã có sự chuyển đổi mở hơn, rộng hơn và phức tạp hơn…nhất là với sự bùng nổ của công nghệ và sự thay đổi nhanh về đặc điểm tâm lí của con người.
Quan điểm này phù hợp xu thế quốc tế: Giáo viên (giảng viên) tập trung vào năng lực phát triển chương trình; được sử dụng các điều kiện không gian và thời gian, học liệu trong môi trường gia đình – nhà trường – xã hội để hoạt động giáo dục khi họ có ý tưởng sư phạm; giáo viên - nhà giáo dục đã thay đổi chức năng từ truyền đạt sang hướng dẫn người học; khuyến khích người học và trách nhiệm cống hiến. Những giá trị to lớn này đã có trong di sản Hồ Chí Minh.
Phát triển toàn diện con người – tư tưởng lớn trong di sản Hồ Chí Minh
Đây là giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc bởi Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”, Người đã từng là thầy giáo, thầy Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, thầy Vương ở các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, thầy dạy chữ cho cán bộ ở Pác Bó và sau này Người đến thăm từ các lớp xóa mù chữ đến các trường đại học đã chỉ rõ tư tưởng “học chữ để làm người cách mạng” và vai trò của giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, một nền giáo dục vì con người, cho con người và hướng đến đến xây dựng con người mới.
Trong Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 15/9/1945, Bác Hồ viết: “…Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Tư tưởng bao trùm “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” là tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ về phát triển toàn diện con người, đã đặt nền tảng để chúng ta xây dựng nền giáo dục dân chủ, khai phóng, sáng tạo, tiến bộ, vì con người.
Trên nền tảng tư tưởng tiến bộ của nhân loại và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà khoa học giáo dục đã có những đề xuất, đóng góp bổ sung vào Luật Giáo dục (2019), tại điều 2 đã xác định lại mục tiêu giáo dục: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế’.
Mục tiêu này đã kế thừa tư tưởng nền tảng Bác Hồ đã viết 80 năm trước trong bức thư năm 1945. Đây sẽ là định hướng rộng về phương thức, tạo điều kiện, xác định rõ mục tiêu “phát triển toàn diện con người”. Đây là tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu đào tạo “con người Việt Nam phát triển toàn diện” trong Luật Giáo dục 2005 chỉ thể hiện sự kỳ vọng không dễ thực hiện nếu chỉ trong phạm vi giáo dục nhà trường.
Mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện con người - chính là sự thay đổi căn bản dựa trên nền tảng con người, bởi chỉ có sự thay đổi này, khi thực hiện mới có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nội hàm giáo dục ở đây (mục tiêu giáo dục) được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình đào tạo của nhà trường.
Nền tảng tư tưởng phát triển toàn diện con người đã tạo điều kiện để xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng một xã hội học tập. Giáo dục mở trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người (tư tưởng nhân văn); đảm bảo cho tư tưởng khai phóng (tự do cá nhân); mở là coi trọng thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí); mở là tạo không gian và thời gian, điều kiện để chủ thể chủ động, tích cực tham gia.
Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể… Quan niệm về việc học, về giáo dục cũng phải thay đổi dựa trên nền tảng tiến bộ và nhân văn mà trong di sản của Bác Hồ đã để lại cho chúng ta.
Mục tiêu của giáo dục là phục vụ Tổ quốc và Nhân dân
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, xác định rõ mục tiêu của nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân, “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ”; “việc học lấy tự học làm cốt”. Đây là những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã giúp chúng ta tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn đến phương pháp luận giải quyết vấn đề.
Từ quan niệm mới về mục tiêu giáo dục “phát triển toàn diện con người” khi triển khai sẽ góp phần khắc phục những hạn chế yếu kém của giáo dục (theo đánh giá của Nghị quyết số 29-NQ/TW) bởi các nguyên nhân: “Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp...chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư duy bao cấp còn nặng, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo”.
Trường học phải là nơi quy tụ vào mục tiêu xây dựng đội ngũ người thầy có chất lượng cao về trình độ, đặc biệt coi trọng phẩm chất, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động và cộng tác với tinh thần “học để làm người, để làm việc”, đây cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực của mỗi cán bộ đảng viên. Đây cũng cần là tiêu chí cốt lõi, bền vững của chuẩn đầu ra, chuẩn tuyển dụng người thầy trong bối cảnh mới.
Trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục, các cơ sở giáo dục cần thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “việc học lấy tự học làm cốt”, đồng thời cũng là tư tưởng tiên tiến của nhân loại thể hiện trong 4 trụ cột của giáo dục: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”, theo đó cần xây dựng chương trình giáo dục nền tảng học vấn rộng (trong đó coi trọng giáo dục, đào tạo năng lực, hình thành phẩm chất, đạo đức, kĩ năng sống cho người học); phương pháp giáo dục tăng thực hành, học và làm trong thực tế “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” như lời Bác Hồ đã dạy.
Giáo dục phổ thông là phổ cập, giáo dục đại học là tinh hoa, là đào tạo nhân tài, là đào tạo gắn với nghiên cứu và sáng tạo cái mới. Thực trạng không ít người học với mục tiêu học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm, khi ứng tuyển có bằng “đẹp”, từ đó trường học tạo ra điểm “đẹp”, rồi việc đánh giá, bình xét, quy hoạch, bổ nhiệm... với những yêu cầu về bằng cấp là tiêu chuẩn “cứng”.
Do vậy, chúng ta phải thay đổi tư duy từ nhà trường, nhưng điều quan trọng hơn là thay đổi cả tư duy và cách quản lý giáo dục, thay đổi cách kiểm tra đánh giá, trong đó trách nhiệm các nhà quản lí là then chốt.
Theo tấm gương Bác Hồ, từ ý chí và nỗ lực tự học trong suốt cuộc đời của Người đều thấm sâu quan điểm học tập tiến bộ: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ”. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chương trình làm việc của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021 nhấn mạnh yêu cầu: “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Học tập suốt đời” đã nhấn mạnh quan điểm: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội…Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng khát vọng về một tương lai
Trong bối cảnh nhiều thách thức đối với giáo dục hiện nay về chất lượng và hội nhập quốc tế, càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây là tư tưởng nền tảng với giá trị văn hóa cao đẹp, với ý nghĩa giáo dục là vun trồng, nuôi dưỡng, nuôi dạy.
Mục tiêu nhân cách (gồm năng lực và phẩm chất) là mục tiêu cao nhất của giáo dục, của đổi mới giáo dục đó chính là sản phẩm của xã hội đang mong muốn, song đang đứng trước những thách thức mới trong nhận thức và hành động. Với quyết tâm cao của Đảng trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” thể hiện tầm nhìn, nhận thức, tư duy lý luận, quan điểm mới, phương hướng, định hình chiến lược và quyết tâm chính trị trong thời gian tới của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đòi hỏi những phát triển mới về lý luận mới, tư duy, chiến lược, cách thức triển khai và nhiệm vụ cần thực hiện. Kết luận số 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Quyết định 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là những định hướng chiến lược quan trọng về phát triển nguồn lực quốc gia trong kỉ nguyên mới của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vừa là thành quả của một quá trình tiếp thu, chắt lọc và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục luôn có sự thống nhất hữu cơ giữa lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, vừa chứa đựng khát vọng về một tương lai.