Gỡ vướng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý. Đặc biệt, việc tham gia hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT là thuận lợi lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Học sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tại “Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025”. Ảnh: BTC.
Nhận diện thuận lợi và khó khăn
Tính đến tháng 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng và 429 trường trung cấp. Công tác tuyển sinh của các trường đạt 2.430.000 người, hoàn thành 100% kế hoạch. Nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ được lựa chọn nhiều nhất, chiếm 46%, tập trung vào công nghệ ô tô, điện và thông tin. Nhóm Nông lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 12%, tăng 4% so với năm 2023 nhờ đẩy mạnh đào tạo nông nghiệp công nghệ cao. Nhóm Y dược và chăm sóc sức khỏe chiếm 10%, có xu hướng tăng do già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc cộng đồng. Thống kê một số ngành, nghề khó tuyển sinh tập trung ở những lĩnh vực ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: khai khoáng, mỏ, hầm lò; xử lý chất thải, môi trường...
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra những khó khăn trong công tác tuyển sinh GDNN, Giáo dục thường xuyên (GDTX) đó là do nhận thức của xã hội về GDNN, GDTX chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp đại học (ĐH). Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo còn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động đã qua đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Từ phía các trường nghề cũng nêu ra thực tế hiện nay việc tuyển sinh ĐH với quy mô và số lượng lớn, thường chiếm khoảng 50 - 70% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm với phương thức tuyển sinh đa dạng, dễ dàng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho tuyển sinh cao đẳng, trung cấp.
Đặc biệt, theo bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, chuẩn đầu vào của nhiều trường ĐH hiện nay khá thấp, một số trường cực kỳ thấp, học sinh trung bình cũng có thể đỗ ĐH dễ dàng tạo áp lực lên cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh.
Một trong những số liệu gây chú ý trong mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2024 đó là hơn 200 trường ĐH tuyển được khoảng 551.000 học sinh trong khi gần 830 trường cao đẳng, trung cấp tuyển được khoảng 430.000 học sinh. Một số ý kiến cảnh báo việc hạ thấp điểm chuẩn để “vét” thí sinh của một số trường ĐH có thể gây mất cân đối nguồn nhân lực. Đặc biệt, phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT với chỉ 15 điểm cho 3 môn đã giúp nhiều nhóm ngành vào ĐH dễ dàng, trong khi việc đánh giá học bạ ở nhiều trường phổ thông chưa đảm bảo độ tin cậy và chính xác…
Thay đổi để thu hút thí sinh
Thực tế ghi nhận bên cạnh những trường tuyển sinh tốt, đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đề ra, vẫn còn một số cơ sở GDNN không tuyển đủ chỉ tiêu so với đăng ký hoạt động được cấp và năng lực đào tạo thực tế của nhà trường, thậm chí có những trường kết quả tuyển sinh đạt rất thấp.
Để khắc phục những khó khăn này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã đưa ra 6 định hướng lớn gồm thống nhất, đồng bộ công tác tuyển sinh GDNN, GDTX, đổi mới truyền thông và hướng nghiệp, nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy tự chủ. Về phía Bộ GDĐT, thời gian tới sẽ xây dựng hệ thống thông tin tích hợp và ban hành quy chế tuyển sinh thống nhất trên toàn quốc, bảo đảm công bằng, minh bạch, thuận tiện để từng bước thống nhất và đồng bộ công tác tuyển sinh GDNN, GDTX giúp người học dễ dàng tiếp cận thông tin, đăng ký và xét tuyển. Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong các dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội trong năm 2025 nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Đại diện Bộ GDĐT khẳng định, không thể siết đầu vào ĐH để ưu tiên tuyển sinh cho các trường cao đẳng, vì phải bảo đảm quyền học tập của người dân. Thay vào đó, cần đổi mới truyền thông để người học nhận thức rõ lợi ích, cơ hội việc làm và thu nhập khi học cao đẳng, từ đó chủ động lựa chọn thay vì chỉ chạy theo ĐH. Truyền thông theo kiểu “thừa thầy thiếu thợ” hay “học ĐH ra không có việc làm” là cách tiếp cận sai, không làm thay đổi được tâm lý thích học ĐH. Chỉ khi nâng cao chất lượng đào tạo, tạo giá trị thực cho người học và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, số học sinh học cao đẳng mới tăng lên.