Từ phim trường tới lễ hội: Công nghiệp văn hóa sẽ giúp du lịch Ninh Bình 'lột xác'

Ninh Bình đang tìm kiếm giải pháp khai thác công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch bền vững, sáng tạo, gắn kết di sản và trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Công nghiệp văn hóa không phải là phụ kiện mà là chất xúc tác cho sự phát triển du lịch. Các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam mở ra con đường đa dạng hóa nền kinh tế cho địa phương, làm sâu sắc thêm trải nghiệm của du khách và nuôi dưỡng tâm hồn của người dân.

Đó là nhận định của ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam tại hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” do Báo Tiền Phong phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 9/5.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp đưa công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển du lịch bền vững và sáng tạo.

Nâng giá trị thương mại cho du lịch

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, hiện nay tỉnh xác định một số giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới tư duy phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hiện đại, tích hợp công nghệ và chuyển đổi số, hình thành các sản phẩm văn hóa có giá trị thương mại cao, gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc.

 Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa được ưu tiên phát triển như: điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, lễ hội… gắn với bản sắc di sản Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An. Một số trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa, khu trải nghiệm du lịch gắn với làng nghề truyền thống cũng đang được hình thành, trên cơ sở thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình phát triển, du lịch tỉnh Ninh Bình cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, các sản phẩm đổi mới sáng tạo mang lại giá trị gia tăng cao; chưa phân định rõ sản phẩm công nghiệp văn hóa mang tính thương mại với dịch vụ văn hóa mang tính công ích; thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư chuyển hóa tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch mang giá trị gia tăng cao, sản phẩm công nghiệp văn hóa…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm cho rằng để công nghiệp văn hóa trở thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, các địa phương nói chung và Ninh Bình nói riêng cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, phát triển bảo tàng ảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt khỏi phạm vi địa phương.

“Ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ chỉ số đo lường phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên,” ông Phan Tâm gợi ý.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội, đối với Ninh Bình, các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa và tâm linh sẽ có sức sống bền bỉ. Ví dụ, hành trình về cố đô Hoa Lư sẽ càng có chiều sâu nếu người đi được nghe kể về cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, được chứng kiến nghi lễ tái hiện lễ đăng quang, hoặc tham gia vào các hoạt động lễ hội truyền thống với vai trò là một “người nhập cuộc,” chứ không chỉ là khán giả.

 Các chuyên gia tham gia thảo luận trong hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia tham gia thảo luận trong hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tương tự, một hành trình đến chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á – sẽ không trọn vẹn nếu chỉ là đi qua các công trình kiến trúc mà không hiểu về triết lý Phật giáo, không cảm nhận được không khí tĩnh tại, hay không tham dự vào những nghi lễ thiền định, tụng kinh, dâng hương.

Hơn thế nữa, sản phẩm đặc trưng mang tính văn hóa-tâm linh còn là giải pháp quan trọng để giữ gìn và lan tỏa giá trị di sản trong lòng cộng đồng. Khi các yếu tố văn hóa bản địa được đưa vào khai thác một cách trân trọng, có chọn lọc và có chiến lược, thì chính người dân địa phương – từ nghệ nhân, sư thầy, trưởng làng, người già – sẽ trở thành chủ thể của quá trình phát triển du lịch, chứ không chỉ là người làm dịch vụ.

Văn hóa là động lực cho phát triển du lịch

Từ góc nhìn quốc tế, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng chìa khóa của vấn đề là công nghiệp văn hóa không phải là phần phụ trợ mà phải là động lực cốt lõi của phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, như các chuyên gia cảnh báo, từ nhận thức đến hành động vẫn còn là một chặng đường dài.

Ông Jonathan Baker đề xuất những giải pháp cụ thể như: Xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch; đầu tư trọng điểm cho các ngành sáng tạo có khả năng tạo sản phẩm có giá trị kinh tế; phát triển “vườn ươm di sản” hỗ trợ khởi nghiệp văn hóa tại địa phương; trao quyền cho giới trẻ qua các dự án kể chuyện kỹ thuật số, đào tạo kỹ năng và lan tỏa văn hóa bản địa thông qua công nghệ...

 Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh việc đầu tư vào văn hóa phải song hành với việc bảo vệ văn hóa. Bảo vệ cảnh quan văn hóa của Tràng An đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của địa phương, phối hợp chính sách và các công cụ lập kế hoạch để đảm bảo rằng du lịch góp phần củng cố chính những giá trị làm nên sự đặc biệt của Tràng An.

“Việc công nhận là Di sản Thế giới không phải là điểm cuối trong hành trình của chúng ta. Đó là sự gợi mở và định hướng để chúng ta hành động với tầm nhìn đầy trách nhiệm với các thế hệ tương lai. UNESCO vẫn cam kết hợp tác với người dân và lãnh đạo của Ninh Bình để hiện thực hóa tầm nhìn này,” ông Jonathan Baker nói.

Ông Jonathan Baker cho rằng bằng cách đặt văn hóa vào trọng tâm của du lịch và đặt cộng đồng vào trung tâm của hành động, chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của Ninh Bình như một điểm đến đẳng cấp thế giới, một mô hình phát triển bền vững và một cảnh quan sống động với di sản trường tồn.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, bà Park Eun Jung, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay các địa điểm quay phim truyền hình cũng có thể trở thành nội dung du lịch hấp dẫn. Ví dụ như thành phố Suwon có vị trí gần Seoul, tương tự như Ninh Bình gần Hà Nội, là nơi ghi hình nhiều bộ phim K-Drama. Những địa điểm xuất hiện trong phim được quảng bá mạnh mẽ, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

“Việc phát triển sản phẩm du lịch từ các địa điểm quay phim truyền hình được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên, chúng tôi tiến hành theo dõi các bộ phim truyền hình nổi tiếng, tiếp theo, mời các đại diện của các công ty du lịch tham gia khảo sát thực tế, sau đó xây dựng các sản phẩm du lịch. Cuối cùng, thu hút khách du lịch thông qua marketing trực tuyến trên các kênh khác nhau,” bà Park Eun Jung chia sẻ.

 Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch, Ninh Bình cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp với điểm đến du lịch. Trước mắt, tỉnh Ninh Bình cần rà soát tổng thể thực trạng, tiềm năng để xác định mức độ trùng khớp hoặc khả năng kết nối giữa các điểm đến du lịch với các cụm, tổ hợp không gian văn hóa sáng tạo.

"Giải pháp cụ thể là hướng tới đưa Hoa Lư gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nhằm định vị thương hiệu đô thị di sản trong tính kết nối với toàn tỉnh như một điểm đến hàng đầu châu Á về khả năng hội tụ sức sáng tạo trong hành trình khám phá các trải nghiệm du lịch văn hóa, lịch sử con người và thiên nhiên mang tính độc nhất vô nhị,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương nói./.

 Điểm du lịch Hang Múa nổi tiếng của Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Điểm du lịch Hang Múa nổi tiếng của Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tu-phim-truong-toi-le-hoi-cong-nghiep-van-hoa-se-giup-du-lich-ninh-binh-lot-xac-post1037533.vnp
Zalo