Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khuyến khích cộng đồng bảo tồn di sản

Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram là 3 làng đặc biệt khó khăn của xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Nơi đây có 95% dân số là đồng bào Bahnar với những giá trị văn hóa đặc trưng. Dự án đào tạo các kỹ năng nghề thủ công truyền thống đan lát, làm cung nỏ của người Bahnar cho 3 làng này được triển khai từ cuối tháng 12-2024, không chỉ truyền dạy nghề truyền thống cho cộng đồng mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển sinh kế và du lịch.

Dự án là một phần của chương trình “Tài trợ nhỏ về bảo tồn và quản lý bền vững các Vườn di sản ASEAN (AHP)” do Tổng cục Môi trường chủ trì, với sự tham gia của các Vườn Quốc gia ASEAN: Ba Bể, Hoàng Liên, Chư Mom Ray và Kon Ka Kinh. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hà Đông là đơn vị chủ trì dự án, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là cơ quan giám sát.

 Thế hệ trẻ của xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) được truyền dạy nghề từ trong trường học để nâng cao ý thức bảo tồn nghề truyền thống. Ảnh: H.N

Thế hệ trẻ của xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) được truyền dạy nghề từ trong trường học để nâng cao ý thức bảo tồn nghề truyền thống. Ảnh: H.N

Triển khai thực hiện dự án, từ chỗ chỉ sử dụng nghề đan lát để phục vụ đời sống thường nhật, người Bahnar ở các làng bước đầu tiếp cận kỹ thuật nâng cao, tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, phong phú, hướng tới thị trường du lịch.

Theo bà Đoát-Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Đông: Tham gia dự án, bà con không chỉ được dạy nghề mà còn học cách tổ chức nhóm nghề, quản lý, điều hành và đặc biệt là tư duy sáng tạo, cải tiến sản phẩm để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.

Bên cạnh đó, học sinh các khối lớp 6 đến 9 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trần Kiên (xã Hà Đông) cũng được tham gia học nghề trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa. Mỗi đợt tập huấn kéo dài 4 ngày, do các nghệ nhân làng nghề đan lát Ngơm Thung (xã Ia Pết) trực tiếp hướng dẫn.

Nghệ nhân Hyoi cho biết: “Chúng tôi chỉ cho họ cách chuốt nan, đan gùi, tạo hoa văn, làm đáy và miệng gùi… Nhiều người hiện đã tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, rất đẹp và đúng kỹ thuật. Từ kỹ thuật cơ bản này, người biết nghề có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm đan lát khác”.

Đặc biệt, các hoạt động của dự án còn chú trọng đến việc giúp người dân hiểu cách khai thác, xử lý nguyên liệu tự nhiên một cách bền vững-yếu tố cần thiết để tạo sinh kế đi đôi với bảo tồn tài nguyên rừng.

 Người dân các làng xã Hà Đông (huyện Đak Đoa)-thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh được học nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững. Ảnh: H.N

Người dân các làng xã Hà Đông (huyện Đak Đoa)-thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh được học nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững. Ảnh: H.N

Tạo dựng làng nghề du lịch

Việc hình thành tổ, nhóm nghề ở các làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram không chỉ là bước khôi phục, giữ gìn nghề mà còn hướng tới xây dựng làng nghề du lịch-sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Chị Vũ Thị Chinh-Đại diện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, đơn vị giám sát dự án-khẳng định: “Khi hình thành dịch vụ du lịch trải nghiệm từ các làng vùng đệm sẽ kết nối phục vụ du khách từ trung tâm Vườn Quốc gia vào các làng Bahnar-nơi họ có thể tham gia trải nghiệm nghề thủ công, hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo”.

Để chuẩn bị cho tour kết nối hệ sinh thái-văn hóa-làng nghề này, Vườn Quốc gia cũng đã khảo sát, đánh giá độ hấp dẫn và trải nghiệm để xây dựng sản phẩm du lịch.

Theo chị Chinh, từ trung tâm Vườn Quốc gia, du khách sẽ trekking xuyên rừng để đến các làng Bahnar hiền hòa nằm giữa núi rừng Kon Ka Kinh. Nếu có thêm hoạt động trải nghiệm làng nghề do cộng đồng hướng dẫn sẽ tăng sức hấp dẫn cho tour du lịch này.

Để tạo sự lan tỏa, dự án đã tổ chức cho bà con tham quan mô hình làng nghề đan lát Ngơm Thung-nơi có nhiều nghệ nhân tay nghề cao, mô hình tổ chức nhóm nghề hiệu quả. Người dân các làng vùng đệm có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật đến cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Đông, đây là lần đầu tiên các hộ dân trong xã được tiếp cận với cách làm ra sản phẩm phục vụ du lịch. “Trước đây, bà con làm theo tập quán, thói quen, chưa chú ý đến hình thức. Nay họ biết cách làm ra sản phẩm bền, chú trọng giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Một số sản phẩm như gùi, mẹt, giỏ xách… được gửi về cho chúng tôi để giới thiệu, quảng bá”-bà Đoát cho biết.

 Sau khóa học được nghệ nhân hướng dẫn, học sinh đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt từ nghề đan lát. Ảnh: H.N

Sau khóa học được nghệ nhân hướng dẫn, học sinh đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt từ nghề đan lát. Ảnh: H.N

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Dù nghề đã được truyền dạy kỹ thuật nhưng người làm nghề cần sự ổn định, được tiếp cận thị trường thuận lợi. Do đó, dự án đã triển khai các kênh marketing như lập tài khoản Zalo bán hàng, Facebook, TikTok Shop; liên kết các địa điểm du lịch, đăng ký tham gia các hội chợ văn hóa để giới thiệu sản phẩm.

“Chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm từ làng sẽ nhanh chóng tiếp cận với khách du lịch. Khi có tour trải nghiệm từ Vườn Quốc gia về làng, du khách có thể tham gia đan lát, nghe kể chuyện về văn hóa, chọn mua sản phẩm về làm quà”-chị Chinh nói.

Những sản phẩm như chiếc gùi đan hoa văn, mẹt đựng, mô hình nhà rông, bộ cung nỏ… không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn chứa đựng giá trị văn hóa đặc trưng của người Bahnar. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện về sự gắn bó lâu bền giữa con người với môi trường tự nhiên qua bao thế hệ.

Chính vì vậy, dù mới bắt đầu, dự án đã tạo ra những chuyển biến tích cực: các nhóm nghề thủ công đầu tiên được thành lập, người dân học được cách tổ chức sản xuất và sáng tạo ra sản phẩm phong phú.

Khi văn hóa truyền thống góp phần cải thiện sinh kế, đặc biệt thông qua con đường du lịch trải nghiệm, những giá trị vật chất và tinh thần sẽ cộng hưởng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch cộng đồng ở các làng vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giu-nghe-de-tao-dung-lang-du-lich-post322354.html
Zalo