Ninh Thuận: Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả
Ninh Thuận - Mảnh đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống và tiềm năng du lịch, đã khoác lên mình diện mạo tươi mới, rực rỡ, đậm đà sắc màu lễ hội nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2025).

Toàn cảnh lễ khai hội văn hóa du lịch ẩm thực
Với sự chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa khắp mọi miền quê hương.
Ngay từ đầu tháng 4/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai hàng loạt chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên toàn tỉnh. Hơn 229 panô, 455 băng rôn, 2.683 phướn, hơn 14.000 cờ các loại được trang hoàng khắp các tuyến phố, khu dân cư, cơ quan công sở và điểm đến du lịch. Nổi bật là các địa phương như TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn đều đua nhau “thay áo mới” cho không gian công cộng bằng hệ thống cờ hoa, ánh sáng và cụm panô rực rỡ.
Song song, công tác tuyên truyền trên báo chí, truyền hình và không gian mạng được đẩy mạnh. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đăng tải 38 tin, bài, phóng sự chuyên sâu về tuần văn hóa, thể thao, du lịch và ẩm thực Ninh Thuận 2025. Cổng thông tin điện tử tỉnh mở chuyên mục riêng để lan tỏa những hình ảnh đẹp, thông tin tích cực, góp phần quảng bá hình ảnh một Ninh Thuận thân thiện, bản sắc và hiếu khách.
Trung tâm của các hoạt động dịp lễ là tuần văn hóa, thể thao, du lịch và ẩm thực Ninh Thuận 2025, được khai mạc hoành tráng với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Chương trình nghệ thuật “Ninh Thuận yêu thương” kết hợp trình diễn công nghệ drone light, pháo hoa và hơn 60 gian hàng ẩm thực, sản phẩm OCOP đã tạo nên bữa tiệc văn hóa đặc sắc, hút hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, chuỗi biểu diễn nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh với chủ đề “Về miền Di sản” và đêm nhạc EDM trẻ trung sôi động đã khuấy động không khí lễ hội, lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc đến từng trái tim. Hoạt động phục vụ cộng đồng cũng được chú trọng, như chương trình biểu diễn tại Trại giam Sông Cái nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, các buổi biểu diễn văn hóa Chăm, trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh và Tháp Pô Klông Garai.
Riêng trong hai ngày cao điểm 30/4 và 1/5, các điểm du lịch văn hóa thu hút hơn 5.400 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 500 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ vé tham quan đạt trên 68 triệu đồng, thể hiện sức hút mạnh mẽ của du lịch văn hóa Ninh Thuận.

Các đại biểu và khách mời tham dự buổi khai hội
Không khí thể thao cũng sôi động không kém với Giải đua xe đạp phong trào tỉnh quy tụ 112 vận động viên từ 13 câu lạc bộ, chia theo ba nhóm tuổi và cự ly thi đấu khác nhau. Cùng với đó là Lễ hội Khinh khí cầu lần đầu tiên tổ chức tại Quảng trường 16/4, mang đến những trải nghiệm độc đáo với 15 khinh khí cầu đầy màu sắc bay trình diễn, tạo nên điểm check-in ấn tượng cho du khách và người dân.
Các huyện, thành phố cũng đồng loạt tổ chức giải bóng chuyền, bóng đá mini, đua thuyền truyền thống và hàng loạt trò chơi dân gian. Tiêu biểu như giải đua thuyền rồng tại Đầm Nại (Ninh Hải), ba đêm văn nghệ tại Ninh Phước, 18 buổi sinh hoạt văn hóa thể thao tại Thuận Nam hay đêm văn nghệ ấm áp tại huyện Bác Ái, Thuận Bắc.

Các đội tham gia giải đua thuyền trong những ngày lễ
Trong bối cảnh toàn ngành du lịch cả nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ đã cho thấy tầm nhìn dài hạn trong việc gắn kết văn hóa - thể thao - du lịch thành một chỉnh thể sinh động. Các hoạt động không chỉ mang tính tuyên truyền kỷ niệm mà còn là chất xúc tác khơi dậy tình yêu quê hương, phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa, đồng thời quảng bá, thu hút du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.