Nhà phát minh nổi tiếng có tài sản 16,8 tỉ USD: 'Cuộc đời tôi là một chuỗi thất bại'

James Dyson là nhà phát minh nổi tiếng của nước Anh, từng trải qua 5.126 lần thất bại trước khi phát minh ra máy hút bụi Dyson sử dụng công nghệ lốc xoáy kép. Theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú Bloomberg), giá trị tài sản ròng của ông hiện là 16,8 tỉ USD.

Thế nhưng, James Dyson nói rằng: "Cuộc đời của tôi là một chuỗi thất bại".

James Dyson bộc lộ năng khiếu phát minh từ rất sớm. Khi còn theo học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (London, thủ đô Anh), ông đã nổi tiếng với những phát minh như tàu sân bay và xe cút kít chân bóng.

Một ngày nọ vào năm 31 tuổi, khi đang sửa máy hút bụi trong trang trại của mình, James Dyson phát hiện nếu càng hút nhiều bụi thì máy sẽ dễ bị tắc nghẽn và làm giảm lực hút. Ông quyết định giải quyết vấn đề này và bắt tay vào con đường nghiên cứu, phát triển máy hút bụi.

Dù phát triển hàng ngàn mô hình nhưng thành công, James Dyson không bỏ cuộc, ngay cả khi phải vay ngân hàng lãi suất cao và ôm khoản nợ 2 triệu bảng Anh.

Sau 5 năm nỗ lực không ngừng, cuối cùng James Dyson đã thành công ở lần thứ 5.127. Ông đã phát minh ra máy hút bụi lốc xoáy kép không túi, sáng tạo hộp đựng bụi trong suốt.

Máy hút bụi không túi là loại không dùng túi đựng bụi bên trong. Thay vì bụi được hút vào và tích trữ trong một cái túi, loại máy này dùng hộp chứa bụi bằng nhựa hoặc kính trong suốt. Khi đầy, bạn chỉ cần tháo hộp ra, đổ bụi đi và lắp lại, không cần thay túi mới.

Trước khi gặt hái được thành công, James Dyson phải khó khăn trong lĩnh vực tiếp thị. Thời điểm đó, các công ty ở Anh chỉ sản xuất loại máy hút bụi có túi, nhằm thu lợi nhuận cao. Họ không xem trọng máy hút bụi mới do James Dyson thiết kế, khiến công ty của ông phải đứng trước bờ vực phá sản.

Để tìm đường sống, James Dyson đến Nhật Bản, nơi có văn hóa nội trợ rất mạnh. Ông không ngờ máy hút bụi của mình lại rất được ưa chuộng và bán chạy tại đây. Năm 1991, James Dyson đã giành được giải thưởng Thiết kế Quốc tế.

Năm 1993, James Dyson quyết định quay trở lại thị trường Anh. Ông thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển cùng nhà máy ở đây, đồng thời thu hút người tiêu dùng mua máy hút bụi lốc xoáy kép bằng chiến dịch quảng cáo truyền hình “Nói lời tạm biệt với những chiếc túi”.

Ngoài ra, James Dyson tiến hành một cách tiếp cận khác, hợp tác với thương hiệu thời trang Paul Smith để bán máy hút bụi của mình tại các cửa hàng ngoại tuyến và doanh số thậm chí còn cao hơn so với các cửa hàng điện máy.

Sau đó, những chiếc máy hút bụi của thương hiệu Dyson từng bước chiếm lĩnh thị trường nước Anh và mở rộng ra thế giới.

James Dyson nổi tiếng với việc sáng chế ra máy hút bụi không túi - Ảnh: Getty Images

James Dyson nổi tiếng với việc sáng chế ra máy hút bụi không túi - Ảnh: Getty Images

Cho ra đời những sản phẩm mang tính cách mạng khác như quạt không cánh và máy sấy tay có bộ lọc HEPA sau máy hút bụi, nhà phát minh nổi tiếng này đã lập nên một đế chế Dyson.

Bộ lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air) là một loại bộ lọc rất hiệu quả trong việc giữ lại bụi bẩn, phấn hoa, vi khuẩn, lông thú cưng và các hạt cực nhỏ trong không khí.

Đặc điểm nổi bật của bộ lọc HEPA

- Giữ lại ít nhất 99,97% các hạt bụi có kích thước nhỏ tới 0,3 micromet (0,3 µm). Đây là kích thước hạt "khó lọc" nhất.

- Được cấu tạo từ các lớp sợi siêu nhỏ (thường làm bằng sợi thủy tinh) đan xen phức tạp.

- Được dùng nhiều trong máy hút bụi, máy lọc không khí, điều hòa không khí, phòng mổ bệnh viện...

Hiểu đơn giản, HEPA giúp không khí sạch hơn, giảm dị ứng, bệnh hô hấp, tăng chất lượng sống trong môi trường kín.

Máy hút bụi Dyson và nhiều hãng khác thường tích hợp bộ lọc HEPA để đảm bảo bụi mịn không bị thổi ngược ra ngoài trong quá trình hút.

“Chấp nhận thất bại là điều thiết yếu trong cuộc sống”

Trong cuộc phỏng vấn với trang The Wall Street Journal (được đăng hôm 26.4), James Dyson nói rằng việc chấp nhận thất bại là điều thiết yếu trong cuộc sống. Ông kể từng tạo ra 5.127 nguyên mẫu trong suốt 5 năm trước khi trình làng máy hút bụi không túi vào năm 1993.

“Điều này đúng với nhà văn, nhà làm phim và đủ loại người khác. Cuộc đời là một chuỗi thất bại. Phải mất một thời gian dài trước khi bạn tìm thấy thứ hiệu quả. Bạn chỉ cần làm quen với điều đó”, ông chia sẻ.

James Dyson (năm nay 77 tuổi) cho biết rất thích những lần thất bại và những khó khăn mà ông từng trải qua trong sự nghiệp, vì sự khôn ngoan thực sự đến từ kinh nghiệm.

“Ở trường học, người ta dạy bạn phải đưa ra câu trả lời đúng ngay lần đầu tiên”, ông nói. Các học sinh thông minh có thể nhanh chóng tìm ra câu trả lời, nhưng theo James Dyson, điều đó lại khiến họ thua thiệt so với những người mất nhiều thời gian hơn, "vì không được trải nghiệm thất bại một cách sâu sắc và học cách vượt qua nó".

Theo James Dyson, người thông minh có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nên ít có cơ hội trải nghiệm thất bại. Trong khi đó, người phải vật lộn để tìm ra đáp án thì trải qua nhiều lần sai và sửa sai, nhờ vậy họ học được sự kiên trì và cách vượt qua khó khăn. Bài học này rất quý giá trong cuộc sống.

Với James Dyson, khả năng kiên trì và thích ứng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà ai cũng cần học. “Cuộc sống là tìm cách khiến mọi thứ vận hành. Đó là những gì bạn phải làm. Thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ thất bại. Khi một việc đã vận hành trơn tru rồi, nó sẽ ít thử thách hơn, cũng trở nên kém thú vị hơn”, ông nói.

Ngoài việc phải tạo ra 5.127 nguyên mẫu để cho ra đời chiếc máy hút bụi mang thương hiệu Dyson đầu tiên, James Dyson cũng nổi tiếng vì hủy bỏ kế hoạch tham gia thị trường ô tô điện năm 2019 sau khi chi hơn 600 triệu USD để phát triển một mẫu xe mà ông nhận ra là không khả thi về mặt thương mại.

"Con đường đến thành công không bao giờ thẳng tắp. Đây không phải là dự án đầu tiên mà tôi thay đổi hướng đi và cũng sẽ không phải là dự án cuối cùng", James Dyson viết trong một bức thư thông báo quyết định.

Về chiếc ô tô điện bị hủy bỏ, James Dyson chia sẻ: "Tôi nhận ra rằng dự án này quá mạo hiểm".

Khi ở tuổi xế chiều, James Dyson giữ được niềm đam mê của một nhà phát minh. Ông nắm rõ về các dự án khác nhau của công ty Dyson và dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm cùng các kỹ sư tiến hành thử nghiệm sản phẩm mới.

James Dyson thích nghiên cứu và không bao giờ sợ thất bại.

“Thất bại nằm trong ADN của các nhà phát minh. Bạn không thể học được điều gì có giá trị từ thành công, nhưng có thể học được rất nhiều từ thất bại”, ông nhấn mạnh.

James Dyson yêu cầu nhân viên "hãy suy nghĩ như một kỹ sư" và dạy họ thiết kế vì tin rằng sản phẩm mới là chìa khóa cho sự tồn tại của công ty.

Ngoài ra, James Dyson còn thuê những nhà quản lý chuyên nghiệp để mở rộng kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau và không ngừng làm phong phú hệ thống sản phẩm, đưa đế chế của mình ngày càng phát triển.

“Tôi chưa bao giờ là doanh nhân, muốn tự mình thiết kế các sản phẩm và yêu thích điều đó”, ông tuyên bố.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-phat-minh-noi-tieng-co-tai-san-16-8-ti-usd-cuoc-doi-toi-la-mot-chuoi-that-bai-232012.html
Zalo