Từ Pác Bó đến Sài Gòn
Trong đoàn quân trùng điệp tiến về giải phóng Sài Gòn mùa Xuân 1975, những người con quê hương Cao Bằng tiếp tục góp sức cùng cả dân tộc làm nên giờ khắc lịch sử: Non sông thu về một mối. Nửa thế kỷ đi qua, với những người lính ấy, cảm xúc của Ngày thống nhất vẫn còn nguyên vẹn, đầy ắp niềm vui và tự hào.
Hơn nửa thế kỷ trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, hàng chục nghìn thanh niên các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã hăng hái lên đường chi viện cho tiền tuyến.

Cựu chiến binh Ma Việt Anh (Thành phố Cao Bằng) bên tấm ảnh chân dung chụp tại Sài Gòn thời điểm ngày 1/5/1975
Khi đó, chàng thanh niên Ma Việt Anh đang là sinh viên năm thứ 3 trường ĐHSP Việt Bắc cũng quyết định gác bút nghiên, lên đường ra trận. Vóc dáng gầy nhỏ (nhập ngũ chỉ nặng 42kg), nhưng chàng trai Cao Bằng đã bền bỉ cùng đồng đội vượt Trường Sơn, tham gia hàng chục trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên. Tháng 4/1975, ông tham gia trận đánh căn cứ Đồng Dù, vốn được coi là "sự cố thủ" cuối cùng của địch ở hướng tây bắc Sài Gòn... Trong số những kỷ vật người lính cựu Ma Việt Anh còn giữ lại được là tấm ảnh chân dung đen trắng, được ông chụp gửi về gia đình thời điểm Sài Gòn vừa giải phóng.
“Ngày 29/4, khoảng hơn 11h chúng tôi giải quyết xong căn cứ Đồng Dù, lúc đó mừng lắm vì mình còn sống sau một trận đánh ác liệt. Hôm sau, khi tiến cách Sài Gòn chừng 10km thì nghe tin Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, chúng tôi bỏ hết ba lô mà nhảy lên, nhảy ở giữa đường ấy, ôm lấy nhau mà rơi nước mắt. Hai hôm sau tôi ra thành phố chụp tấm ảnh để gửi về cho gia đình với lời nhắn "bố mẹ ơi con còn sống". Tròn 50 năm, với tôi, đó là tấm ảnh lịch sử. Bây giờ nghĩ lại tôi không nghĩ mình lại có đủ nghị lực, đủ sức mạnh để vượt qua chặng đường hàng nghìn km để đến chiến trường miền Nam”, ông Ma Việt Anh kể lại.

Thiếu tướng Trần Hữu Hoàn, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 1 chia sẻ: Giai đoạn 1965-1970, thanh niên Cao Bằng có mặt trong đoàn quân đi chiến đấu giải phóng miền Nam là sự tự hào, vinh dự và cả trách nhiệm
Giai đoạn từ năm 1965 - 1975, đã có gần 27.000 thanh niên của tỉnh Cao Bằng nhập ngũ. Cùng với đó là hàng vạn ngày công, hàng nghìn tấn lương thực được đồng bào chắt chiu, gửi ra chiến trường. Sau giải phóng, Cao Bằng có 1.494 thương binh, 5.548 liệt sỹ và có 9 người vinh dự được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cựu chiến binh Đàm Thế Chinh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng kể lại thời khắc thiêng liêng non sông thu về một mối, ngày 30/4/1975
Thiếu tướng Trần Hữu Hoàn, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 1 chia sẻ: Đối với thanh niên Cao Bằng khi ấy, có mặt trong đoàn quân đi chiến đấu giải phóng miền Nam là sự tự hào, vinh dự và cả trách nhiệm: “Lúc ấy tiểu đoàn của tôi vào chiến trường có hơn 500 quân, một phần bổ sung vào Trung đoàn 66. Đại đội của tôi là bổ sung cho Trung đoàn 66 đều là người Cao Bằng, trước đó cũng đã có một số anh người Cao Bằng rồi. Lúc ấy chúng tôi tâm thế ra trận để giải phóng miền Nam nên không nghĩ gì chuyện sống chết đâu. Giờ hòa bình rồi, chỉ mong thế giới không còn chiến tranh nữa, mong thế hệ trẻ hãy noi gương cha anh xây dựng đất nước phồn vinh, to đẹp hơn”.
Từ đội quân 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ trong sự đùm bọc, che chở của đồng bào miền biên giới Cao Bằng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, là biểu tượng sáng ngời về lòng trung hiếu, anh dũng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ vùng đất cách mạng Cao Bằng
Cựu chiến binh Đàm Thế Chinh (xóm Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) hồi tưởng: Mỗi người lính được tiến vào Sài Gòn, được chứng kiến giờ khắc thiêng liêng non sông thu về một mối sẽ đều có cảm xúc không dễ thể hiện thành lời nói.
“Đúng là cả đời người chúng tôi được chứng kiến cảnh quân ngụy chạy hỗn loạn trên đường phố Sài Gòn và cảnh mừng chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Sau đó vào Sài Gòn và Tân Sơn Nhất xong thì chúng tôi nghĩ ra một bài thơ chúng tôi đã viết trên báo tường của đơn vị: Vào Sài Gòn sáng hôm nay/Phố phường gió lộng đỏ bay sắc cờ/Sài Gòn năm tháng ước mơ/Về đây ai đó chớ ngờ chiêm bao/Trên đường lại nhớ đường vào, đoạn đường đi phải xa bao bạn đường/Có người ngã lúc đêm đông/Có người ngã lúc ánh hồng bình minh/ Hôm nay vui nghĩa vui tình/Vui sao mà nước mắt mình cứ rơi”.