Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Điểm dừng chân đặc biệt - nơi hiện thực và ký ức cùng tồn tại
Sự kiện 30/4 không chỉ là dịp để người Việt Nam tưởng nhớ quá khứ hào hùng mà còn là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu hơn về hành trình giành độc lập, thống nhất đất nước. Qua những cảm nhận tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hình ảnh Việt Nam hiện lên đầy kiêu hãnh với khát vọng hòa bình và tinh thần bất khuất.
Ngày 30/4/1975 là một dấu mốc không thể quên trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình và phát triển. Tròn 50 năm sau, không khí kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước đang tràn ngập trên khắp các tỉnh, thành, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân Việt Nam mà còn của đông đảo du khách quốc tế.
Dọc theo những tuyến phố rợp cờ hoa tại Hà Nội, dòng người đổ về các địa danh lịch sử mỗi lúc một đông. Trong không khí trang nghiêm ấy, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trở thành điểm dừng chân đặc biệt - nơi hiện thực và ký ức cùng tồn tại. Ở đây, quá khứ không bị lãng quên, mà được sống lại qua từng hiện vật, bức ảnh, lời kể. Từng chi tiết trong bảo tàng là minh chứng cho một thời đại mà sự kiên cường là vũ khí mạnh mẽ nhất.

Nữ du khách mặc áo dài trắng giữa hàng ngũ cán bộ công an tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Khi lịch sử Việt Nam chạm đến trái tim thế giới
Thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người tham quan (trong đó có cả du khách nước ngoài) không khỏi sự xúc động khi tận mắt chứng kiến những dấu tích chiến tranh và được tiếp cận câu chuyện từ chính những người từng trải qua thời kỳ ấy.
Tình cờ có mặt ở Việt Nam đúng dịp 304, ông Steve Woods đến từ Miami (Mỹ) gọi đây là “một may mắn không ngờ tới”, bởi chuyến đi này đã khiến ông “phải nhìn lại mọi điều từng tin là đúng”.
“Tôi lớn lên trong thời chiến tranh Việt Nam, nhưng tất cả những gì tôi biết đều qua báo chí Mỹ - một chiều và giới hạn,” ông kể, mắt vẫn dõi theo tấm ảnh những người lính giải phóng vượt Trường Sơn. Đối với ông, khoảnh khắc bước vào bảo tàng giống như mở ra cánh cửa dẫn về một thực tại khác, nơi mà “sự thật không cần phải phán xét, chỉ cần được lắng nghe”.

Ông Steve Woods (Hoa Kỳ) chia sẻ cảm nhận sau chuyến tham quan bảo tàng.
Là một người yêu nước, ông nói mình vẫn tự hào về quê hương. Nhưng chính vì thế, ông cũng thấy trách nhiệm của một công dân Mỹ là “phải học cách đối diện với những gì lịch sử đã gây ra”. Chiến tranh, theo lời ông, “luôn là sự phí phạm lớn nhất mà nhân loại tự gây ra cho nhau”. Giọng trầm lại, ông thì thầm như tự nói với mình: “Người Việt đã phải chịu đựng quá nhiều. Vậy mà họ vẫn đứng lên, vẫn mở lòng đón khách. Đó là điều khiến tôi cảm phục.”
Khi được hỏi ông nghĩ gì về tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam, ông đáp: "Tôi nghĩ người Việt lúc ấy vô cùng mạnh mẽ. Họ phải chiến đấu trong thời gian rất dài, trước cả người Pháp rồi đến người Mỹ. Điều đó đòi hỏi ý chí kiên cường và lòng yêu nước sâu sắc."
Trở về để nhớ, để kể lại
Không chỉ có du khách nước ngoài, những cựu chiến binh từng sống và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến cũng trở lại Bảo tàng Lịch sử Quân sự để tìm về ký ức. Ở một góc khác của bảo tàng, ông Mai Văn Đỉnh, một cựu chiến binh từng công tác tại Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng, lặng lẽ nhìn những hiện vật quen thuộc của một thời tuổi trẻ. Ký ức chiến tranh ùa về như những thước phim quay chậm, ông nhấn mạnh điều đã làm nên sức mạnh của quân và dân Việt Nam: "Khí thế hào hùng của toàn dân tộc là điều đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Dù hành quân vất vả, gian khổ nhưng khi đã ra trận, ai cũng hô vang, át hết cả mệt mỏi, sợ hãi. Đó là khí thế của một dân tộc không chấp nhận khuất phục."

Cựu chiến binh Mai Văn Đỉnh trò chuyện cùng các bạn sinh viên tại bảo tàng.
Ông Đỉnh cũng không quên nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay – những người đang sống trong hòa bình, nhưng mang trên vai trách nhiệm viết tiếp giấc mơ phát triển đất nước: "Các cháu đi đâu cũng hãy mang theo khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Phải học tập, rèn luyện thật tốt để sau này xây dựng đất nước vững mạnh, sánh vai với các cường quốc. Đó cũng là điều mà Bác Hồ từng mong muốn."
Kết nối quá khứ - hướng đến tương lai
Ngày 30/4 không chỉ là dịp để người dân Việt Nam tưởng nhớ về một quá khứ hào hùng mà còn là thời điểm để mỗi người, dù là người trong cuộc hay du khách quốc tế, nhìn lại những bài học sâu sắc từ lịch sử. Những câu chuyện, hình ảnh, và hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ kể lại những trận chiến đấu gian khổ, mà còn là minh chứng sống động cho ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước.
Qua những cảm nhận từ ông Steve Woods và ông Mai Văn Đỉnh, chúng ta càng nhận rõ những giá trị của hòa bình, tự do và độc lập không bao giờ là dễ dàng có được. Đặc biệt, qua sự nhìn nhận của một người Mỹ, chúng ta càng hiểu thêm, dù thế giới có thay đổi, những ký ức về chiến tranh vẫn luôn là những bài học đắt giá để mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có thể gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn.

Sinh viên cùng các cựu chiến binh trong chuyến thăm bảo tàng.
Cảm ơn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã là nơi giữ gìn những ký ức thiêng liêng, nơi kết nối quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về hành trình đấu tranh, và cũng là nơi thế giới hiểu hòa bình là điều quý giá và cần được bảo vệ bằng mọi giá. Chính từ đây, mỗi người chúng ta lại thêm một lần nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của hòa bình - không chỉ trong từng ngày sống mà còn trong mỗi bước tiến của đất nước.