Từ 'hòn ngọc Viễn Đông' đến đầu tàu kinh tế cả nước
Sau 50 năm thống nhất đất nước, TPHCM đã vươn mình trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Với nhiều công trình quy mô kỷ lục và các siêu đô thị vệ tinh đã tạo nên diện mạo của Thành phố mang tên Bác hôm nay.
Biểu tượng “Hòn ngọc Viễn Đông”
Ngược dòng lịch sử Gia Định - Sài Gòn - TPHCM, học giả Trần Hữu Phúc Tiến - tác giả của nghiên cứu về dấu tích "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông" đã phát hiện ra rằng, ngay từ giai đoạn 1865 - 1900, phần lớn dinh thự và công trình lớn của TP Sài Gòn - Chợ Lớn đều lấy nguyên mẫu từ nước Pháp. Thậm chí, nguồn nhân lực thiết kế cũng như thi công, nguồn vật liệu cho các công trình cũng được huy động từ Pháp, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), bên cạnh sử dụng nhiều nguồn địa phương. Từ năm 1880 trở đi, một số kiến trúc lớn mang tính biểu tượng của TP, có thể kể đến như Bưu điện Trung tâm, Dinh Thống đốc Nam Kỳ (ban đầu là Bảo tàng thương mại)... Từ năm 1920 - 1930, xuất hiện nổi bật là các công trình cao ốc Catinat (1927, nay ở số 26 Lý Tự Trọng), cao ốc số 213 Catinat (cùng thời gian, nay không còn), trụ sở Công ty Xăng dầu Pháp - Á (khoảng 1930, nay là tòa nhà Petrolimex), Bệnh viện Hui Bon Hoa (1937, Bệnh viện Sài Gòn), Câu lạc bộ Sĩ quan Hải quân Pháp (1938, nay là Văn phòng Chính phủ tại TPHCM), khu biệt thự Hui Bon Hoa (1930, nay là Nhà khách Chính phủ)…

TPHCM ngày càng phát triển. Ảnh: Khánh Phan.
Đến giai đoạn quân đội Mỹ thay chân Pháp vào xâm lược nước ta đã đổ tiền của xây dựng TP Sài Gòn thành một “đế chế” ăn chơi bậc nhất khu vực, nhằm phục vụ cho cỗ máy chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Như vậy, thời điểm thập niên 60 - 70 thế kỷ XX, TP Sài Gòn đã được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” và danh xưng này được định danh duy nhất ở khu vực từ đó. Các đô thị lớn ở khu vực Đông Nam Á đều lấy hình tượng “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn như hình mẫu để phát triển theo.
Theo KTS.KS Trần Văn Long - Đoàn giám sát các dự án của Công ty cổ phần Vinhomes, Sài Gòn xưa, kể từ năm 1920 đến trước giải phóng miền Nam 1975 đã chứng kiến sự mở rộng liên kết và quy hoạch giao thông giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong đó, chợ Bình Tây ra đời năm 1928 trở thành một trung tâm thương mại làm "đầu tàu" cho kinh tế thành phố phát triển, liên kết vùng với các vùng nông thôn rộng lớn Bình Chánh (nay là huyện Bình Chánh, TPHCM) và tỉnh Long An. Việc hợp nhất và công bố thành lập Khu Sài Gòn - Chợ Lớn sau đó tiếp tục tạo không gian phát triển lớn hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển và quy mô dân số gia tăng của thành phố so với thế kỷ trước. Cũng theo nghiên cứu của KTS.TS Trần Văn Long, TPHCM hiện nay đã phát triển hơn nhiều so với thời kỳ “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu về vị thế, tầm vóc, quy mô, chức năng của một “siêu đô thị” đủ tầm. Thậm chí, những thành phố lớn trong khu vực, như Bangkok, Singapore, Busan… đều đã vượt lên, dù TPHCM có xuất phát điểm ban đầu tốt hơn.
Khẳng định “đầu tàu” tăng trưởng của cả nước
Về những thay đổi kinh tế quan trọng của TPHCM, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, 50 năm là chặng đường với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Với quyết tâm, nỗ lực vươn mình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đặc biệt là ý chí vượt qua khó khăn, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đã giúp thành phố trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới, mở cửa. Quá trình đó, TPHCM đã trở thành cái nôi của đột phá, “đi trước, về đích trước”, cùng cả nước và vì cả nước để đưa kinh tế đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đóng góp rõ ràng nhất, là vào năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM được tạo cơ chế, điều kiện nhập khẩu máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất. Nền kinh tế thành phố đã phát triển vượt bậc từ thời điểm đó. Đến nay, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố đã khẳng định vị trí hàng đầu, đóng góp hơn 50% GRDP và 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, đối với 50 đơn vị, doanh nghiệp chủ lực của TPHCM, với doanh thu đạt hơn 461.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 10.500 tỷ đồng trong 50 năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành công suốt 40 năm qua, trở thành những thương hiệu quen thuộc, uy tín với người tiêu dùng như: Vinamilk, Saigon Co.op, Masan, Coteccons, Biti's, PNJ...
Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, công trình giao thông, TPHCM cũng dẫn đầu cả nước về những kỷ lục và quy mô xây dựng. Điển hình là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, rộng 2.600ha) được quy hoạch từ năm 1993, ban đầu là vùng đầm lầy hoang sơ nay trở thành khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu. Khu đô thị này bao gồm các hạ tầng trung tâm hành chính, làng đại học, khu kỹ thuật cao, hệ thống tiện ích hoàn chỉnh về giáo dục, y tế, thương mại, giải trí và không gian xanh. Sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TPHCM tiếp tục phát triển TP Thủ Đức - mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước; các “siêu đô thị” trong lòng đô thị, như Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức), Vinhomes Central Park (bao gồm tòa nhà Landmark 81), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), siêu đô thị bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)... Đến nay, hầu hết các siêu đô thị này đã hình thành và đang được mở rộng về quy mô và phát triển cơ sở hạ tầng, không gian xanh.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay thành phố đã thành lập Hội đồng bình chọn 50 công trình xây dựng tiêu biểu để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên cạnh các khu đô thị, siêu đô thị, các công trình giao thông trọng điểm như tuyến Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) - dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM đã được đưa vào vận hành thương mại sau 16 năm triển khai. Công trình này cũng vừa được UBND TPHCM công nhận là công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023, chính quyền thành phố phải quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức bình quân cả nước. Nghĩa là, bình quân giai đoạn 2026-2035, kinh tế TPHCM phải duy trì tăng trưởng hàng năm 2 con số (11 - 12%/năm) và duy trì tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo (khoảng 9 - 10%).
Ông Lịch cho rằng, cũng như Hà Nội, TPHCM là nơi có sức hút đối với nguồn lao động từ các tỉnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước và sẽ tiếp tục là nơi lập nghiệp của doanh nhân, doanh nghiệp cả nước thì trong kỷ nguyên mới, thậm chí có tiềm năng để trở thành nơi khởi nghiệp của khu vực. Các điều kiện cơ bản để TPHCM khẳng định nguồn nội lực của mình là các dư địa phát triển từ Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm Tài chính quốc tế. Đây là các nhân tố đột phá trong việc xây dựng cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế.
Từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đến vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, TPHCM đã tạo ra các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo. Hiện nay, những nội lực này tiếp tục là động lực để thành phố chuyển mình mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
“Điều rất đáng mừng là về kiến trúc, văn hóa và các công trình biểu tượng của Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ gần như còn nguyên vẹn. Chính quyền TPHCM cần có các giải pháp, kế hoạch về lâu dài để bảo tồn các di sản đặc biệt này. Nhất là, các quy hoạch đến 2040, tầm nhìn 2050 cần đảm bảo hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, để “Hòn ngọc Viễn Đông” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của Thành phố mang tên Bác” - KTS.KS Trần Văn Long nói.