Cơn sốt vàng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á

Khi giá vàng toàn cầu chạm đỉnh lịch sử, người dân Indonesia đã phải chen chân trong cuộc đua khốc liệt vì nguồn cung hạn chế, thậm chí chấp nhận xếp hàng xuyên đêm chỉ để mua được vài gram kim loại quý này.

Nhân viên của một cửa hàng cầm đồ đang sắp xếp đồ trang sức bằng vàng. Ảnh: CNA

Nhân viên của một cửa hàng cầm đồ đang sắp xếp đồ trang sức bằng vàng. Ảnh: CNA

Theo đài CNA, vào một buổi sáng trong tuần gần đây, Resty Kinanthi, 24 tuổi đang thất nghiệp, đã đến một cửa hàng vàng ở Nam Jakarta từ lúc 8 giờ sáng với hy vọng mua được vài gram vàng. Nhưng ngay lập tức, cô bị từ chối vì cửa hàng đã hết suất phục vụ cho ngày hôm đó.

Từ đầu tháng 4, cửa hàng này áp đặt giới hạn chỉ 50 người được mua vàng mỗi ngày và số lượng đó đã nhanh chóng được lấp đầy. Dù hôm sau Kinanthi đến từ 6 giờ sáng, tình hình vẫn không thay đổi.

“Tôi tự hỏi, mọi người đến đây từ mấy giờ? Rồi tôi nghe nói rằng có người xếp hàng từ đêm hôm trước để lấy số thứ tự”, cô chia sẻ.

Cảnh tượng người dân xếp hàng dài xuyên đêm để mua vàng đang dần trở nên phổ biến ở Indonesia, trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh lịch sử, nền kinh tế trong nước suy yếu, những bất ổn toàn cầu tiếp tục gây hoang mang.

Nơi trú ẩn trong bất ổn

Dù từng có các “cơn sốt vàng” tại Indonesia – điển hình là trong đại dịch COVID-19, nhưng các chuyên gia nhận định làn sóng hiện nay đã đạt đến quy mô lớn hơn. Nhiều người đổ xô mua vàng như một biện pháp bảo vệ tài sản trong bối cảnh kinh tế khó đoán định.

Theo nhà kinh tế học Eko Listiyanto thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF), làn sóng mua vàng bắt đầu manh nha từ nhiều tháng trước, khi có thông tin Tổng thống Trump có thể trở lại chính trường. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu Indonesia vào ngày 2/4 – với mức lên tới 32%.

Dù vào ngày 9/4, chính quyền Mỹ thông báo sẽ tạm hoãn các mức thuế này trong vòng 90 ngày, tâm lý hoảng loạn và lo sợ rủi ro kinh tế đã lan rộng.

Ngay sau đó, giá vàng trên toàn cầu và tại Indonesia bật tăng mạnh, khi vàng một lần nữa được xem là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Tính đến ngày 28/4, giá vàng thế giới đạt khoảng 3.338 USD/ounce (tương đương 28 gram), trong khi tại Indonesia, giá một gram vàng lên tới 1,965 triệu rupiah – tương đương khoảng 117 USD, tăng gần 10% so với mức 1,79 triệu rupiah hồi đầu tháng.

Không chỉ ở Indonesia, xu hướng mua vàng cũng được ghi nhận tại các nước láng giềng. Tại Malaysia, nhiều cửa hàng cho biết lượng khách tăng tới 25%. Ở Thái Lan, nơi vàng có giá trị biểu tượng mạnh mẽ, thế hệ trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến vàng thông qua các kênh mạng xã hội và ứng dụng tài chính.

Tuy nhiên, hiện tượng xếp hàng xuyên đêm như tại Indonesia vẫn là điều hiếm thấy ở các quốc gia trong khu vực.

Tâm lý phòng vệ và nỗi sợ “bỏ lỡ”

Hàng chục người dân Indonesia xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng ở Jakarta ngày 24/4. Ảnh: CNA

Hàng chục người dân Indonesia xếp hàng mua vàng tại một cửa hàng ở Jakarta ngày 24/4. Ảnh: CNA

Theo nhà kinh tế Eko, không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân khiến giá vàng tăng vọt – chẳng hạn các tuyên bố thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, khi chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, người dân muốn có sự chuẩn bị tài chính cho những tình huống bất trắc trong tương lai.

Ngoài ra, nhiều người còn dùng đến khoản tiền thưởng Eid (lễ hội Hồi giáo) mà họ nhận được từ cuối tháng 3 – số tiền được xem như một khoản “thưởng Tết” – để đầu tư vào vàng, thay vì chi tiêu như thông thường.

Đáng chú ý, đối tượng xếp hàng mua vàng đông đảo nhất lại là người trẻ – đặc biệt là thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ (millennials). Những người trẻ này được cho là có kiến thức tài chính tốt hơn thế hệ trước và bắt đầu hành trình đầu tư từ sớm, dù thu nhập còn khiêm tốn.

“Họ không giàu, nhưng họ hiểu cần phải đầu tư. Và vì họ sống trong môi trường kỹ thuật số, họ cũng dễ bị cuốn theo tâm lý sợ bỏ lỡ – hay còn gọi là FOMO”, Eko giải thích.

Nhà kinh tế học Fithra Faisal tại Công ty môi giới Samuel Sekuritas Indonesia cũng cho rằng người dân nước này đang cố gắng tận dụng đà tăng của giá vàng như một cơ hội đầu cơ ngắn hạn – mua rồi nhanh chóng bán ra để kiếm lời.

“Ba tuần trước giá còn 1,7 triệu rupiah/gram vàng, rồi lên 1,8 triệu, tăng lên 1,9 triệu, và giờ là 2 triệu. Mọi người không muốn bỏ lỡ cơ hội đó”, ông nói.

Biểu tượng truyền thống của sự thịnh vượng

Không chỉ người trẻ, hàng dài người xếp hàng trước các cửa hàng vàng còn bao gồm cả phụ nữ trung niên và cao tuổi – đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có tài khoản ngân hàng, và coi việc mua vàng là hình thức tiết kiệm an toàn nhất.

Theo nhà nghiên cứu xã hội Devie Rahmawati tại Đại học Indonesia, vàng từ lâu đã có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa Indonesia.

“Trong nhiều cộng đồng, vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, quyền lực và hạnh phúc. Ngày nay, có thể biểu tượng đó đã phần nào chuyển sang ô tô hoặc điện thoại, nhưng với thế hệ lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, vàng vẫn là thứ tài sản đáng tin cậy, thậm chí được truyền lại cho thế hệ sau”, ông nói.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vàng vật lý tại Indonesia lại khá hạn chế. Vàng thỏi – dạng vàng phổ biến để đầu tư – chủ yếu được cung cấp bởi Công ty nhà nước Aneka Tambang (ANTAM). ANTAM chỉ có một vài cửa hàng tại Jakarta và một số thành phố lớn, trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ khác không được ưa chuộng bằng vì không có chứng nhận của Hiệp hội Thị trường Vàng Thỏi London.

Vì thế, nhiều người chỉ tin tưởng mua vàng thỏi do ANTAM sản xuất – khiến cho nhu cầu dồn ứ và gây ra cảnh tượng chen lấn, xếp hàng mỗi ngày.

“ANTAM không thể đột ngột tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, vì vậy tình trạng xếp hàng kéo dài là điều khó tránh khỏi”, chuyên gia Eko nhận định.

Phản hồi với truyền thông, đại diện ANTAM – ông Faisal Alkadrie – cho biết công ty đang cố gắng mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển kênh mua vàng kỹ thuật số qua ứng dụng riêng. Dù vậy, ông không tiết lộ số lượng vàng được bán ra mỗi ngày.

Hiện ANTAM có năm cửa hàng tại Jakarta và khoảng 15 cửa hàng trên toàn quốc – một con số khiêm tốn so với nhu cầu đang tăng mạnh.

“Chúng tôi đã lường trước tình trạng này bằng cách củng cố chuỗi cung ứng và tối ưu hóa mạng lưới phân phối, bao gồm các cửa hàng ở nhiều khu vực khác nhau, đồng thời đưa ra giải pháp kỹ thuật số để mua vàng thông qua ứng dụng của ANTAM”, ông Alkadrie cho biết.

Vàng miếng được trưng bày tại một cửa hàng vàng ở Jakarta. Ảnh: CNA

Vàng miếng được trưng bày tại một cửa hàng vàng ở Jakarta. Ảnh: CNA

Theo các chuyên gia, tình hình tại Indonesia có phần tương đồng với những quốc gia có nền văn hóa đề cao vàng như Ấn Độ – nơi vàng không chỉ là tài sản mà còn mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, người dân thường mua vàng trực tuyến và lưu trữ trong tài khoản số – điều chưa phổ biến tại Indonesia.

Tại “quốc gia vạn đảo”, vàng có thể được giao dịch trực tuyến, nhưng người dân vẫn ưu tiên mua vàng vật lý vì lo ngại rủi ro công nghệ. Các vụ lừa đảo trực tuyến không phải là hiếm, khiến người dân e ngại các nền tảng kỹ thuật số và tin tưởng hơn vào “vàng cầm tay”.

Cơn sốt vàng ở Indonesia hiện không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn phản ánh sự bất an trong tâm lý xã hội, sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống, văn hóa tài chính mới, và cả sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng đầu tư của đất nước. Các chuyên gia cảnh báo rằng trong bối cảnh bất ổn vẫn còn kéo dài, người dân cần tỉnh táo và không nên quá vội vàng chạy theo tâm lý đám đông – đặc biệt là khi “giấc mơ vàng” có thể không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.

Vy Hân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/con-sot-vang-o-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-20250430005301217.htm
Zalo